Tại Khoa Nội nhi, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, những ngày thời tiết chuyển lạnh đột ngột, số bệnh nhân vào viện khám và điều trị tăng khoảng 30%. Hiện khoa đang điều trị cho 110 bệnh nhân, với các bệnh chủ yếu mắc là cảm cúm, cảm lạnh, viêm phổi, viêm thanh quản, phế quản... Chị Nguyễn Thị Thảo, xã Khánh Hải (huyện Yên Khánh) chia sẻ, thời tiết chuyển rét đậm đột ngột, con gái chị 11 tháng tuổi đang điều trị bệnh viêm mô tế bào tại Khoa Ngoại của bệnh viện, sau hơn 1 tuần điều trị, cơ bản đã khỏi bệnh có thể được xuất viện. Tuy nhiên, do thời tiết lạnh đột ngột, sức đề kháng yếu, cháu lại chuyển sang mắc viêm phổi, vợ chồng chị lại chuyển sang Khoa Nội nhi tiếp tục điều trị cho con. "Bác sĩ chẩn đoán, bé cần phải nằm viện cả tuần nữa để điều trị bệnh viêm phổi, tránh để biến chứng nặng hơn. Thời tiết vẫn mưa phùn, lạnh giá như thế này thật là khổ, thương con đau yếu, quấy khóc và vất vả cho gia đình khi phải đi lại, túc trực chăm sóc con mắc bệnh... Tuy bệnh nhân đông nhưng bệnh viện vẫn có đủ giường, bố trí các quạt sưởi và thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nên đảm bảo được sức khỏe cho cả mẹ và bé."- chị Thảo cho biết thêm.
Bác sĩ Trần Thị ánh Hồng, Phó Trưởng Khoa Nội nhi, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cho biết: Những ngày gần đây, đặc biệt là vài ngày nay, do thời tiết diễn biến bất thường, mưa lạnh đột ngột nên trẻ em nhập viện tăng, đặc biệt là trẻ em dưới 3 tuổi. Công suất sử dụng giường của khoa là 90 giường, nhưng phải kê thêm lên hơn 100 giường. Hiện tại, Khoa đang sử dụng 110 giường, cố gắng không để bệnh nhân phải nằm ghép. So với cùng kỳ năm trước, số bệnh nhân nằm điều trị tăng hơn 1 lần và dự đoán bệnh nhân nhập viện sẽ còn tăng nữa nếu thời tiết vẫn còn phức tạp kéo dài.
Tại Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, tuy bệnh nhân không tăng nhưng chủng loại bệnh đã tập trung vào một số bệnh mùa đông lạnh giá. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, hiện Khoa đang điều trị cho 70 bệnh nhân, trong đó chủ yếu là các bệnh mùa lạnh như sốt vi rút, sốt phát ban, tiêu chảy do vi rút rô-ta, một số ca tay chân miệng... Trong đó có trên 50% ca bệnh mắc tiêu chảy do vi rút rô - ta, là bệnh cấp tính do vi rút gây nên, bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy, mất nước để dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Theo các bác sĩ, thời tiết rét đột ngột kèm mưa phùn gió lạnh là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, gây nhiễm khuẩn đường hô hấp, dẫn đến trẻ bị viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, viêm phổi. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, trẻ sẽ bị suy hô hấp dễ dẫn đến tử vong. Thực tế các bệnh do virus gây ra, thường không cần dùng đến kháng sinh mà phải chăm sóc tốt về dinh dưỡng, vệ sinh sạch sẽ và theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh. Khi trẻ có biểu hiện ngủ li bì, ăn kém, thở rít... cần được nhanh chóng chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cũng theo các bác sĩ, khi trời lạnh cần quan tâm chăm sóc tốt về sức khỏe, nhất là đối tượng người già và trẻ em. Theo đó, hạn chế tối đa việc ra ngoài trời cho các đối tượng này.
Nếu bắt buộc phải ra ngoài, cần mặc và giữ ấm các bộ phận trên cơ thể, như ngực, lưng, vùng bụng, tay, chân, tránh gió thổi trực tiếp vào người. ở trong nhà, cũng cần đóng kín các cửa, khe hở, tránh gió lùa. Nếu dùng điều hòa nhiệt độ, chỉ nên để nhiệt độ từ 20-25 độ C, để khi ra khỏi phòng, sự chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài không quá cao. Ngoài ra, hiện đang là thời điểm trẻ mắc nhiều các bệnh do virus tiêu chảy, sốt, tay chân miệng..., trong đó sốt virus có thể gây nguy hiểm vì nhiều trẻ bị sốt cao, co giật, ảnh hưởng đến thần kinh, do vậy, cần cho trẻ nhập viện, tuyệt đối không tự mua thuốc về điều trị tại nhà.
Thời tiết lạnh sẽ còn kéo dài, nhiệt độ thường xuống thấp hơn vào đêm và sáng, việc giữ sức khỏe rất cần thiết đối với mọi người, nhất là đối tượng người già và trẻ em. Do vậy, cần luôn giữ cơ thể đủ ấm, ăn uống đủ dinh dưỡng, thức ăn đảm bảo vệ sinh, nóng sốt; đồng thời có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, từ đó sẽ giữ được cho cơ thể sự khỏe mạnh, đủ điều kiện chống chọi với thời tiết lạnh giá khắc nghiệt.
Bài, ảnh: Hạnh Chi