Dựa trên kết quả điều tra của Bệnh viện Mắt Trung ương, năm 2007, Ninh Bình có khoảng 7.000 người mù và trên 12.000 người có thị lực thấp, trong đó người mắc bệnh đục thủy tinh thể ước có 5.000 người, số mắc mới hàng năm khoảng 1.800 người.
Những năm trước đây, cơ sở vật chất cũng như đội ngũ y, bác sỹ phục vụ về chuyên ngành mắt còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vì vậy, không có điều kiện để triển khai các dịch vụ chăm sóc mắt phục vụ người dân. Sau khi được hưởng thụ từ dự án "Nâng cao năng lực mạng lưới chăm sóc mắt" do Tổ chức Orbis tài trợ, việc xây dựng mạng lưới và đào tạo cán bộ về mắt ở tuyến tỉnh, huyện và thôn, bản được quan tâm đẩy mạnh.
Ngoài đội ngũ y, bác sỹ được đào tạo kỹ thuật về chăm sóc, điều trị các bệnh về mắt, đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế học đường tại các trường học, cán bộ y tế thôn, bản cũng được tập huấn về nghiệp vụ để có kiến thức chăm sóc mắt ban đầu cho học sinh và người dân. Cùng với việc quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, hoạt động cung cấp trang thiết bị được chú trọng đã góp phần quan trọng phục vụ thuận lợi công tác khám, chữa bệnh về mắt. Mỗi năm, đã tổ chức khám sàng lọc, phát hiện các bệnh về mắt cho 10.000 - 12.000 lượt người, phẫu thuật cho khoảng 1.200 ca đục thủy tinh thể chủ yếu bằng phương pháp phaco. Năm 2011 đã phẫu thuật cho 1.345 trường hợp, đạt 1.500 ca/1 triệu dân.
Cùng với hoạt động tại các cơ sở y tế, tại các trường học, đoàn thể… công tác chăm sóc mắt ban đầu cho người dân được quan tâm triển khai thông qua hoạt động truyền thông, giáo dục. Từ năm 2007- 2011 đã có 83.942 lượt học sinh được kiểm tra thị lực và khám sàng lọc về tật khúc xạ, kê đơn kính cho trên 4.000 lượt em và cấp 420 kính miễn phí cho học sinh, phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh thành lập được 25 câu lạc bộ tuyên truyền các bệnh về mắt. Số người được khám và tư vấn chăm sóc mắt ngày càng tăng, người bệnh được chẩn đoán, xử trí hoặc chuyển tuyến trên kịp thời. Số người dân được tư vấn chăm sóc mắt ban đầu ngay tại cộng đồng do đội ngũ cán bộ y tế thôn, bản đảm nhiệm đã góp phần để nhiều người có cơ hội được chăm sóc về mắt.
Năm 2009, Bệnh viện Mắt tỉnh được thành lập Năm qua, Bệnh viện Mắt tỉnh đã triển khai áp dụng và hoàn thiện các kỹ thuật chuyên môn sau như: Phẫu thuật phaco, phẫu thuật mộng, ghép kết mạc, laze YAG điều trị đục bao sau thứ phát… Năm 2012, ngành mắt Ninh Bình tiếp tục nhận được sự tài trợ từ tổ chức FHF với các hoạt động đào tạo nhân lực, đầu tư trang thiết bị y tế, đẩy mạnh hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân…
Với cơ sở vật chất, trang thiết bị đã, đang và tiếp tục được đầu tư, trang bị, chương trình phòng, chống mù lòa của tỉnh sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu quả với nhiều hoạt động: Kiểm soát bệnh đục thủy tinh thể là bệnh thường gặp ở người cao tuổi thông qua chương trình phẫu thuật khoảng 1.800- 2.000 ca/năm; thanh toán bệnh quặm do biến chứng mắt hột với 500 ca mổ miễn phí, phấn đấu đến năm 2013-2015 trên địa bàn tỉnh cơ bản thanh toán được biến chứng quặm; triển khai chương trình chăm sóc tật khúc xạ ở nhóm học sinh THCS tại thành phố Ninh Bình là địa phương có tỷ lệ học sinh mắc đông; phòng, chống và theo dõi bệnh glocom (thiên đầu thống) ở cộng đồng; khám điều tra, phát hiện các mắt về mắt thường gặp ở trẻ em: lác, sụp mi, đục thủy tinh thể bẩm sinh và các dị tật khác ở mắt; quản lý và điều trị bệnh võng mạc tiểu đường gây mù…
Những hoạt động kể trên nằm trong kế hoạch phòng, chống mù lòa của tỉnh giai đoạn 2013-2015 nhằm góp phần giảm tỷ lệ mù lòa và kém thị lực ở người lớn và trẻ em trong toàn tỉnh.
Phan Hiếu