Thời gian qua, để hỗ trợ cho nhóm phụ nữ yếu thế (phụ nữ khuyết tật, phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, phụ nữ bị bạo hành, phụ nữ bị ảnh hưởng di chứng từ chiến tranh...), các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều cách làm cụ thể, thiết thực. Qua đó, từng bước giúp hội viên phụ nữ khắc phục khó khăn, vượt qua mặc cảm tạo dựng cuộc sống ổn định, hạnh phúc.
Quan tâm, chăm lo, hỗ trợ phụ nữ yếu thế
Để hỗ trợ cho nhóm phụ nữ yếu thế đạt hiệu quả, hàng năm các cấp Hội Phụ nữ chủ động rà soát, phân nhóm phụ nữ theo đặc thù để có giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp.
Cụ thể, đối với nhóm phụ nữ nghèo, các cấp hội tập trung triển khai giúp đỡ phát triển các mô hình kinh tế gia đình thông qua vay vốn tín chấp với ngân hàng và từ vốn tiết kiệm của các tổ, hội phụ nữ tương trợ; hỗ trợ về cây, con giống; kết nối thực hiện các chương trình thoát nghèo; vận động chị em tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất tại gia đình.
Trong 5 năm qua (2016-2021), các cấp Hội đã tiếp tục hoạt động ủy thác với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ hội viên vay vốn với tổng dư nợ hiện nay đạt trên 3 tỷ đồng 8.918 tỷ đồng, cho 50.685 người vay tại 1.965 tổ/nhóm vay vốn và tiết kiệm, trong đó có 14.591 lượt phụ nữ nghèo.
Đồng thời, vận động các nguồn lực hoàn thành xây mới và sửa chữa 105 nhà "Mái ấm tình thương" với trị giá hàng tỷ đồng giúp đỡ các hội viên phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, đã có nhiều chị em vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống ấm no.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng triển khai, thành lập được trên 1000 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng nhằm hỗ trợ hội viên phụ nữ, trẻ em bị bạo hành.
Hằng năm, các cấp Hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các đề án, dự án, chương trình với chủ đề "An toàn cho phụ nữ, trẻ em"; xây dựng các mô hình CLB phòng, chống bạo lực gia đình, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho phụ nữ, trẻ em; kịp thời lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, nhất là các vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em.
Trong 5 năm (2016-2021), các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các đơn vị tổ chức 266 diễn đàn, giao lưu hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới; hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc, ngày Gia đình Việt Nam; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; phòng, chống mua, bán người…
Cùng với đó, những chị em, hội viên phụ nữ khuyết tật, bị ảnh hưởng di chứng từ chiến tranh cũng là nhóm được các cấp Hội dành sự quan tâm đặc biệt với mong muốn giúp đỡ chị em xóa bỏ mặc cảm, tự ti, vươn lên hòa nhập tốt với cộng đồng, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.
HTX Phụ nữ khuyết tật "Ước vọng xanh" huyện Yên Khánh là mái nhà chung của nhiều hội viên, phụ nữ khuyết tật tại địa phương.
Xuất phát điểm từ một nhóm may nhỏ tại địa phương, đến nay, HTX may mặc Cúc Phương đã cho thấy hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể, là mái nhà chung của nhiều hội viên phụ nữ khuyết tật tại địa phương.
Chị Đinh Thị Yến, Giám đốc HTX may mặc Cúc Phương cho biết: "Với mong muốn có một tổ chức sản xuất phù hợp với người khuyết tật để giúp đỡ những chị em có cùng cảnh ngộ, nhờ sự động viên, hỗ trợ của các cấp Hội Phụ nữ, tôi đã đứng ra vận động, thành lập HTX may mặc. Từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chỉ có 14 hội viên là người khuyết tật và người nhà của người khuyết tật, đến thời điểm này đã tăng thành 26 người. Với mức thu nhập 80.000 - 100.000 đồng/người/ngày".
Theo chia sẻ của nhiều hội viên, phụ nữ khuyết tật làm việc ở đây, các chị tìm thấy sự đồng cảm, chia sẻ, gắn bó, yêu thương như gia đình. Vì thế, dù mức thu nhập còn chưa cao, nhưng mọi người đều thấy vui và yên tâm làm việc.
Ngoài HTX may mặc Cúc Phương, hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều mô hình kinh tế của hội viên, phụ nữ khuyết tật đạt hiệu quả cao, tiêu biểu như: HTX may mặc Thạch Bình, hỗ trợ đảm bảo công ăn việc làm ổn định và phù hợp với sức khỏe cho 15 hội viên, phụ nữ khuyết tật và người nhà của người khuyết tật tại địa phương; HTX Phụ nữ khuyết tật "Ước vọng xanh" (Yên Khánh) với 9 thành viên là người khuyết tật tham gia sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ, tre, nứa, rơm rạ…; cơ sở sản xuất tăm tre nhân đạo của bà Nam Thị Tơ tại xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động là hội viên, phụ nữ khuyết tật tại địa phương, với mức thu nhập bình quân 50.000 - 100.000 đồng/người/ngày…
Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, công tác chăm lo cho phụ nữ yếu thế cũng còn gặp một số khó khăn, đặc biệt đối với nhóm phụ nữ khuyết tật. Do điều kiện sức khỏe hạn chế, vì thế chị em còn e ngại với việc vay vốn để sản xuất, nên đời sống còn nhiều bấp bênh.
Đồng chí Lại Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, Hội sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm, tuyên dương gương phụ nữ vượt khó vươn lên, từ đó giúp chị em hội viên phụ nữ khuyết tật mạnh dạn hòa nhập, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng để tự tin hơn trong cuộc sống.
Đồng thời, tranh thủ huy động thêm các nguồn lực xây dựng quỹ hỗ trợ thường xuyên hơn; nghiên cứu triển khai một số mô hình nhóm tự lực cho các chị em, hội viên phụ nữ khuyết tật cùng tham gia làm việc, tạo thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.