Cách đây 60 năm, ngày 3/7/1957, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 290/TTg thành lập Ban quản lý thị trường Trung ương và Ban quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc. Ban quản lý thị trường Trung ương có nhiệm vụ giúp Chính phủ nghiên cứu chủ trương, chính sách quản lý thị trường, chống đầu cơ tích trữ… Tương tự, Ban quản lý thị trường các tỉnh, thành phố có nhiệm vụ giúp ủy ban hành chính địa phương chỉ đạo quản lý thị trường ở đơn vị mình theo chủ trương, chính sách của Chính phủ.Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, với nhiều lần thay đổi về tên gọi, về mô hình tổ chức theo yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Ninh Bình không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, qua từng thời kỳ cách mạng, với những nhiệm vụ được giao hết sức nặng nề, song lực lượng QLTT Ninh Bình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tin tưởng giao phó.
Trong thời kỳ kháng chiến và giai đoạn đầu của công cuộc xây dựng CNXH, lực lượng QLTT Ninh Bình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế hậu phương và chi viện cho tiền tuyến; tham gia cải tạo công thương nghiệp tư bản tư nhân; đấu tranh chống buôn bán hàng hóa nhập lậu, vi phạm chính sách thu mua, vận chuyển, phân phối hàng hóa trái phép…
Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Chi cục được UBND tỉnh giao là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) 127 tỉnh, nay là BCĐ 389 của tỉnh; chủ trì 2 đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh.
Chi cục đã chủ động tham mưu cho BCĐ xây dựng chương trình, kế hoạch và ban hành các văn bản chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, VSATTP trên địa bàn tỉnh, tham mưu giúp BCĐ, UBND tỉnh thống nhất trong việc phối hợp kiểm tra liên ngành của các lực lượng chức năng, tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, VSATTP trên địa bàn tỉnh.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh hàng hóa và dịch vụ thương mại trên địa bàn được coi trọng với nhiều hình thức như: Lồng ghép công tác kiểm tra với việc tuyên truyền hướng dẫn; tổ chức các lớp tập huấn phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại; vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh để tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo VSATTP và gian lận thương mại.
Phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân tỉnh, MTTQ tỉnh tổ chức các Hội nghị tập huấn phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp cho các đối tượng của các cấp hội và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin truyền thông thực hiện các chuyên mục "Công nghiệp & Thương mại" và "Bản tin kinh tế thị trường", hướng dẫn người tiêu dùng cách nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả, hàng đảm bảo chất lượng; đưa tin các vụ việc kiểm tra điển hình của lực lượng QLTT và các đợt tiêu hủy hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu phát trên phương tiện thông tin đại chúng.
Tổ chức trưng bày các gian hàng thật, hàng giả tại các hội chợ, triển lãm của tỉnh nhằm tuyên truyền và khuyến cáo người tiêu dùng đề cao cảnh giác trong quá trình mua bán, trao đổi hàng hóa trên thị trường, tránh mua vào hàng giả.
Trong công tác quản lý địa bàn, bằng việc thống kê phát phiếu điều tra, thu thập thông tin của từng cơ sở sản xuất, kinh doanh, Chi cục đã hoàn thiện đưa vào sử dụng hệ thống sổ bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh bằng phần mềm điện tử để quản lý với 7.728 cơ sở sản xuất, kinh doanh và 1.641 các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các chợ trên địa bàn tỉnh.
Việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, từ chỗ chủ yếu kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm về thủ tục kinh doanh, điều kiện kinh doanh, nhãn hàng hóa...,đến nay, Chi cục đã triển khai nhiều kế hoạch với các giải pháp cụ thể tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và VSATTP trong tình hình mới.
Trong đó tập trung kiểm tra những mặt hàng: Kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế kinh doanh; các mặt hàng thiết yếu, nhạy cảm, nổi cộm; các mặt hàng có liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi sinh môi trường; chống đầu cơ tăng giá trên thị trường, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa, phòng chống dịch bệnh ở gia súc gia cầm, VSATTP và gian lận thương mại...
Trong các năm 2015, 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Chi cục đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đảm bảo VSATTP trên khâu lưu thông và tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các khu, điểm du lịch Tràng An, Bái Đính, Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc - Bích Động, thành phố Ninh Bình và các điểm kinh doanh thịt dê tươi sống tự phát dọc tuyến đường Tràng An - Cố đô Hoa Lư - Bái Đính.
Đồng thời tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh thịt dê tự phát thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, đảm bảo an ninh trật tự, nếp sống văn minh và phải chuyển đến địa điểm bán hàng tập trung đã được UBND huyện Hoa Lư bố trí, sắp xếp.
Kết quả, Chi cục đã kiểm tra 111 cơ sở kinh doanh thực phẩm, xử phạt 63 cơ sở, phạt tiền 147,05 triệu đồng, trị giá thực phẩm tịch thu, tiêu hủy 118,9 triệu đồng.
Tiêu hủy 19.664 kg nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo VSATTP... chuyển giao cho cơ quan điều tra Công an tỉnh 2 vụ việc vận chuyển động vật quý hiếm như: Tê tê Java, rắn hổ mang chúa để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Trong công tác pháp chế và thanh tra chuyên ngành, lực lượng QLTT tỉnh đã chủ động nghiên cứu, phát hiện những kẽ hở trong cơ chế, chính sách, từ đó đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu bổ sung vào các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thực tiễn phát sinh.
Bộ phận Pháp chế mới được thành lập đã tham mưu giúp Chi cục trưởng tổ chức thanh tra chuyên ngành 6 cuộc (từ năm 2015-2017) đối với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh các mặt hàng trọng điểm, thiết yếu như: xăng dầu, gas...
Tính đến hết tháng 6/2017, Chi cục đã kiểm tra 43.210 vụ, phát hiện và xử lý 16.908 vụ vi phạm pháp luật; phạt tiền và tịch thu, tiêu hủy hàng hóa trị giá 42 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, Chi cục đã kiểm tra 1.504 vụ, xử lý 850 vụ.
Tổng số tiền thu phạt 4.457,805 triệu đồng, trong đó phạt tiền 1.611 triệu đồng, giá trị hàng hóa tịch thu để bán đấu giá 1.844 triệu đồng; giá trị hàng hóa tiêu hủy 1.001,9 triệu đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự nhiều vụ buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng giả như: thuốc nổ, pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu, thực phẩm, phụ gia thực phẩm giả, động vật quý hiếm.
Tịch thu, tiêu hủy nhiều loại hàng hóa có ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi sinh, môi trường như: thuốc tân dược quá hạn sử dụng; hàng trăm nghìn băng đĩa hình in sao trái phép; rượu bia, nước giải khát giả quá hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng; hàng chục tấn thóc giống giả, phân bón giả, máy tính cá nhân, hàng tấn mỳ chính giả, hàng chục tấn thịt lợn, nội tạng động vật, thịt trâu, bò khô không rõ nguồn gốc, hàng tấn mỡ bẩn không đảm bảo VSATTP...
60 năm qua, lực lượng QLTT tỉnh Ninh Bình đã luôn khẳng định là thành phần chủ công trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh, được các cấp, các ngành ghi nhận và đánh giá cao, nhiều tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc của tỉnh và Trung ương. Chi bộ đảng luôn được công nhận là tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên được công nhận là tổ chức quần chúng vững mạnh và xuất sắc.
Bùi Văn Quý(Chi cục trưởng Chi cục QLTT Ninh Bình)