Rừng bảo vệ độ phì nhiêu và bồi dưỡng tiềm năng của đất, rừng tốt tạo ra đất tốt và ngược lại đất tốt lại nuôi rừng tốt... Ngoài chức năng và vai trò trên, rừng đặc dụng Hoa Lư-Vân Long còn có vị trí vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường, phục vụ cho phát triển du lịch của tỉnh.
Đồng chí Lê Sỹ Dương, phó Phòng quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên (chi cục Kiểm lâm) cho biết: Để quản lý, phát triển rừng đặc dụng theo hướng bền vững, mới đây UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển rừng đặc dụng Hoa Lư-Vân Long đến năm 2020.
Theo đó thì khu rừng Văn hóa, Lịch sử, Môi trường Hoa Lư có tổng diện tích là 2.859,4 ha được chia làm 2 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt diện tích 669,5 ha, chiếm 23,4%; nằm trong địa bàn xã Trường Yên 113,8 ha, Ninh Hải 443,2 ha, Ninh Xuân 112,5 ha.
Phân khu phục hồi sinh thái và tham quan du lịch diện tích 2.189,9 ha, chiếm 76,6%; nằm trong địa bàn xã Ninh Vân 69 ha, Ninh Xuân 286,7 ha, Ninh Hòa 125 ha, Ninh Nhất 79 ha, Trường Yên 801,6 ha, Ninh Hải 828,6 ha. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long có tổng diện tích 2.736 ha được chia làm 3 phân khu.
Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt được bảo tồn nguyên vẹn các hệ sinh thái và các loài sinh vật sống trong đó có loài Vooc quần đùi trắng; diện tích quy hoạch là 1.270,6 ha, chiếm 46,4% trong đó có tới 99,6% là rừng tự nhiên.
Phân khu phục hồi sinh thái được quản lý cùng với các biện pháp kỹ thuật lâm sinh để bảo tồn và kết hợp tham quan, du lịch; tổng diện tích phân khu 1.463,4 ha, chiếm 53,4% trong đó có khoảng 50,5% là rừng tự nhiên. Phân khu hành chính, diện tích 2 ha là nơi làm việc, nghiên cứu, thực nghiệm, sinh hoạt của Ban quản lý rừng.
Đồng chí Bùi Công Chính, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư-Vân Long cho biết: Nội dung của quy hoạch không chỉ đề cập đến công tác bảo vệ rừng với việc khoán bảo vệ rừng; tuần tra phát hiện ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác trái phép lâm sản, săn bắt động vật hoang dã; phòng, chống cháy rừng; nghiên cứu khoa học; phát triển du lịch trong các khu rừng; phát triển vùng đệm cho từng khu vực; xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị; đào tạo nguồn nhân lực...mà còn có công việc trồng rừng và cải tạo rừng.
Việc trồng rừng được thực hiện chủ yếu ở phân khu phục hồi sinh thái trên vùng đất trống khoảng 15 ha và vùng đất bán ngập (20 ha) thuộc khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long.
Cây trồng phải có phẩm chất tốt, cao từ 0,8-1,2m với các giống cây: Lát, Lim xanh...mật độ 1.000 cây/ha ở vùng đất trống; trồng cây Tràm, mật độ 6.000 cây/ha ở vùng đất bán ngập. Thực hiện trồng rừng vào mùa xuân, tổ chức chăm sóc trong 4 năm với việc ký kết hợp đồng trồng, chăm sóc, bảo vệ với nhân dân địa phương.
Ban quản lý khu bảo tồn chịu trách nhiệm thu hái hạt giống, chăm sóc cây con, hướng dẫn kỹ thuật trồng, kiểm tra nghiệm thu rừng và nâng cấp cải tạo vườn ươm cây giống tại thôn Tập Ninh, xã gia Vân.
Việc cải tạo rừng được thực hiện cả ở Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (48 ha) và rừng Văn hóa- Lịch sử- Môi trường Hoa Lư (12,2 ha) với trước đó được trồng chủ yếu là cây Keo. Sử dụng các giống cây bản địa như: Sưa, Lim xanh, Lát...phù hợp với vị trí, địa hình, cảnh quan chung trong khu vực để thay thế cây Keo.
Điều tra chi tiết đến từng lô rừng, có kế hoạch và thiết kế cải tạo cho từng lô (Cây chặt đi, cây để lại, số cây trồng bổ sung...). Tiến hành chặt bỏ những cây sinh trưởng phát triển kém, cây rỗng ruột, cây gãy đổ; giữ lại những cây có thân hình đẹp, sinh trưởng tốt; khi cây bản địa thay thế đã khép tán thì cải tạo tiếp các cây đã giữ lại.
Đinh Chúc