Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới năm 2014. Nhờ có việc hợp tác hiệu quả trong quản lý, khai thác di sản Tràng An đã biến Ninh Bình từ một địa phương không mấy phát triển về du lịch, trở thành một trong những nơi có tốc độ tăng trưởng về lượng khách và doanh thu du lịch cao nhất cả nước. Năm 2014, Ninh Bình đón gần 4,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt gần 1.000 tỷ đồng; 9 tháng đầu năm 2015 đã đón 5,1 triệu lượt khách, tăng 36,3% so với cùng kỳ; doanh thu ước đạt gần 1.200 tỷ đồng, tăng 50,7% so với cùng kỳ.
Qua tìm hiểu cho thấy, thời gian qua, lượng khách du lịch chủ yếu đến thăm danh thắng Tràng An. Tại đây có hình thức hợp tác công tư (PPP) mang lại lợi ích cho cả nhà nước và người dân; bởi tận dụng được nguồn lực tài chính và quản lý từ tư nhân, trong khi vẫn đảm bảo các lợi ích cho người dân. Động cơ để áp dụng mô hình hợp tác này là thu hút được nguồn vốn đầu tư của tư nhân, gia tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực có sẵn và tạo ra động cơ cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình. Nhìn từ góc độ Nhà nước, ưu điểm lớn nhất của hợp tác công tư là giảm được gánh nặng cũng như rủi ro đối với ngân sách. Hơn thế, mô hình PPP còn giải quyết được vấn đề quản lý, khai thác kém hiệu quả; vì mục tiêu lợi nhuận nên các nhà đầu tư (tư nhân) phải tìm cách để dự án được vận hành hiệu quả hơn. Thêm vào đó, với việc tham gia của khu vực kinh tế tư nhân, sự sáng tạo, ý thức trách nhiệm giải trình cũng như sự minh bạch có khả năng sẽ được cải thiện hơn. Như vậy, có thể khẳng định, mô hình hợp tác công tư hoàn toàn có thể được triển khai nhằm nâng cao giá trị khai thác di sản tại Việt Nam. Đến thời điểm này, các địa phương cũng đã có hành lang pháp lý là Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP được ban hành đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư trong và ngoài nước. Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị tham vấn quản lý Di sản Tràng An. Tại đây, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quản lý Quần thể danh thắng Tràng An. Các bộ, ban, ngành có liên quan phối hợp với tỉnh Ninh Bình rà soát các quy định trong Luật Di sản văn hóa cùng với văn bản hướng dẫn thi hành, hướng dẫn thực hiện công ước bảo vệ di sản, các nội dung khuyến nghị của UNESCO để triển khai làm tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Tràng An, giữ gìn giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn, xác thực của di sản. Triển khai tốt công tác tuyên truyền, quảng bá để du khách, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế biết và tới tham quan, tìm hiểu giá trị của di sản. Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên di sản, quản lý về xây dựng trong khu di sản, phối hợp quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường di sản, mốc giới, biển báo vùng lõi và vùng đệm của di sản. Cùng với đó là việc đưa ra giải pháp khắc phục những khó khăn, thách thức; nhận diện, ngăn ngừa các yếu tố tác động tiêu cực đến di sản (sức ép từ các hoạt động du lịch, gia tăng dân số...). Thứ trưởng cũng đánh giá cao việc quản lý, khai thác Di sản Tràng An theo mô hình hợp tác công tư giữa UBND tỉnh Ninh Bình và Doanh nghiệp Xuân Trường; đồng thời sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, phối hợp với địa phương nghiên cứu, sơ kết, tổng kết mô hình để có sơ sở khuyến cáo các địa phương khác trong việc quản lý, khai thác di sản. Giáo sư Paul Ding Wall, chuyên gia của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, chia sẻ: Di sản là báu vật của quốc gia, di sản thế giới còn là báu vật của nhân loại. Tuy nhiên, một di sản sẽ chỉ phát huy hết giá trị khi nó đến được với mọi người dân và tất cả đều cảm nhận được giá trị của di sản. Nhiều Quốc gia đã tách hai chức năng: Quản lý di sản vẫn thuộc về Nhà nước; nhưng việc quản trị và thu phí thì giao cho doanh nghiệp. Đây không phải là mô hình mới lạ. Tháp Eiffel của Pháp, Angkor Wat của Campuchia và rất nhiều di sản thế giới khác đều đang vận hành theo mô hình hợp tác công tư. Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An cũng được vận hành theo mô hình như vậy và bước đầu cho thấy có hiệu quả.
Ông Bùi Văn Mạnh, Phó giám đốc Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cho biết: Ngay sau khi Quần thể danh thắng Tràng An được ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới; Ban chỉ đạo cũng đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động của tỉnh để quản lý, bảo vệ di sản; ban hành kế hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND để thực hiện nghị quyết nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. UBND tỉnh cũng đã ban hành quy chế quản lý tạm thời về xây dựng trong khu di sản. Tổ chức 3 đợt tập huấn cho cộng đồng dân cư trong và ngoài vùng di sản hiểu về các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn di sản. Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các khuyến nghị của ủy ban Di sản thế giới.
Trong đó tập trung vào các công việc như chỉnh sửa lại Bản đồ khoanh vùng bảo vệ di sản và gửi lại cho Trung tâm Di sản thế giới vào tháng 11-2014 đảm bảo đúng thời gian quy định. Trước đó, Doanh nghiệp Xuân Trường đã bố trí kinh phí tu bổ, tôn tạo các điểm tham quan, di tích; nạo vét sông, ngòi, hang, động; xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu du lịch... trên cơ sở đảm bảo được sự phát triển bền vững, lâu dài và không làm ảnh hưởng lớn đến sinh cảnh, sinh thái trong khu vực; phối hợp cùng tỉnh và các ngành ở Trung ương xây dựng hồ sơ trình UNESCO xem xét công nhận Tràng An là di sản thế giới; tổ chức tốt việc khai thác di sản phục vụ cho du lịch (thu phí tham quan; chở đò, vận chuyển khách; tổ chức các dịch vụ phục vụ khách...); bảo vệ, bảo tồn di sản; giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan thiên nhiên trong vùng di sản và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định...
Tuy vẫn còn những bất cập, nhưng nhìn chung có thể thấy Quần thể danh thắng Tràng An là một mô hình hợp tác quản lý, khai thác di sản có hiệu quả và bước đầu cho thấy sự hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp.
Đinh Chúc