NỖI LO TRÊN VÙNG ĐẤT BÃI BỒI
Vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn có lượng phù sa màu mỡ, nguồn phù du phong phú, đa dạng, thủy thế thuận lợi, khí hậu thích ứng cho việc phát triển nghề nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản.
Cách đây hơn 20 năm, hàng trăm hộ dân Kim Sơn đã biết tận dụng diện tích ngoài đê để nuôi trồng thủy sản, mang lại nhiều giá trị kinh tế không chỉ cho gia đình mà góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế ở địa phương.
Nhận thấy tiềm năng từ kinh tế biển, năm 2005, Tỉnh ủy đã có Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển kinh tế ven biển đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Năm 2007, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020". Đây là cơ sở vững chắc là định hướng quan trọng cho việc đầu tư xây dựng vùng ven biển Kim Sơn trở thành vùng kinh tế trọng điểm nhằm khai thác tiềm năng, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn trong huyện.
Tại 3 xã bãi ngang là Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải đã hình thành nên những vùng nuôi tôm theo hướng công nghiệp, hiện đại, đem lại lợi nhuận lớn cho các hộ nuôi.
Tuy nhiên, từ năm 2013 trở lại đây các hộ dân nuôi trồng thủy sản ở vùng bãi bồi (khu vực ngoài đê Bình Minh 2) đang thấp thỏm, lo lắng vì công tác quản lý đất đai vùng bãi bồi của Nhà nước liên tục thay đổi, khiến người dân không yên tâm đầu tư sản xuất.
Ông Trần Văn Dũng, một trong những hộ nuôi tôm ở ngoài đê Bình Minh 2, Kim Sơn cho biết: Năm 1999, ông mua lại 2ha đầm để sản xuất thủy sản với giá 100 triệu đồng. Khi ông ra khai thác vùng đất này lau sậy cao ngập đầu, ông phải thuê máy về lồng sậy, dẫn nước về ngâm, mấy tháng sau mới đắp bờ cải tạo thành đầm. "Sức người vô kể không tính được bằng tiền" ông Dũng thở dài.
Mặc dù vẫn theo hình thức nuôi tôm quảng canh thu nhập không cao như các hộ nuôi theo hình thức công nghiệp vì nơi đây chưa được đầu tư điện lưới nhưng ông Dũng nhận thấy so với cấy lúa, trồng màu thì làm đầm thu nhập cao hơn hẳn. Điều làm ông Dũng băn khoăn nhất hiện nay là "Khi đi vào sản xuất gia đình tôi nộp đầy đủ tiền thuê đất với giá 1,2 triệu đồng/ha cho nhà nước.
Nhưng đến năm 2011-2013, không hiểu vì lý do gì mà huyện không ký hợp đồng với dân. Đến năm 2014 thì huyện có kế hoạch ký hợp đồng 1 năm nhưng nếu ký 1 năm thì việc đầu tư không an toàn nên người dân không đồng ý.
Không chỉ có hộ ông Trần Văn Dũng, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản khu vực đê Bình Minh 3 cũng có chung sự lo lắng. Năm 1995, ông Phạm Văn Hà cùng một số hộ dân xã Kim Đông ra khai hoang làm đầm ở bãi đăng ngoài đê Bình Minh 3.
Để cho các hộ yên tâm sản xuất, Phòng Nông nghiệp huyện Kim Sơn ký hợp đồng với các hộ với mức thu sản theo quy định hiện hành từng thời kỳ của địa phương. Nhận thấy việc nuôi thủy sản ở khu vực ngoài đê có hiệu quả kinh tế lâu dài nên ông Hà đã thế chấp sổ đỏ của gia đình và anh em họ hàng để vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi thủy sản.
Hiện giờ ông Hà rất hoang mang khi năm 2014 huyện Kim Sơn ngừng ký hợp đồng, đặc biệt khi có đại diện doanh nghiệp đến thông báo thu hồi diện tích đất đầm mà các hộ đang sở hữu ở khu vực này.
Liền kề bên nhà ông Hà là hộ anh Mai Văn An. Hơn 10 năm nay gia đình anh An cũng đã bán nhà trong Kim Đông cộng với vay mượn, thế chấp sổ đỏ của cả gia đình để lấy vốn làm đầm. Cả nhà 4 người sống chung trong căn chòi nhỏ hơn 10m2 ngay tại đầm. Vợ anh An nói trong nước mắt: "Bây giờ mà doanh nghiệp thu hồi đất không đền bù cho gia đình tôi thì chúng tôi biết đi đâu, nhà cửa bán hết rồi, nợ ngân hàng còn gần 1 tỷ đồng".
Theo số liệu rà soát của UBND huyện Kim Sơn, đến tháng 3/2017, khu vực từ đê Bình Minh 2 đến Cồn Nổi có khoảng 1.150 hộ dân đang sử dụng khai thác và nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích trên 2.600 ha. Trong đó, khu vực từ đê Bình Minh 2 đến đê Bình Minh 3 có gần 1.000 hộ với trên 930ha; khu vực từ đê Bình Minh 3 đến Cồn Nổi là 150 hộ với diện tích gần 1.700 ha.
Đánh giá về tiềm năng kinh tế thủy sản vùng bãi bồi Kim Sơn, ông Đặng Thanh Tân, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: So với các tỉnh trong khu vực, nuôi trồng thủy sản ở Kim Sơn có nhiều thuận lợi bởi nơi đây giáp với vùng nội đồng nên có thể nuôi thả thủy sản dưới nhiều hình thức.
Bên cạnh đó sự đầu tư lớn của nhà nước trong việc quai đê lấn biển đã giúp vùng nuôi trồng thủy sản của Kim Sơn có độ an toàn cao.
Những năm qua, vùng kinh tế này có đóng góp chủ yếu vào giá trị nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2016 huyện đã huy động, thu hút nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững.
Đồng thời, mở rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, khuyến khích phát triển thêm diện tích nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh. Sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện năm 2016 đạt 24.000 tấn.
Tiềm năng, giá trị của kinh tế biển ở Kim Sơn là điều ai cũng nhìn thấy nhưng đi đôi với nó sự thiếu ổn định về chính sách đã làm cho các hộ dân đang nuôi trồng thủy sản vùng bãi bồi không yên tâm sản xuất, đồng thời gây khó khăn cho cả phía chính quyền địa phương trong việc quản lý nhà nước trên địa bàn.
Giải thích về những lo lắng của các hộ dân, ông Đoàn Kim Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết: Chúng tôi rất chia sẻ với những lo lắng của các hộ dân, việc các hộ dân đòi hỏi ký hợp đồng lâu dài để yên tâm sản xuất là chính đáng.
Tuy nhiên cái khó của địa phương hiện nay là tỉnh chưa có quy hoạch chi tiết cho vùng kinh tế bãi bồi nên chưa đo mốc quy hoạch để định vị thực địa. Bên cạnh đó, việc phân cấp quản lý và các chính sách về đất đai vùng bãi bồi thay đổi liên tục dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương.
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÙNG BÃI BỒI
Mặc dù Nhà nước đã ban hành một số chính sách về quản lý, sử dụng vùng bãi bồi ven biển nhưng qua áp dụng vào thực tế vẫn còn nhiều điểm chưa sáng tỏ. Điều này không chỉ khiến người dân bất an mà ngay cả chính quyền địa phương cũng "bí" không biết vận dụng quản lý sao cho đúng. Yêu cầu lúc này là cần có sự vào cuộc từ Trung ương đến địa phương để đưa ra khung pháp lý rõ ràng, sớm ngăn chặn những tranh cãi từ phía nhân dân và hệ lụy từ sự quản lý thiếu chặt chẽ, thống nhất bấy lâu nay của chính quyền địa phương, góp phần phát huy tối đa tiềm năng vốn có của vùng đất bãi bồi.
Lúng túng trong cách quản lý
Theo báo cáo của UBND huyện Kim Sơn về tình hình quản lý vùng bãi bồi ven biển từ năm 1991 đến hết năm 2016 thì chỉ riêng khu vực từ đê Bình Minh II đến đê Bình Minh III đã có hàng chục kiểu hợp đồng nuôi trồng thủy sản khác nhau mà đại diện các phòng chuyên môn của UBND huyện đã ký đối với các hộ dân ở khu vực này.
Có hợp đồng ký thời hạn 5 năm, có hợp đồng ký thời hạn 1 năm; có hợp đồng do Ban kinh tế mới của huyện đứng ra ký, có hợp đồng do Phòng Nông nghiệp & PTNT đứng ra ký. Ngoài ra, mức sản nộp cũng thay đổi liên tục, có năm mức sản phân theo từng loại, có năm lại quy chung vào một mức.
Ví dụ, từ tháng 10/1991 đến 10/1996, do Ban kinh tế mới ký hợp đồng, thời hạn là 5 năm, mức sản thu nộp là 100 nghìn đồng/ha/năm. Từ tháng 11/1996 đến 11/1999, do Phòng Nông nghiệp &PTNT ký hợp đồng, thời hạn là 3 năm, mức sản thu nộp là 300 nghìn đồng/ha/năm.
Từ năm 1999 đến năm 2000, Phòng Nông nghiệp & PTNT ký hợp đồng, thời hạn là 1 năm, mức sản thu nộp là 500 nghìn đồng/ha/năm. Năm 2001-2002 do Phòng Nông nghiệp-địa chính ký hợp đồng, thời hạn là 1 năm, mức sản thu nộp loại 1: 800 nghìn đồng/ha/năm, loại 2: 600 nghìn đồng/ha/năm…
Tại thời điểm đó, áp dụng theo quy định tại Điều 3, Thông tư số 09/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý sử dụng đất bãi bồi ven sông, đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển thì cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Như vậy, suốt một thời gian dài, UBND huyện Kim Sơn lại giao cho các phòng chức năng của huyện đứng ra ký hợp đồng nuôi trồng thủy sản với các hộ dân là chưa đúng.
Không chỉ loạn về các kiểu hợp đồng mà từ năm 2010 đến nay (trừ năm 2014), huyện Kim Sơn còn dừng việc ký hợp đồng với các hộ dân. Nguyên nhân được giải thích là UBND tỉnh Ninh Bình có chủ trương xây dựng dự án "Đầu tư xây dựng công trình xây dựng cơ sở hạ tầng khu kinh tế mới trọng điểm, đảm bảo an ninh - quốc phòng, đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo vùng ven biển huyện Kim Sơn".
Do vậy, UBND huyện Kim Sơn đã tạm dừng ký hợp đồng nuôi trồng thủy sản toàn bộ vùng này. Do dự án chậm triển khai, trước sức ép từ phía nhân dân, đến năm 2014, huyện lại giao cho Phòng Nông nghiệp &PTNT, UBND các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải ký hợp đồng với các hộ dân với thời hạn là 1 năm. Tuy nhiên, do nhân dân không đồng tình với một số điều khoản trong hợp đồng, đặc biệt là thời hạn giá trị hợp đồng quá ngắn nên rất ít hộ dân chấp thuận.
Thêm một điểm làm cho công tác quản lý vùng bãi bồi trên địa bàn huyện Kim Sơn đã "rối" lại thêm lúng túng trong cách triển khai. Cùng thời điểm này năm 2015, Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản chính thức có hiệu lực, trong đó tại Khoản 4 Điều 6 về chính sách thuế có quy định miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước sử dụng cho hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân". Chính vì quy định này mà Kim Sơn cho rằng không thu thuế thì không ký hợp đồng nữa.
Như vậy, suốt thời gian dài gần 8 năm, gần như việc ký hợp đồng thuê đất, mặt nước của chính quyền địa phương với các hộ nuôi trồng thủy sản bị ngưng lại đồng nghĩa với việc quản lý vùng bãi bồi bị buông lỏng. Trong khi thực tế, các hộ dân vẫn nuôi trồng, khai thác thủy sản, vẫn mua bán, chuyển nhượng; trong đê BM3 vẫn xây dựng lều bán kiên cố, ngăn chia tách đầm… dẫn tới tình trạng tranh chấp gây mất ổn định an ninh trật tự.
Ông Đoàn Kim Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn thừa nhận: Thời gian qua, mặc dù huyện đã có cố gắng nhưng công tác quản lý vùng bãi bồi vẫn còn nhiều hạn chế và việc UBND huyện giao cho các Phòng của huyện ký hợp đồng là chưa đúng. Việc miễn thuế dẫn đến dừng ký hợp đồng cũng là sai, thực chất vẫn phải ký hợp đồng sau đó làm thủ tục miễn thuế cho các hộ dân.
Cần gỡ khó từ gốc
Những hạn chế trên, không thể phủ nhận một phần do công tác quản lý từ chính quyền địa phương nhưng về khách quan phải khẳng định đất bãi bồi là vùng thường xuyên có thay đổi địa hình, địa mạo nên rất khó để xác định chính xác vị trí, diện tích...
Hơn nữa, đây là vùng có rất nhiều chương trình, dự án lớn có kế hoạch đầu tư, nhưng thực tế lại không hoặc chậm triển khai như: dự án xây dựng khu nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp khu vực ngoài đê BM2, trong đê BM3, dự án Cồn Nổi, dự án nạo vét cửa sông Đáy…điều này, cản trở không nhỏ đến công tác quản lý trên địa bàn.
Bên cạnh đó, phải kể đến hệ thống chính sách về quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven sông, đất bãi bồi ven biển, đất mặt nước ven biển của Nhà nước có nhiều bất cập, chậm ban hành, lại thay đổi thường xuyên, thiếu cụ thể nên khi áp dụng cụ thể ở địa phương chưa được hợp lý.
Cụ thể như: Ngày 28/5/2013 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 09/2013/BTNMT quy định về quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven sông, đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển thì đến ngày 27/01/2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 02/2015/BTNMT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 44/2014 ngày 15/5/2015 của Chính phủ, trong đó Nghị định này thay thế Thông tư số 09/2013/BTNMT.
Những năm gần đây, xác định kinh tế biển đóng một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Nhiều dự án đã và đang triển khai như: Dự án nâng cấp đê Bình Minh; dự án cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, hải sản theo hướng công nghiệp vùng bãi bồi ven biển, dự án đường giao thông,… qua đó tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sản xuất, nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản vùng bãi bồi nói riêng…
Năm 2015, bản quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng ven biển đến năm 2020, định hướng đến 2030 cũng đã được đệ trình.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng khó khăn vẫn hiện hữu. Đặc biệt, trong quá trình đầu tư phát triển, đã bộc lộ những bất cập trong quá trình đưa chính sách vào cuộc sống. Các quy hoạch chậm được triển khai, vấn đề quản lý Nhà nước đối với vùng bãi bồi ven biển vẫn chưa chặt chẽ…
Ông Đoàn Kim Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho rằng: Chưa có quy hoạch chi tiết nên huyện chưa dám chỉ đạo thời gian ký hợp đồng thuê đất với người dân". UBND huyện cũng kiến nghị: Tỉnh và các ngành cần sớm hỗ trợ Kim Sơn tiến hành đo đạc, xây dựng cơ sở dữ liệu đất bãi bồi ven biển của huyện theo hướng chính quy, hiện đại.
Bên cạnh đó cần xây dựng quy hoạch chi tiết sử dụng đất vùng này sao cho hợp lý, khoa học. Tổ chức cắm mốc, phân định ranh giới cụ thể, sau đó tổ chức quản lý, ký hợp đồng theo từng khu vực. Lập hồ sơ giao đất bãi bồi ven biển cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu và năng lực.
Song song với đó cũng rất cần có một khung pháp lý rõ ràng để ngăn chặn sự tùy tiện bao chiếm, sử dụng đất bãi bồi sai mục đích, gây thất thoát cho Nhà nước. Việc thực hiện tốt phương án quản lý vùng bãi bồi ven biển sẽ giúp cho người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế và góp phần ổn định an ninh trật tự vùng ven biển.
Nguyễn Lựu- Phúc Nguyên