Tìm hiểu được biết, hiện trên thị trường có đa dạng mẫu mã, chủng loại mặt hàng mỹ phẩm gồm của các công ty trong nước sản xuất và của những hãng mỹ phẩm nổi tiếng thế giới như Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Italia, Nhật, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhiều đối tượng với các mức thu nhập khác nhau. Chị Vũ Thị Thanh Huyền, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình cho biết: Là người tiêu dùng, tôi rất băn khoăn khi chọn mỹ phẩm phù hợp với mình. Mặc dù được cửa hàng tư vấn dùng hàng ngoại nhập có tem mác nhập khẩu, xuất xứ, giá cả đắt tiền nhưng tôi không biết chất lượng có đúng như giới thiệu hay không… Đây luôn là bài toán khó đối với người tiêu dùng, không chỉ riêng tôi mà đó có lẽ là thực trạng chung của nhiều chị em.
Đối với các cửa hàng bán mỹ phẩm, hiện nay cũng chưa có chương trình truyền thông rộng, chuyên nghiệp để chung tay chống hàng giả, hàng kém chất lượng mà mới dừng lại ở việc tư vấn tại cửa hàng, bán hàng dựa trên uy tín và thương hiệu lâu năm kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm. Chị Phạm Thị Hoa, chủ cửa hàng mỹ phẩm Lê Duy (thành phố Ninh Bình) cho biết chị chuyên kinh doanh mỹ phẩm được 8 năm nay, ngoài bán lẻ, cửa hàng chị còn cung cấp mỹ phẩm cho hàng trăm salon tóc trong toàn tỉnh. Mỗi năm cửa hàng tiêu thụ khoảng 45 nghìn sản phẩm mỹ phẩm các loại. Các sản phẩm của cửa hàng đều đầy đủ hóa đơn, chứng từ nhập hàng, nhãn mác hàng hóa, tem chống hàng giả. Cửa hàng cũng phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện tốt việc tuyên truyền, chống buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Mỹ phẩm là sản phẩm có thị trường lớn, phục vụ nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ nên ngày càng xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh mặt hàng này. Mặc dù mỹ phẩm là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nhưng không phải cửa hàng nào cũng thực hiện nghiêm việc đăng ký kinh doanh chuyên về mỹ phẩm. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 65 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, trong đó có một số cửa hàng lớn chuyên kinh doanh mỹ phẩm và một số cơ sở kinh doanh hàng tiêu dùng, tại các cửa hàng tạp hóa, sách vở, hiệu bán quần áo, hiệu cắt tóc, gội đầu, trong đó có mặt hàng mỹ phẩm. Ngoài ra, việc buôn bán, kinh doanh mỹ phẩm thời đại công nghệ hiện nay còn thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, qua trao đổi giữa cá nhân với nhau theo kiểu hàng xách tay có người nhà bên nước ngoài… nên rất khó trong kiểm soát. Năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra phát hiện 74 vụ vi phạm kinh doanh mỹ phẩm, xử lý 65 vụ, phạt tiền trên 199 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 651 triệu đồng. Quý I/2018, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 16 vụ, xử lý 11 vụ, phạt tiền 32 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 60 triệu đồng.
Đồng chí Bùi Văn Quý, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết: Đối với mặt hàng mỹ phẩm là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, chính vì vậy, công tác kiểm tra, kiểm soát trong thời gian vừa qua được Chi cục tăng cường. Với mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài thì công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Có một số đơn vị kinh doanh hàng nhập khẩu chính hãng, chính ngạch. Nhưng hiện nay trên thị trường có một số nơi, một số cửa hàng kinh doanh theo quảng cáo là hàng xách tay thì đây là mặt hàng theo quy định không được phép kinh doanh bởi vì với mặt hàng mỹ phẩm nhất định phải được Cục Quản lý dược Bộ Y tế tiếp nhận, sau đó có giám định về mặt chất lượng và đồng thời với từng lô hàng nhập khẩu phải có số lưu hành được Cục Quản lý dược Bộ Y tế cho phép. Chính vì vậy, các loại hàng hóa mỹ phẩm mà không được Cục Quản lý dược cấp số lưu hành thì không được phép lưu hành.
Trong thời gian tới, để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng mỹ phẩm sẽ được Chi cục tăng cường với các cơ sở kinh doanh hàng mỹ phẩm, nhất là hàng hóa mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam. Chi cục đã xây dựng kế hoạch, giao cho các đội quản lý địa bàn, tăng cường công tác quản lý các cơ sở kinh doanh ngay từ địa bàn để kịp thời theo dõi, điều tra, trinh sát, phát hiện các cơ sở kinh doanh hàng mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ, từ đó tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: Hồng Vân