Với hệ sinh thái đa dạng đã đưa vùng ven biển Kim Sơn trở thành bộ phận quan trọng, là vùng đệm và vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng. Bên cạnh đó có thể thấy những cánh rừng nơi đây đã đem lại hiệu quả rất lớn; tác động đáng kể đến giảm thiểu rủi ro do thiên tai; đồng thời cải thiện sinh kế cho cộng đồng. Diện tích rừng ngập mặn có tác dụng bồi cao nền đất, hình thành nên một "bức tường xanh" vững chắc bảo vệ đê biển. Nhờ đó qua các mùa mưa bão, khi có triều cường, các đoạn đê biển có rừng ngập mặn che chắn không bị sạt lở; chân đê còn được bồi tụ thêm đất giúp cho đê ngày càng vững chắc, giảm đáng kể chi phí tu bổ đê điều hàng năm, bảo vệ tốt cuộc sống của người dân vùng thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Kim Sơn cho biết: ý thức được vấn đề trên từ nhiều năm qua, Hạt Kiểm lâm huyện Kim Sơn đã phối hợp tuyên truyền, giáo dục nhân dân vùng ven biển vừa phát triển kinh tế nuôi trồng thủy sản, vừa bảo vệ và đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn, tạo môi trường đa dạng cho nhiều loại thủy sinh, tạo giống tôm, cua, cá, cũng như các loại chim, cò về sinh sống. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển huyện Kim Sơn đã nhận được sự quan tâm của cán bộ và nhân dân vùng ven biển.
Đã có rất nhiều chương trình, dự án trồng rừng ngập mặn được triển khai thực hiện như: Dự án "Trồng rừng ngập mặn - giảm thiểu rủi ro thảm họa" do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình thực hiện; dự án "Trồng rừng ngập mặn ứng phó biến đổi khí hậu và chống xói lở bờ biển" do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện; dự án "661 trồng mới 5 triệu ha rừng" do Ban quản lý rừng phòng hộ Kim Sơn, Bộ CHQS tỉnh thực hiện. Gần đây nhất là dự án trồng rừng thay thế từ kinh phí của Quỹ bảo vệ phát triển rừng tỉnh Ninh Bình… Tính đến hết năm 2017 đã có hơn 500ha rừng được trồng mới đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Để có được những cánh rừng xanh tốt như hiện nay có sự đóng góp không nhỏ của Hạt Kiểm lâm huyện Kim Sơn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ sau năm 2000, khi phong trào nuôi trồng thủy sản phát triển không có kế hoạch, rừng ngập mặn ven biển Kim Sơn bị nhiều hộ dân chặt phá làm ao đầm nuôi tôm, khiến cả vùng bãi bồi ven biển bị xâm hại nghiêm trọng.
Xác định nhiệm vụ chính trị của đơn vị là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, hàng năm đơn vị đã xây dựng kế hoạch công tác xuyên suốt trong quá trình thực thi công vụ, phân công kiểm lâm địa bàn phụ trách từng khu vực, luôn bám sát, nắm chắc và theo dõi chặt chẽ mọi biến động về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn được phân công.
Thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chủ rừng xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng hàng năm, tổ chức truy quét, ngăn chặn những hành vi xâm hại đến rừng. Tích cực tham mưu cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Bình và UBND huyện Kim Sơn trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ rừng hàng năm cũng như từng giai đoạn cụ thể.
Hàng năm, đơn vị tiến hành tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lâm nghiệp và các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng cũng như người dân trong khu vực, nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng và hiệu quả to lớn mang lại từ rừng; từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái...
Nhìn chung công tác quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển Kim Sơn trong những năm gần đây được thực hiện tốt, đã góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đặc biệt là tạo được môi trường sinh thái, điều hòa nguồn nước, tăng khả năng bồi tụ và giảm thiểu đáng kể rủi ro do thiên tai gây ra.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế và khó khăn nhất định như: Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc quản lý và lập kế hoạch sử dụng đất cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên cho vùng ven biển, bãi bồi chưa chặt chẽ, dẫn đến sự chồng chéo trong công tác quản lý, sử dụng và phát triển; một số cán bộ chính quyền địa phương chưa hiểu rõ tầm quan trọng về vai trò của hệ sinh thái rừng ngập mặn do đó các kế hoạch sản xuất mới chú ý tới lợi ích trước mắt mà chưa quan tâm những tác động xấu, lâu dài tới môi trường và tài nguyên khi không còn rừng. Một số người dân sống ven rừng chưa nêu cao ý thức bảo vệ rừng, vẫn lén lút săn bắn chim biển, chặt phá cây rừng làm củi, ảnh hưởng đến sự phát triển của rừng.
Thời gian tới, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn cần được đẩy mạnh hơn với các nhiệm vụ cụ thể như: Tiếp tục tuyên truyền phổ biến pháp luật lâm nghiệp và các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng tới các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư vùng ven biển có rừng ngập mặn. Quản lý tốt hệ sinh thái rừng ngập mặn dựa trên các quy hoạch có tính pháp lý và khoa học; cương quyết ngăn chặn các hoạt động phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản hoặc sử dụng vào các mục đích khác.
Xây dựng các mô hình kinh tế kết hợp giữa quản lý, bảo vệ rừng và nuôi trồng thủy sản; tạo sinh kế ổn định lâu dài cho người dân sống ven rừng, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến nuôi trồng thủy sản. Xây dựng vườn ươm cây giống nhằm giảm giá thành sản phẩm và giảm được các rủi ro khi trồng rừng bằng quả, các chủ rừng có thêm thu nhập nhờ vào bán cây giống có thêm kinh phí bảo vệ rừng.
Đinh Chúc