Thực hiện kế hoạch lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Trung ương, của tỉnh, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân với nhiều hình thức phong phú: Góp ý trực tiếp hoặc gửi bằng văn bản; góp ý qua thảo luận hội nghị, hội thảo… Kết quả đợt lấy ý kiến đóng góp nhân dân trên địa bàn tỉnh ta đã có gần 3.000 hội nghị, hơn 50.000 người tham gia, với hơn 15.000 ý kiến của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và đại diện nhân dân đóng góp ý kiến. Theo đánh giá của Tổ giúp việc, nội dung Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân phù hợp với các quan điểm, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật đất đai nêu trong Nghị quyết số 19-NQ/T.Ư ngày 31-10-2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, khai thác, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai từ Trung ương đến cơ sở; cải cách thủ tục hành chính về đất đai vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài nguyên đất, vừa đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, thuận tiện cho người sử dụng đất thực hiện các quyền và giám sát việc thực hiện của các cơ quan Nhà nước nhằm hạn chế tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai. Dự thảo Luật đã giải quyết cơ bản những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Luật Đất đai năm 2003 như sự chồng chéo, thiếu đồng bộ của pháp luật đất đai, phát huy nguồn lực về đất đai để trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giải quyết việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp, tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, thủ tục hành chính về đất đai, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai. Đồng thời đảm bảo tính dự báo và ổn định lâu dài của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo ông Nguyễn Trường Tuấn, Trưởng Phòng đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường): Trong đợt lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, cơ bản các chương, điều đều có các ý kiến tham gia đóng góp. Tuy nhiên, các ý kiến đóng góp tập trung nhiều vào các vấn đề: Thời hạn giao đất; Giá đất; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất...
Có ý kiến cho rằng, thời hạn giao các loại đất nông nghiệp nên giữ nguyên như Luật Đất đai hiện hành, đặc biệt là đất trồng cây hàng năm nên giao với thời hạn 20 năm hoặc tối đa là 30 năm. Có như thế, một người sinh ra ngay sau thời điểm giao đất thì sau 20 tuổi hoặc 30 tuổi sẽ được chia đất để sử dụng; đảm bảo cho các trường hợp sinh ra sau thời điểm giao đất nếu không thoát ly được nông nghiệp thì sẽ có ruộng để sinh sống, thực hiện nghĩa vụ của công dân. Do vậy, trong dự thảo Luật cần quy định cụ thể phương án điều chỉnh đối với những người đã chết và những người đã thoát ly không sử dụng đất nông nghiệp cho các cá nhân chưa được chia ruộng.
Nhiều ý kiến nhất trí chọn phương án 1 về giá đất, bởi vì: Giá đất là vấn đề rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của chủ thể sử dụng đất, nếu giá đất không phù hợp thường xảy ra khiếu kiện, tranh chấp, trong khi trên thực tế giá đất thường xuyên biến động. Quy định như vậy là phù hợp với khoản 1, Điều 74 và đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất. Đồng thời đảm bảo tính linh hoạt, Bảng giá đất phù hợp với thực tế thị trường.
Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất quy định tại khoản 2, Điều 161 Dự thảo Luật, đại đa số các ý kiến đều chọn phương án 1 và gộp tất cả các hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất đều phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực. Bởi vì, tất cả các văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất nếu không được chứng thực hoặc công chứng thì sẽ rất khó khăn cho việc quản lý chặt chẽ và đảm bảo an toàn về mặt pháp lý cho việc thực hiện quyền của người sử dụng đất và quyền, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Các hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của chủ thể sử dụng đất xảy ra phổ biến trong đời sống xã hội, nếu không quy định các giao dịch này phải được công chứng, chứng thực thì sẽ rất khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước đối với các giao dịch về quyền sử dụng đất và sẽ phát sinh nhiều tranh chấp trong nhân dân.
Mặt khác, quy định các giao dịch về quyền sử dụng đất phải được công chứng, chứng thực là phù hợp với các quy định của Bộ Luật Dân sự, Luật Nhà ở. Mặt khác, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, do đó các hợp đồng, văn bản để thực hiện các quyền của người sử dụng đất phải có sự kiểm soát của Nhà nước thông qua cơ quan có thẩm quyền đại diện cho Nhà nước thực hiện. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc quy định hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được quyền nhận chuyển nhượng, tặng, cho quyền sử dụng đất trồng lúa (Khoản 3, Điều 185) là không hợp lý, vì nếu đã coi quyền sử dụng đất cũng là tài sản như những loại tài sản khác, thì việc chuyển nhượng, tặng, cho quyền sử dụng đất không nên hạn chế thì mới phù hợp với quy định của pháp luật về thừa kế tài sản. Cụ thể: Người được Nhà nước giao đất trồng lúa (nếu 50 năm) trong thời gian sử dụng, nếu người sử dụng trồng lúa chết, nhưng con của họ lại đều là công chức Nhà nước thì theo Dự thảo quy định những người này sẽ không được quyền nhận chuyển nhượng đất trồng lúa của bố, mẹ họ. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Luật Dân sự thì họ lại có quyền được nhận thừa kế.
Việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhiều ý kiến cho rằng nên bổ sung Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã vào Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định tại Điều 35 của Dự thảo, bởi vì: Có Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã mới đảm bảo chi tiết tới từng thửa đất. Nếu lồng ghép Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã vào Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện như Dự thảo Luật sẽ rất khó cho các địa phương và khi đó Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện sẽ trở nên cồng kềnh, phức tạp, gặp khó khăn trong quản lý thực hiện quy hoạch, kế hoạch.
Về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, nhiều ý kiến cho rằng không nên chuyển từ thẩm quyền của UBND sang thẩm quyền Chủ tịch UBND để thuận lợi trong công tác điều hành của UBND và để lãnh đạo UBND giải quyết công việc khi Chủ tịch UBND đi công tác. Việc thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất 5% công ích của UBND xã và đất chưa sử dụng để giao cho các đối tượng thuộc thẩm quyền cấp huyện quản lý nên để thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện, vì: đất 5% ngoài việc dùng để quy hoạch xây dựng các công trình cơ bản của địa phương thì còn có quỹ đất dùng để đấu giá tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng…; đất chưa sử dụng trong quy hoạch đã được phê duyệt, đến kỳ kế hoạch, đối với những trường hợp thuộc thẩm quyền cấp huyện giao đất thì nên để UBND cấp huyện thu hồi diện tích đất chưa sử dụng này, để đảm bảo đơn giản thủ tục hành chính.
Nhiều ý kiến đề nghị: Nên bỏ khoản 2, Điều 50 trong Dự thảo Luật (quy định như sau: Trường hợp giao đất, cho thuê đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để sử dụng vào mục đích khác thì ngoài các căn cứ là kế hoạch sử dụng đất và nhu cầu sử dụng đất, còn phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ). Quy định như thế nhằm mục đích để quản lý chặt chẽ diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng. Nhưng để quản lý chặt chẽ các diện tích đất trên, chúng ta nên quản lý chặt và có cơ sở khoa học từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp. Nếu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đó mà Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận thì Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lại trở nên "quy hoạch treo" và Nghị quyết, Quyết định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không còn hiệu lực. Đồng thời không đảm bảo chủ trương cải cách thủ tục hành chính và kéo dài thời gian thực hiện dự án của nhà đầu tư.
Đây là lần đầu tiên tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân cả nước về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và tiến hành trong thời gian ngắn nhưng đã nhận được sự đồng thuận cao, được các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh tham gia góp ý với nhiều cách thức phù hợp và hiệu quả.
Hồng Giang