Trên cơ sở đó, tỉnh có chủ trương, giải pháp nhằm giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Đoàn công tác của tỉnh đã có những buổi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp và thị sát tình hình sản xuất, kinh doanh ở các doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp ở trong nước, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ (theo quy mô nguồn vốn đăng ký)... Ông Nguyễn Thượng Tín, Giám đốc sản xuất Nhà máy Ô tô Thành Công (Khu công nghiệp Gián Khẩu) cho biết: Đến hết tháng 2-2013, Nhà máy đã lắp ráp được 5.326 xe, doanh thu đạt 129,67 tỷ đồng; nộp ngân sách trong 2 năm (2011, 2012 ) là 841 tỷ đồng, riêng Nhà máy nộp 447 tỷ đồng. Ngoài ra, Nhà máy còn giải quyết việc làm cho 362 lao động, với thu nhập bình quân trên 3,2 triệu đồng/người/tháng. Cùng với các hoạt động: Nhập khẩu xe, dịch vụ kho ngoại quan... đã đóng góp lớn vào số thu ngân sách của tỉnh với tổng số thuế đã nộp tại Ninh Bình từ năm 2007 đến năm 2010 là 666,8 tỷ đồng. Khó khăn lớn nhất của Nhà máy là do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nên sức mua giảm. Nhà máy đã phải bố trí lại ca kíp, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, lắp ráp, đồng thời tập trung khắc phục tình trạng đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật còn thiếu và yếu…
Tập đoàn kinh tế Phúc Lộc là tập đoàn kinh tế lớn của tỉnh với 12 công ty trực thuộc. Tập đoàn đã vươn ra các tỉnh bạn: Bình Định, Quảng Ngãi, Hải Dương, Hải Phòng... Tập đoàn đang đầu tư 4 dự án tại Ninh Bình: Cảng khô ICD, Nhà máy sản xuất Dược, Bò thịt Yên Phú, chế biến khoáng sản đá Gia Thanh. Dự án Cảng khô ICD được khởi công năm 2008 với mức đầu tư 285 tỷ đồng, hiện nay Tập đoàn được điều chỉnh mức đầu tư lên 1.332 tỷ đồng. Mục tiêu chính của dự án là có kho ngoại quan và cảng đường thủy chuyên dùng phục vụ cho xuất, nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đến nay, Tập đoàn đã đầu tư 602 tỷ đồng cho xây lắp, mua sắm thiết bị, tư vấn, quản lý; đồng thời đầu tư 60 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu. Dự án đến nay đã tương đối hoàn thiện các hạng mục: Trụ sở làm thủ tục hải quan; kho 1, 2, 3 chứa hàng trong nhà; trạm cân điện tử; văn phòng điều hành; khu nhà ăn giữa ca; bãi chứa Container 1 và 3 ; xe cẩu, ôtô; cẩu dỡ hàng... Các hạng mục còn dang dở là: Kho chứa hàng trong nhà số 4, khu kiểm tra hàng hóa tập trung, cảng thủy nội địa, bãi xếp container số 2, khu thể thao; nhà nghỉ cán bộ, CNV... Khó khăn hiện nay của Tập đoàn là việc thu hút khách hàng vào cảng nên hoạt động của cảng chưa hiệu quả như mong muốn của doanh nghiệp và tỉnh.
Công ty TNHH Huy Hùng tiền thân là HTX cơ khí Tiến Lực. Năm 2008 HTX được di dời xuống Khu công nghiệp Khánh Phú và thành lập Công ty TNHH Huy Hùng với chức năng luyện, cán thép. Dự án xây dựng khu luyện, đúc gang, thép của Công ty có mức đầu tư 137 tỷ đồng đã xây dựng được 2 nhà xưởng và khu phụ trợ trên diện tích 10.000 m2, đường giao thông nội bộ 5.000 m2, khu văn phòng, lò luyện thép, các thiết bị cắt gọt... với mức đầu tư 40 tỷ đồng. Dây chuyền 1 luyện, đúc gang, thép đã đi vào hoạt động và năm 2012 đạt sản lượng 448 tấn, doanh thu 69 tỷ đồng, nộp ngân sách 142 triệu đồng. Tuy nhiên, dây chuyền 2 cán thép hình, hiện không có vốn để đầu tư, Ngân hàng lại không cho vay, nhiều doanh nghiệp còn nợ Công ty (khoảng trên 5 tỷ đồng)... nên doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện số công nhân chỉ có khoảng hơn 20 người với mức lương từ 2-3 triệu đồng/người/tháng...
Đây chỉ là 3 trong nhiều doanh nghiệp mà Đoàn công tác của tỉnh đã đến làm việc, hiện tại đang trong tình trạng khó khăn. Trao đổi với các doanh nghiệp, đồng chí Đinh Văn Điến, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Tình hình kinh tế thế giới và trong nước thời gian qua khó khăn, nhưng các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh vẫn duy trì sản xuất và bắt đầu đã có sự tăng trưởng trở lại. Lương và các chế độ của người lao động được đảm bảo khá đầy đủ: bình quân ở mức 3-5 triệu đồng/người/tháng. Hầu hết các doanh nghiệp đã quan tâm đến các chế độ: Ăn giữa ca, nghỉ ốm, nghỉ thai sản, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đi lại, tổ chức sinh nhật... cho người lao động, tiêu biểu là Công ty TNHH Thái Bình Dương, Giầy Adora, ADM21... Một số doanh nghiệp sử dụng nhiều công nhân (giầy Adora 6.300 lao động, May Nienhsing 2.740 công nhân, Công ty TNHH Thái Bình Dương 500 lao động...) điều đó đồng nghĩa với việc tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh: Vẫn còn nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp và mỗi doanh nghiệp có những khó khăn riêng. Nhà máy ô tô Thành Công do sức mua giảm, sản phẩm tiêu thụ chậm nên việc mở rộng quy mô nhà máy cần tính toán phù hợp. Đồng thời tăng cường công tác tiếp thị, mở rộng thị trường; tiếp tục làm việc với đối tác Hyundai triển khai lắp ráp mẫu xe du lịch mới. Về dự án Cảng khô ICD (Tập đoàn kinh tế Phúc lộc) lại không có hàng hóa qua cảng và chưa được quan tâm đúng mức, việc này tỉnh sẽ phối hợp cùng doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng cho phép các loại hàng hóa qua cảng, làm việc với Hải quan để có thể thông quan tại cảng. Đối với Công ty TNHH Huy Hùng hiện đang thiếu vốn để sản xuất, không vay được vốn để đầu tư dây chuyền cán thép hình, tỉnh chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, đồng chí yêu cầu Sở Thương mại chỉ đạo Trung tâm xúc tiến thương mại, Khuyến công có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp cần phải năng động tìm kiếm đối tác, liên doanh, liên kết đầu tư xây dựng dây chuyền cán thép hình...
Qua đợt kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, nhìn chung, khó khăn của các doanh nghiệp chủ yếu vẫn là thiếu vốn để sản xuất, sức mua giảm, hàng hóa tiêu thụ chậm. Kiến nghị của các doanh nghiệp chủ yếu vẫn là hoàn thiện cơ sở hạ tầng: đường giao thông, điện, hệ cấp thoát nước... Các kiến nghị của doanh nghiệp đã được Đoàn công tác của tỉnh trả lời ngay tại các buổi làm việc. Một số vấn đề có liên quan, Đoàn công tác báo cáo với tỉnh để sớm có biện pháp giải quyết trong thời gian tới.
Đinh Chúc