Đây là dịp để các cơ quan chức năng nắm bắt tình hình chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, lắng nghe những đề xuất, thắc mắc của các doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ, khắc phục kịp thời, đồng thời nhắc nhở những tồn tại, thiếu sót ở những doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm túc, triệt để...
Tại doanh nghiệp chuyên sản xuất, gia công sản phẩm may mặc, Công ty may Phoenix (Khu công nghiệp Tam Điệp) có 797 lao động, trong đó trên 20 lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn. Công ty đã xây dựng kế hoạch BHLĐ nhưng còn thiếu kinh phí chi tiết, chưa thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên sau khi đã thành lập tổ chức công đoàn. Đoàn kiểm tra đã đo kiểm tra môi trường lao động tại một số vị trí làm việc, các mẫu đo yếu tố vi khí hậu tại các chuyền may 1,2 và 17 không đạt tiêu chuẩn; chưa lập sổ theo dõi cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; chưa có chế độ phụ cấp độc hại cho người lao động làm việc trong môi trường lao động vượt quá tiêu chuẩn cho phép; chưa lập sổ theo dõi công tác tự kiểm tra an toàn lao động của đơn vị. Công ty chưa báo cáo đầy đủ về tai nạn lao động và báo cáo định kỳ về công tác ATVSLĐ với các ngành chức năng.
Ở Công ty cổ phần bao bì xi măng Tam Điệp, là doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì, điều kiện làm việc tương đối nặng nhọc, môi trường lao động chứa nhiều yếu tố độc hại. Công ty có 84 lao động, trong đó 64 lao động làm công việc yêu cầu nghiêm ngặt an toàn. Công ty chưa thành lập công đoàn cơ sở, chưa kiểm định, đăng ký sử dụng 6 thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động; Công ty cũng chưa tổ chức đo kiểm tra môi trường lao động. Đoàn kiểm tra đã đo kiểm tra môi trường lao động tại một số vị trí làm việc, các mẫu đo ánh sáng, tiếng ồn tại các máy tạo sợi, dựng bao, dệt bao đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép…
Công ty TNHH giày ADORA Việt Nam hiện có trên 6 nghìn lao động, trong đó trên 1.400 lao động làm việc trong môi trường đòi hỏi an toàn nghiêm ngặt. Với ngành nghề gia công xuất khẩu giày dép thành phẩm và bán thành phẩm, các loại vật tư, nguyên phụ liệu cho ngành giày dép… đòi hỏi Công ty phải thực hiện nghiêm túc công tác ATVSLĐ - PCCN nhưng Công ty chưa thành lập phòng an toàn và chưa bố trí đủ cán bộ chuyên trách làm công tác ATVSLĐ; chưa thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên sau khi đã thành lập tổ chức công đoàn; chưa xây dựng kế hoạch BHLĐ; hơn 5 nghìn người lao động chưa được tổ chức huấn luyện và cấp thẻ an toàn; việc trang bị và cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động chưa đúng với yêu cầu công việc; chưa có chế độ phụ cấp độc hại cho người lao động làm việc trong môi trường lao động vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Qua thực tế kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh nhận định, nhìn chung các đơn vị đã tích cực tổ chức và tham gia nhiệt tình các hoạt động ATVSLĐ - PCCN; quan tâm và dành phần kinh phí cho công tác này và tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn về ATVSLĐ-PCCN nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm cho công nhân lao động. Các doanh nghiệp đã quan tâm, bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ, cán bộ y tế, cấp phát các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, tổ chức tập huấn ban đầu về ATVSLĐ và sơ cứu người bị nạn, đăng ký kiểm định các máy thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt an toàn, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động…
Đối với một số ít đơn vị còn tồn tại về môi trường lao động, phòng cháy, chữa cháy, công tác vệ sinh lao động, chế độ cho người lao động… Đoàn kiểm tra kiến nghị yêu cầu các đơn vị sớm khắc phục, cải thiện điều kiện làm việc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh những rủi ro không đáng có.
Đồng thời Đoàn kiểm tra liên ngành cũng nêu ra một số giải pháp thực hiện công tác ATVSLĐ - PCCN trong các doanh nghiệp. Theo đó, các cơ quan chức năng, tùy theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật, tập huấn nghiệp vụ đến 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về công tác ATVSLĐ-PCCN. Thanh tra nhà nước việc chấp hành pháp luật lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ - PCCN, bố trí người có chuyên môn sâu, được bồi dưỡng nghiệp vụ, có kinh nghiệm thực tiễn.
Đối với các doanh nghiệp, cần nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ - PCCN, vì đó là vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người lao động, đến an toàn của doanh nghiệp. Kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác ATVSLĐ - PCCN, phân công rõ chức năng, nhiệm vụ của từng người, từng bộ phận, xây dựng, ban hành quy chế lao động. Hàng năm, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động cùng với kế hoạch sản xuất, kinh doanh, cuối năm có tổ chức tổng kết đánh giá việc thực hiện kế hoạch và xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo. Để thực hiện tốt công tác ATVSLĐ - PCCN, người sử dụng lao động, người quản lý công tác ATVSLĐ - PCCN cần phải nghiên cứu đầy đủ và chấp hành nghiêm các văn bản pháp luật quy định về ATVSLĐ…
Các Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp cần phân công cán bộ làm công tác ATVSLĐ - PCCN; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn về ATVSLĐ - PCCN, về quyền và nghĩa vụ của người lao động, về nội quy an toàn, quy trình, quy phạm kỹ thuật ATLĐ; đồng thời phải thường xuyên kiểm tra công tác ATLĐ, tham gia điều tra các vụ tai nạn lao động. Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng KHKT vào sản xuất; có báo cáo định kỳ về công tác ATVSLĐ - PCCN…
Huy Hoàng