Chỉ đạo, điều hành thống nhất, đồng bộ
Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, HĐND, UBND tỉnh đã xây dựng, ban hành các chính sách, chương trình, kế hoạch cụ thể với sự điều chỉnh, bổ sung hợp lý, phù hợp, kịp thời qua các năm nhằm chỉ đạo, lãnh đạo các cấp, các ngành thống nhất thực hiện. Ngày 1-6-2006, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND và tập trung xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển vụ đông đến năm 2010, trình HĐND tỉnh.
Để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết đồng bộ, thống nhất, Ban chỉ đạo sản xuất vụ đông các cấp, các ngành được thành lập từ tỉnh đến huyện và xã. Ban chỉ đạo cấp tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối làm Phó trưởng ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT làm Phó trưởng ban thường trực, các sở, ban, ngành có liên quan làm thành viên. 100% huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo của mình do đồng chí Bí thư cấp ủy làm Trưởng ban. Qua các năm và trong từng giai đoạn, Ban chỉ đạo các cấp có sự biến động về nhân sự, song luôn được quan tâm kiện toàn, bổ sung kịp thời. Ban chỉ đạo các cấp đã xây dựng kế hoạch với những bước đi cụ thể của từng địa phương, từng đơn vị trên cơ sở về điều kiện tự nhiên, đất đai, tập quán canh tác phù hợp với từng vùng và sát với kế hoạch chung của cả tỉnh.
Công tác tuyên truyền, quán triệt, thuyết phục được coi là bước đi đầu tiên với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động phối kết hợp với các cấp, các ngành, các đoàn thể tập trung tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; động viên, khuyến khích, hướng dẫn kịp thời các hộ nông dân hăng hái, tích cực tham gia sản xuất. Các cơ quan thông tin đại chúng (Báo Ninh Bình, Đài PT-TH tỉnh) thường xuyên đưa tin, bài, truyền tải, phổ biến nội dung Nghị quyết, kế hoạch, chính sách hỗ trợ của tỉnh; giới thiệu, phổ biến các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp, giống cây vụ đông mới, có giá trị kinh tế cao, phòng trừ sâu bệnh…, đồng thời cũng kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến trong sản xuất vụ đông, làm giàu từ trồng cây vụ đông, cũng như nêu rõ nơi làm chưa tốt, nguyên nhân, giải pháp.
Sản xuất đạt kết quả quan trọng
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 03, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ và thực hiện có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất vụ đông. Đến ngày 30-6-2006, đã có 125 xã, phường, thị trấn lập quy hoạch vùng sản xuất vụ đông đến năm 2010 có gắn với quy hoạch giao thông, thủy lợi, được cấp có thẩm quyền phê duyệt với quy mô mỗi vùng trên 5 ha, có nơi lên đến 50 ha, đảm bảo tiêu chí gọn vùng, gọn thửa, thuận tiện cho việc tưới tiêu và phù hợp với điều kiện sản xuất hàng năm của địa phương. Công tác dồn điền, đổi thửa vẫn được các cấp, các ngành đẩy mạnh và bình quân toàn tỉnh đến năm 2010 còn 2-4 thửa/hộ (năm 2005 bình quân là 6-9 thửa/hộ). Trong những năm qua, đã xuất hiện phong trào cho thuê, mượn ruộng để làm vụ đông tạo ra những vùng sản xuất lớn, tập trung, sản phẩm có tính hàng hóa cao, trên cơ sở đó mà củng cố khối gắn kết trong cộng đồng dân cư nông thôn, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương của mình. Tỉnh đã có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ kịp thời, như: Hỗ trợ về quy hoạch và giống; hỗ trợ về thủy lợi, hỗ trợ về vay vốn sản xuất. Các huyện, thành phố, thị xã và ngay cả các xã, phường, thị trấn cũng có cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng cho vùng và người sản xuất vụ đông, như: Làm đất, trông coi bảo vệ đồng, công tác BVTV… Chỉ tính riêng kinh phí hỗ trợ của tỉnh cho sản xuất vụ đông bình quân mỗi năm khoảng trên 40 tỷ đồng.
Sau 5 năm thực hiện Nghi quyết 03, sản xuất vụ đông đã đạt được những kết quả quan trọng, đem lại hiệu quả rõ nét về kinh tế - xã hội. Tổng diện tích gieo trồng cây vụ đông đạt được là 100.478 ha (bình quân khoảng 20.000 ha/năm, không kể diện tích lúa tái sinh), đạt 106% kế hoạch và có 85.454 ha cho thu hoạch. Trong đó có 66.061 ha cây vụ đông được trồng trên đất 2 lúa; 14.167 ha ở đất lúa-màu và 20.249 ha ở đất màu. Có thể thấy diện tích cây vụ đông được duy trì, mở rộng và dần ổn định ở khoảng 20.000 ha/năm. Các địa phương có thế mạnh, có truyền thống và duy trì sâu rộng phong trào sản xuất vụ đông là các huyện: Yên Khánh 27.423 ha (có 20.131 ha trên đất 2 lúa); Yên Mô 21.395 ha (có 15.223 ha trên đất 2 lúa); Nho Quan 19.243 ha (có 10.671 ha trên đất 2 lúa); Gia Viễn 14.315 ha (có 10.471 ha trên đất 2 lúa)… Chủng loại cây vụ đông trong 5 năm qua cũng khá phong phú với trên chục loại cây trồng khác nhau được đưa vào đồng ruộng, tùy theo điều kiện địa hình đất đai, tập quán canh tác của từng địa phương: Đậu tương 31.491 ha, bình quân trồng được 6.298 ha/năm; ngô 16.920 ha, bình quân 3.384 ha/năm; khoai tây 4.301ha, bình quân 860 ha/năm; lạc đông 1.106 ha, bình quan 221 ha/năm; khoai sọ 1.243 ha, bình quân 248 ha/năm; bí xanh 1.119 ha, bình quân 223 ha/năm; ớt 380 ha, bình quân 76,1 ha/năm; rau các loại 20.133 ha, bình quân 4.026 ha/năm; khoai lang 8.756 ha, bình quân 1.751 ha/năm; lúa tái sinh 8.218,6 ha, bình quân 1.643 ha/năm. Bên cạnh những cây trồng truyền thống, luôn được duy trì với diện tích lớn và đều (đậu tương, ngô, khoai lang…), thì có nhiều loại cây trồng cho thu nhập khá như khoai sọ ở Yên Quang (Nho Quan), quy mô 30-40 ha/vùng, đạt giá trị từ 50-65 triệu đồng/ha; khoai tây, bí xanh ở Khánh Hải (Yên Khánh), đạt giá trị từ 50-60 triệu đồng/ha. Một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, cho thu nhập lớn như cà chua, ớt, dưa bao tử, gần đây là cây thuốc Tả trạch… diện trồng còn khiêm tốn, do khó khăn về đầu ra.
Tổng giá trị vụ đông của các năm qua là 1.547 tỷ đồng, bình quân đạt 309,4 tỷ đồng/năm. Trong năm 2010, giá trị vụ đông thu được là 421 tỷ đồng, vượt 121 tỷ đồng so với mục tiêu Nghị quyết 03 đề ra và tăng gấp 3 lần so với năm 2005. Bình quân giá trị cây vụ đông trong thời gian qua đạt 18,1 triệu đồng/ha, tăng 29% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 75 triệu đồng/năm, tăng 50% so với mục tiêu đề ra. Lợi nhuận sản xuất vụ đông bình quân đạt 95,7 tỷ đồng/năm, đạt 31,9% giá trị sản xuất, đảm bảo cho người nông dân có lãi trên 30%.
Vẫn còn đó những tồn tại
Tuy sản xuất vụ đông có được những kết quả to lớn, nhưng nhìn lại vẫn thấy sản xuất vụ đông ở một số địa phương còn chạy theo phong trào, mang nặng tính hình thức, chưa chú ý đến chất lượng và hiệu quả của sản xuất; quy mô sản xuất theo vùng chưa lớn, khó khăn cho việc đầu tư thâm canh, phòng, chống sâu bệnh. Cơ cấu cây trồng vụ đông tăng không đều, một số cây trồng chưa chủ động được đầu ra, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, sự phối hợp giữa "4 nhà" còn hạn chế. Công tác tiếp nhận, cấp phát, sử dụng kinh phí hỗ trợ có nơi còn thiếu chặt chẽ…
Nghị quyết 03 thực sự là nguồn động lực to lớn làm thay đổi cơ bản từ nhận thức đến hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành phát triển vụ đông trong các năm qua, cũng như phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo và từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới mà Đảng, Nhà nước ta đã và đang tiến hành. Trên cơ sở phát huy những thành quả đạt được, có giải pháp khắc phục những tồn tại, người nông dân vẫn mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho vụ đông phát triển, để vụ sản xuất này thực sự là một vụ sản xuất chính trong năm với giá trị kinh tế và hàng hóa cao.
Đinh Chúc