Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trung bình mỗi ngày có hàng chục nghìn lượt phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến do đó, trật tự TTATGT diễn biến khá phức tạp. Trong khi đó, kết cấu hạ tầng giao thông đang được xây dựng, nên chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động của phương tiện giao thông hiện nay, ý thức của người tham gia giao thông có mặt còn hạn chế… Đó là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT hàng năm luôn ở con số trên 100 vụ.
Để đảm bảo trật tự ATGT, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATGT, nội dung Nghị quyết 32 của Chính phủ để mọi tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Ngày 27-7-2007, Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 07 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 22-CT/T.Ư ngày 24-2-2003 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT; ngày 6-8-2007, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 06 chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện và xây dựng Đề án số 03 về nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT. Trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế ở địa bàn, các cấp, các ngành đều xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực. Tổ chức hơn 1.000 lượt tuyên truyền lưu động trên các tuyến giao thông và địa bàn trọng điểm. In 116.480 tờ rơi, áp phích, băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền nội dung đảm bảo trật tự ATGT. Các ngành, đoàn thể đã phối hợp tổ chức các cuộc thi: "Tuổi trẻ Ninh Bình với ATGT", "Nông dân Ninh Bình với ATGT" thu hút trên 32.000 đoàn viên, thanh niên và 45.500 hội viên nông dân tham gia. Thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm về công tác đảm bảo trật tự ATGT cho hội viên Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, đội ngũ lái xe, các doanh nghiệp, tập đoàn vận tải, thu hút hơn 10.980 người tham gia, lái xe của nhiều doanh nghiệp đã ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về ATGT.
Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh phối hợp với lực lượng Công an tỉnh và các cơ quan chức năng duy trì mục ATGT. Các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Ban ATGT, Công an tỉnh tổ chức các đợt tập huấn cho tuyên truyền viên, cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ATGT, nghe nói chuyện, xem phim, giao lưu văn hóa, ký cam kết đảm bảo ATGT.
Sở Giáo dục và Đào tạo đưa pháp luật về trật tự ATGT thành môn học chính khóa trong các nhà trường từ mầm non đến hệ cao đẳng, đại học, với mục tiêu tất cả học sinh phải nắm được quy định của pháp luật về trật tự ATGT. 100% học sinh các trường đã ký cam kết hưởng ứng và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về ATGT. Tổ chức thành công Hội thi tìm hiểu pháp luật về ATGT cho học sinh khối Tiểu học.
Trao MBH cho học sinh Trường tiểu học thị trấn Thiên Tôn (Hoa Lư). Ảnh: P.V
Lực lượng Công an toàn tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp tuyên truyền tại các doanh nghiệp vận tải, đội ngũ cán bộ quản lý, lái tàu, lái xe, người hành nghề trên sông nước và thông báo 6.340 trường hợp vi phạm trật tự ATGT về cơ quan, trường học, nơi cư trú để kiểm điểm giáo dục.
Trong 4 năm thực hiện Nghị quyết 32, lực lượng Công an đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát quyết liệt, triển khai liên tục các đợt cao điểm tập trung giải quyết các chuyên đề như: Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy. Thực hiện các biện pháp đình chỉ xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, kiểm soát việc chấp hành các quy định về vận chuyển hành khách, kiểm tra chấn chỉnh thực hiện quy định của pháp luật trong vận tải thủy nội địa, phát hiện, xử lý 166.648 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, phạt tiền hơn 42 tỷ đồng, tạm giữ 23.779 phương tiện. Phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền, vận động nhân dân tháo dỡ 400 lều quán và các điểm tập kết vật liệu, làm thông thoáng 250 km Quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến giao thông chính; xóa bỏ 105 trường hợp mở đường ngang trái phép qua đường sắt. Đình chỉ 27 ô tô, 37 xe lam và 1.215 xe công nông trong diện cấm lưu hành.
Công tác xây dựng quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và quy hoạch đô thị được coi trọng như: quy hoạch mạng lưới bến xe, mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy nội địa. Tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tốt kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp, xây mới các tuyến đường bộ, đường sông, không để phát sinh thêm các "điểm đen". Đã khảo sát, khắc phục cơ bản các "điểm đen" về TNGT như kẻ vạch liền, đặt gờ giảm tốc, nắn lại đường cong, bổ sung lắp đặt 60 biển báo, biển chỉ dẫn. Phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xử lý điểm giao cắt nguy hiểm tại khu vực phường Trung Sơn; xây dựng 600 mét đường gom và hàng rào ngăn cách giữa đường sắt và đường bộ tại thị xã Tam Điệp, mở rộng, nâng cấp và lắp dải phân cách hơn 20 km dọc Quốc lộ 1A.
Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân được tốt hơn, giảm thiểu các phương tiện hoạt động trên các tuyến giao thông, UBND tỉnh chỉ đạo đưa vào hoạt động 3 tuyến xe búyt từ thành phố Ninh Bình đi Nho Quan, Kim Sơn, thị xã Tam Điệp, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và góp phần đảm bảo ATGT.
Sở Giao thông - Vận tải đã tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng các cơ sở sát hạch, đào tạo lái xe cơ giới đường bộ, đảm bảo việc đào tạo lái xe đạt tiêu chuẩn, học viên có hiểu biết sâu sắc về pháp luật, có kỹ năng xử lý tốt các tình huống khi điều khiển các phương tiện giao thông. Kiên quyết không cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho những trường hợp năng lực kém, người nghiện ma túy. Trong 4 năm qua, đã cấp trên 49.861 giấy phép lái xe ô tô, 63.050 giấy phép lái xe mô tô.
Thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy từ ngày 15-12-2007, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chấp hành. Tổ chức trao mũ bảo hiểm cho học sinh một số trường Tiểu học, Mầm non… Đến nay đa số người dân đã tự giác chấp hành việc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy…
Do thực hiện tốt các giải pháp trên nên tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực và dần đi vào ổn định. Số vụ và số người chết do TNGT giảm, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 32/CP vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, đó là: Công tác tuyên truyền tuy tổ chức rộng khắp song có lúc, có nơi nội dung tuyên truyền còn chung chung, chưa thực sự tạo ra được dư luận xã hội phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT. Việc thực hiện Đề án 03 của UBND tỉnh chưa mang lại kết quả cao, một số đơn vị chưa chủ động, chưa có hình thức sáng tạo trong công tác tuyên truyền. Việc xử lý vi phạm về TTATGT tuy nghiêm túc, quyết liệt nhưng do lực lượng chức năng còn mỏng nên nhiều vi phạm không kiểm soát hết. Việc xử lý vi phạm về trật tự ATGT mới chỉ tập trung vào thời điểm, theo kế hoạch của cấp trên, ở một số địa phương sự chỉ đạo chưa chặt chẽ, thiếu chủ động kiểm tra, xử lý nên vi phạm trật tự ATGT vẫn còn nhiều. Công tác xử lý, khắc phục những bất cập trong hệ thống giao thông còn hạn chế, bị động, nhất là công tác xử lý khắc phục những "điểm đen" về TNGT, do đó vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.
Trường Giang