Bộ máy tổ chức ngày càng được củng cố, kiện toàn; năng lực của các trợ giúp viên và cộng tác viên từng bước được nâng lên, đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng và phong phú của các đối tượng là người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người nhiễm HIV/AIDS, người tàn tật, người già, trẻ em dưới 16 tuổi không nơi nương tựa. Qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong quản lý xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước ta.
Trong quá trình triển khai Luật TGPL, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức triển khai Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt động TGPL.
Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được áp dụng một cách linh hoạt, phù hợp với địa phương để người dân dễ tiếp cận như: Tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua bản tin Tư pháp. Trung tâm TGPL tỉnh Ninh Bình đã đặt 584 bảng thông tin về TGPL tại nhà văn hóa thôn, xóm; tại trụ sở tiếp công dân của cơ quan Nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan điều tra, nhà tạm giữ, UBND các cấp; in ấn 5.300 quyển sổ tay tuyên truyền, 6.500 tờ gấp pháp luật với nội dung giới thiệu Luật TGPL, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Khiếu nại, tố cáo… cấp phát miễn phí cho đối tượng được TGPL.
Để nâng cao chất lượng hoạt động TGPL, Trung tâm TGPL tỉnh Ninh Bình thường xuyên chú trọng tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ TGPL cho các cộng tác viên và trợ giúp viên pháp lý. Trong 4 năm qua (2007-2010), đã tổ chức được 15 lớp tập huấn và 6 cuộc hội thảo, tọa đàm với 1.620 lượt cán bộ tham dự. Trung tâm đã đề nghị lãnh đạo Sở Tư pháp cử 5 chuyên viên tham gia học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL, đề nghị UBND tỉnh bổ nhiệm 2 trợ giúp viên pháp lý. Giám đốc Sở Tư pháp quyết định công nhận và cấp thẻ Cộng tác viên trợ giúp pháp lý cho 63 người, gồm: 10 Luật sư; 34 cán bộ cấp huyện, xã; 19 cán bộ của Sở Tư pháp và các cơ quan, ban, ngành của tỉnh; đã thành lập 38 Câu lạc bộ TGPL trong đó có 10 Câu lạc bộ được hình thành theo Dự án 'Hỗ trợ hệ thống TGPL ở Việt Nam giai đoạn 2005-2009"; 24 Câu lạc bộ được thành lập theo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, Chương trình 135; 2 Câu lạc bộ thành lập theo nguồn Quỹ TGPL vào năm 2009 và 2 Câu lạc bộ TGPL không thuộc các nguồn dự án, chương trình hỗ trợ.
Kết quả sau 4 năm triển khai thực hiện Luật TGPL (từ 2007 đến 2010), Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã thực hiện được 4.190 vụ việc cho 3.990 lượt người có yêu cầu, trong đó thụ lý tại Trung tâm 600 vụ việc (chiếm 14,31%), thụ lý trong các đợt TGPL lưu động 3.590 vụ việc (chiếm 85,6%).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, những năm qua, hoạt động TGPL của tỉnh vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Để nâng cao hiệu quả hoạt động TGPL trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tham mưu cho Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục bổ nhiệm 2 trợ giúp viên pháp lý, phấn đấu đến năm 2015 nâng tổng số trợ giúp viên lên 10 người. Tiếp tục tham mưu cho Giám đốc Sở Tư pháp trình UBND tỉnh bổ sung biên chế, tổ chức xét tuyển viên chức có trình độ Đại học Luật đảm bảo đủ số lượng biên chế đã được giao trong năm 2010; đồng thời thành lập các Chi nhánh trực thuộc Trung tâm TGPL theo Đề án đã được phê duyệt. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về TGPL. Tăng cường vai trò giám sát của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh về công tác TGPL; phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc vận động, tập hợp, phát huy các nguồn lực của xã hội tham gia TGPL nhằm phát huy hiệu quả hoạt động TGPL. Xây dựng đội ngũ những người làm công tác TGPL có năng lực, phẩm chất đạo đức. Kịp thời cử cán bộ Trung tâm TGPL tham gia các lớp đào tạo nghề luật sư nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng để bảo vệ tốt quyền và lợi ích chính đáng của người được TGPL.
Ngô Thị Lý