"Chìa khóa" khơi dậy niềm tin
30 héc ta dưa hấu, dưa lê của Công ty TNHH đầu tư xây dựng thương mại Tân Hưng được sản xuất theo hướng hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ cỏ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cách ly, phòng trừ sâu bệnh với các loại thuốc sinh học, phân bón vi sinh. Đặc biệt, do được trồng trên vùng đất phù sa mầu mỡ ven biển Kim Sơn, giàu hàm lượng Kali, khoáng nên sản phẩm dưa thơm ngon, đậm vị, khác biệt hoàn toàn so với dưa trồng ở các vùng khác. Thế nhưng, khi đưa sản phẩm ra thị trường, giữa một rừng các loại dưa na ná nhau, Tân Hưng không có cách nào để người tiêu dùng biết được sản phẩm của mình tốt hơn và đầu mối tiêu thụ thì chủ yếu vẫn chỉ qua thương lái, các chợ truyền thống.
Ông Trần Văn Thụ, phụ trách sản xuất của Công ty cho biết: Thời điểm này, dọc tuyến đường 10 đoạn qua huyện Yên Khánh, hoặc tại hầu khắp các chợ trên địa bàn tỉnh, đâu đâu cũng thấy đề biển quảng cáo dưa Kim Sơn. Thực chất dưa Kim Sơn đang bị lạm dụng thương hiệu, sản lượng dưa Kim Sơn không nhiều đến thế. Với quyết tâm chứng minh hàng "chính hãng", góp phần bảo vệ danh tiếng cho sản phẩm dưa Kim Sơn, minh bạch quá trình sản xuất, tạo sự tin tưởng cho khách hàng, vụ dưa năm nay, chúng tôi đã chủ động liên hệ với Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và Xúc tiến thương mại (Sở Nông nghiệp & PTNT) để triển khai gắn mã QR Code cho sản phẩm của mình. Bước đầu, phản hồi của người tiêu dùng rất tích cực. Hình ảnh, giá cả, nơi sản xuất, thông tin về các giai đoạn xuống giống, chăm bón, thời điểm cung ứng sản phẩm ra thị trường… đều được hiển thị khi check mã Code. Không còn băn khoăn hàng giả, hàng thật và nếu có vấn đề gì xảy ra thì truy cứu được nhờ vậy mà người tiêu dùng tin tưởng tuyệt đối. Thời gian tới, chúng tôi đang tính đến chuyện thiết kế, in thêm logo, cải tiến bao bì cho sản phẩm, nhắm tới thị trường là các siêu thị, cửa hàng tiện ích, hàng biếu tặng.
Xét về điều kiện tự nhiên, hiện tại chưa có địa phương nào sánh được vùng ven biển Kim Sơn về hiệu quả, chất lượng sản xuất hàu giống. Nếu hàu giống Trung Quốc chỉ đạt tỷ lệ sống khoảng 60% thì giống hàu được sản xuất tại huyện Kim Sơn có thể đạt tỷ lệ sống lên tới 80 - 90%. Ngoài ra, hàu giống ở Kim Sơn còn có đặc điểm là thời gian sinh trưởng kéo dài hơn, sản lượng, năng suất cao hơn. Để kiểm soát, quản trị sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị của sản phẩm hàu giống Kim Sơn, cuối năm 2020, Sở Nông nghiệp & PTNT cũng đã tiến hành cấp và dán tem truy xuất nguồn gốc QR Code cho sản phẩm này. Chị Phạm Thị Thúy, chủ một cơ sở sản xuất giống hàu ở xã Kim Trung không giấu nổi niềm vui: Trước đây sản xuất nhỏ lẻ thì không thật cần thiết nhưng khi quy mô sản xuất mỗi năm lên tới hàng chục triệu con giống thì việc dán tem truy xuất nguồn gốc trở thành yêu cầu bức thiết. Điều này tránh được việc gian lận, trà trộn con giống kém chất lượng ở nơi khác vào, làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng con hàu giống của cơ sở.
Còn nhiều việc phải làm
Có thể thấy, việc áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như QR Code đã giúp cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn, bảo đảm nguồn gốc cho người tiêu dùng. Được biết, thời gian qua Sở Nông nghiệp & PTNT, đã hỗ trợ cho hàng chục đơn vị doanh nghiệp, HTX thực hiện dán tem QR Code lên sản phẩm, trong đó có 26 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh cũng hỗ trợ trực tiếp đối với 2 cơ sở sản xuất rau Vietgap ở xã Mai Sơn, huyện Yên Mô và xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh để dán tem QR Code. Tuy nhiên số lượng sản phẩm được dán tem QR Code vẫn là quá nhỏ so với tổng số sản phẩm, nông sản hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Đăng Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao và Xúc tiến thương mại cho biết: Việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc tương tự như việc khai lý lịch cho sản phẩm. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet, người tiêu dùng có thể quét mã nhận diện sản phẩm mình định mua từ nơi sản xuất, đơn vị sản xuất, quy trình, thậm chí là ngày thu hoạch, hạn sử dụng và các chứng chỉ kèm theo. Hoạt động này giúp người tiêu dùng nhận biết được hàng thật, hàng giả, đồng thời, tiếp cận được với những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, từ đó tạo tâm lý yên tâm trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm. Ngoài ra, truy xuất nguồn gốc còn giúp cho các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp bảo vệ được thương hiệu quý giá của mình, tránh tình trạng bị đánh cắp, sao chép thương hiệu hay gian lận thương mại từ các đối thủ; làm tiền đề chuẩn hóa các sản phẩm khi tham gia vào các chuỗi cửa hàng siêu thị. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ dễ dàng hơn trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như định hướng thị trường.
Lợi ích của QR Code đã rõ nhưng thực tế việc triển khai nhân rộng còn khá chậm. Theo ông Nam, với doanh nghiệp lớn thì không khó. Tuy nhiên, đây lại là điểm khó với các HTX truyền thống và hàng nghìn hộ nông dân canh tác trên những mảnh vườn có diện tích nhỏ, khi đầu tư vào các quy trình kỹ thuật có liên quan đến công nghệ, kỹ thuật cao, quản lý nguồn gốc xuất xứ nông sản là rất khó. Trình độ công nghệ thông tin của nông dân hiện còn hạn chế, chi phí đầu tư thiết bị, phần mềm để nhập và liên kết các dữ liệu với nhau ban đầu cao. Chưa kể chi phí cho các hoạt động đầu tư này cũng rất tốn kém.
Theo các chuyên gia, thời gian tới, để đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm, cần tập hợp, khuyến khích nông dân nhỏ lẻ gia nhập các tổ hợp tác hay hợp tác xã; liên kết sản xuất tập thể nhiều hơn nữa để dễ dàng thực hiện áp dụng cách trồng trọt khoa học, an toàn... đáp ứng được yêu cầu nguyên liệu của doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường hơn nữa việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; quy định cụ thể về thông tin cần truy xuất (độ rộng) và mức độ truy xuất đến tác nhân nào, cụ thể ra sao để tạo tính đồng nhất của thông tin. Xây dựng website hỗ trợ cho một số đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản nhằm quảng bá thương hiệu, kết nối cung cầu hàng hóa. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về hoạt động truy xuất nguồn gốc, kinh doanh nông sản trên các sàn giao dịch điện tử.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu