Hầu hết các ý kiến phát biểu nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH về dự án Luật Thi hành án dân sự, đồng thời góp ý thêm một số ý kiến vào các vấn đề cụ thể. Các ý kiến phát biểu cho thấy, công tác thi hành án (THA) dân sự hiện nay vẫn còn yếu, chưa bảo đảm được tính nghiêm minh.
Vấn đề nổi cộm trong công tác THA dân sự là việc tồn đọng nhiều vụ án, quyết định thi hành án. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tồn đọng nhiều (riêng năm 2007 tồn đọng hơn 300 nghìn vụ, việc) là do những hạn chế, bất cập, nhất là trong quy định về trình tự, thủ tục; trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong THA. Chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa THA dân sự với THA phạt tù, đặc biệt là các vụ án hình sự có bồi thường thiệt hại, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước theo bản án, quyết định của tòa án chưa được bảo đảm, nhiều việc gây bức xúc trong xã hội.
Các đại biểu đề nghị cần làm rõ những nội dung về trình tự, thủ tục THA; cơ chế quản lý tổ chức, bộ máy; mối quan hệ giữa hoạt động xét xử của tòa án với hoạt động THA..., các nguyên tắc về THA dân sự, quyền và nghĩa vụ của người phải THA, người được THA, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan... cũng cần được quy định cụ thể hơn, tạo đồng bộ trong công tác THA dân sự...
Về vấn đề xã hội hóa việc THA dân sự, nhiều đại biểu cho rằng, việc quy định xã hội hóa hoạt động THA dân sự là cần thiết, vì đây là một trong những nội dung quan trọng của THA nhằm nâng cao hiệu quả THA và giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của phương án này, đòi hỏi cần có một đề án chuyển giao cụ thể, chặt chẽ, phải xác định rõ lộ trình thực hiện và có kế hoạch đầu tư về kinh phí, sắp xếp bố trí nhân sự một cách hợp lý, khoa học. Cần quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của những cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia THA. Cần làm rõ thế nào là xã hội hóa hoạt động THA và mục đích của việc xã hội hóa THA là gì, cân nhắc thận trọng trong điều kiện cụ thể và khi đã đủ điều kiện chín muồi thì mới nên làm.
Ðại biểu Phạm Lê Chi (Quảng Ninh) nhất trí với ý kiến phát biểu của nhiều đại biểu là mô hình tổ chức có tính quyết định đến hiệu quả của công tác THA, do vậy cần làm rõ những vấn đề về lý luận, thực tiễn của mô hình này. Về vấn đề xã hội hóa trong THA, đại biểu này cho rằng, cần tổ chức thí điểm. Về nội dung liên quan khiếu nại và giải quyết khiếu nại, đại biểu tán thành phải có quy định trong luật này cơ chế về giải quyết khiếu nại thi hành án. Vì thi hành án là hoạt động tư pháp cần có cơ chế đặc thù.
Ðại biểu Cầm Chí Kiên (Sơn La) băn khoăn về tính khả thi của việc xã hội hóa công tác THA, vì đây là hoạt động tư pháp, Nhà nước và cá nhân tham gia chia sẻ quyền lực này như thế nào, việc luân chuyển, điều động cán bộ đối với chấp hành viên ra sao? Theo đại biểu Cầm Chí Kiên, trong điều kiện hiện nay, đây không phải là một ngành, một nghề hấp dẫn cũng như không thể tuyển sinh cùng một lúc nhiều sinh viên vào Trường đại học Luật. Về mô hình tổ chức và quản lý cơ quan THA, đại biểu Cầm Chí Kiên nhất trí với phương án Bộ Tư pháp quản lý về nhà nước đối với cơ quan này. Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng, cần làm rõ mối quan hệ giữa THA với chính quyền các cấp tại địa phương, nếu không trong quá trình triển khai thi hành án sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Theo các đại biểu, về ngạch, tiêu chuẩn của chấp hành viên, đề nghị theo tiêu chuẩn chung của cán bộ, công chức là có trình độ cử nhân luật trở lên; song ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, trình độ của chấp hành viên có thể là trung cấp, nhằm thu hút nguồn cán bộ, công chức vào làm việc tại các cơ quan thi hành án. Về thẩm quyền ra quyết định thi hành án, một số đại biểu cho rằng, thi hành án là hoạt động tư pháp, là bước tiếp theo của trình tự tố tụng, khâu cuối cùng kết thúc một vụ án được xét xử và chấp hành, làm cho phán quyết của tòa án có hiệu lực pháp luật trên thực tế. Vì vậy giao cho tòa án ra quyết định thi hành bản án là phù hợp. Một số đại biểu có ý kiến khác, cho rằng, thi hành án là hoạt động hành chính tư pháp. Việc xét xử của tòa án chấm dứt khi tòa án ra phán quyết, trong đó bản án đã xác định quyền, nghĩa vụ của các bên, còn việc thi hành phán quyết đó lại là một giai đoạn khác, không phụ thuộc quá trình tố tụng.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã giải trình thêm một số vấn đề các đại biểu đã nêu về công tác thi hành án. Theo Bộ trưởng, có rất nhiều vấn đề các đại biểu nêu và trong báo cáo của Chính phủ đã tiếp thụ, tới đây sẽ có chỉnh lý và báo cáo QH. Về vấn đề xã hội hóa, Chính phủ đã đề nghị cho sửa lại theo hướng không phải là cấp phép cho một cá nhân thực hiện THA, mà thay vào đó là bổ nhiệm chức danh. Người được bổ nhiệm sẽ thành lập ra tổ chức thực hiện THA.
Bộ trưởng đề nghị QH chấp nhận việc này với lý do "THA đương nhiên là của quyền lực của Nhà nước. Tuy nhiên, có những việc mà xã hội làm tốt hơn thì chúng ta cần san sẻ gánh nặng với nhà nước". Thí dụ như công chứng trước đây (công chứng cũng là quyền lực của Nhà nước). Mới đây, QH cũng đồng ý để công chứng viên được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm có thể thành lập văn phòng công chứng, công ty công chứng riêng. Về nhiều ý kiến đại biểu còn băn khoăn xã hội hóa công tác thi hành án sẽ như kiểu Công ty đòi nợ, thì quy định phải rất chặt chẽ, không thể có chuyện đó, Bộ trưởng khẳng định.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, trong ba buổi thảo luận dự án Luật Thi hành án dân sự đã có hơn 50 đại biểu phát biểu ý kiến và đề nghị các đại biểu đã đăng ký nhưng chưa được phát biểu ý kiến, gửi bằng văn bản những ý kiến đóng góp tới Ban soạn thảo, Ðoàn thư ký kỳ họp, để các cơ quan chức năng tập hợp, tiếp thụ, chỉnh lý và hoàn thiện dự án luật này, trình QH thảo luận và thông qua trong kỳ họp sau.
Tiếp đó, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ đọc Tờ trình dự án Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi); Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi).
Theo Nhandan