Gia đình chị Bạch Thị Thúy là hộ cận nghèo ở thôn 9, xã Phú Long. Hai vợ chồng chị là lao động chính trong gia đình 5 người, nguồn thu chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp và chăn thả thêm 4 con bò. Gia đình đông người, con cái lại đang tuổi ăn tuổi học, thu nhập eo hẹp không đủ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày.
Trước đây, hai vợ chồng anh chị thay phiên nhau đi làm ăn xa, có thời gian chị đi làm công nhân cho một công ty chăn nuôi ở tỉnh Hà Nam, rồi Hòa Bình. Chồng chị Thúy làm nghề tự do, lúc thì đi xây dựng, khi thì làm trong các nhà máy. Cuộc sống mưu sinh khó khăn buộc hai vợ chồng phải gồng mình lên để chăm lo cho ba đứa con thơ.
Mấy năm trở lại đây, khi có một ít vốn liếng, chị Thúy về hẳn nhà, một mặt phát triển kinh tế gia đình, đồng thời có điều kiện nuôi dạy các con chu đáo hơn. Chị Thúy được vận động, tham gia Tổ hợp tác chăn nuôi gà ri của phụ nữ trong xã, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo.
Chị Thúy tâm sự: Từ trước đến nay đều tự thân mình bươn chải kiếm sống, nay được tham gia cùng chị em trong xã, tôi vui lắm. Làm việc trong tập thể có kế hoạch rõ ràng, sự định hướng của cấp ủy, chính quyền, chị em cùng chia ngọt sẻ bùi, giúp đỡ nhau về kinh nghiệm, không vui sao được. Chị cùng các thành viên trong Tổ hợp tác được tham gia mấy lớp tập huấn kỹ thuật trước khi thực hiện mô hình nên chị Thúy càng an tâm hơn.
Ngày nhận được hỗ trợ 200 con gà giống và gần 2 tạ thức ăn chăn nuôi, chị Thúy phấn khởi lắm. Chị cho biết: Tôi sẽ cố gắng chăm sóc cho đàn gà thật khỏe mạnh. Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là cho ăn bằng thức ăn chăn nuôi đúng tiêu chuẩn, sau 1 tháng sẽ cho ăn bằng cám ngô. Bên cạnh đó đảm bảo tiêu chuẩn chuồng trại hợp vệ sinh để phòng tránh dịch bệnh, nguồn nước, nhiệt độ...
Tổ hợp tác chăn nuôi gà ri theo hướng an toàn sinh học xã Phú Long do Hội Phụ nữ tỉnh và Liên minh Hợp tác xã hỗ trợ thành lập cách đây chưa lâu. Tổ hợp tác gồm 15 thành viên là hội viên phụ nữ xã Phú Long thuộc diện hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Qua việc thành lập tổ hợp tác nhằm giúp đỡ các thành viên phát triển kinh tế hộ, là cầu nối để chị em phụ nữ trao đổi kỹ thuật, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Chị Bùi Hương Loan, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Trong 15 thành viên của Tổ hợp tác có 6 hộ phụ nữ thuộc diện hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo. Do vậy, việc thành lập Tổ hợp tác có ý nghĩa hết sức quan trọng, đó là giúp phụ nữ tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của tỉnh, của Nhà nước, qua đó góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân xã Phú Long.
Tham gia tổ hợp tác, các chị em có điều kiện để trao đổi, giúp đỡ nhau về kỹ thuật. Hơn nữa, Tổ hợp tác cũng giúp các thành viên trong việc tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng giao dịch nhỏ lẻ sẽ bị ép giá. Khi mới thành lập, Tổ hợp tác đã nhận được tin vui khi được Hội Phụ nữ tỉnh cấp hỗ trợ 3.000 con gà giống và gần 2 tấn thức ăn chăn nuôi để thực hiện mô hình chăn nuôi gà ri theo hướng an toàn sinh học. Đây là động lực lớn để Tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, để các thành viên an tâm lao động sản xuất.
Theo thông tin từ UBND xã Phú Long, đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của xã Phú Long còn 3,8%. Đây là nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Phú Long trong những năm qua. Trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình gia trại, trang trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ngoài Tổ hợp tác chăn nuôi gà ri theo hướng an toàn sinh học, hội viên phụ nữ xã Phú Long mong muốn có thêm có những chính sách khuyến khích phù hợp, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế, đặc biệt là nâng cao vị thế của phụ nữ trong phát triển kinh tế gia đình.
Thái Học