Chị Nguyễn Thị Bình, ở thôn Minh Giang, xã Gia Thủy được người trong làng ngoài xã khen ngợi là người dạy con ngoan và làm kinh tế giỏi. Tất bật với công việc nhà nông, lại "kiêm" thêm nghề xay xát gạo, chăn nuôi lợn… song người phụ nữ ấy luôn vui vẻ, lạc quan. Chị tâm sự: "Trước kia mới lập gia đình, thu nhập của cả nhà chỉ trông vào vài sào ruộng nên vất vả lắm. Vợ chồng tôi quyết tâm làm giàu từ hai bàn tay trắng. Lúc đó, CLB "Chi hội thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên" ra đời, tôi nghĩ mình đang nghèo thế này, lại tập trung vào làm kinh tế nên cũng không đủ sức nuôi nhiều con được nên vợ chồng tôi đồng ý tham gia sinh hoạt ngay. Sinh hoạt trong CLB, chúng tôi vừa được trao đổi kinh nghiệm sản xuất, cách chăm sóc con cái, lại được tham gia phong trào văn hóa văn nghệ để tuyên truyền KHHGĐ. Gia đình tôi hiện cũng có của ăn của để và có điều kiện nuôi được hai cô con gái đang học đại học. Nhìn con cái thành đạt là tôi hạnh phúc lắm rồi".
Đồng chí Vũ Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Nho Quan phấn khởi cho biết: Cũng như xã Gia Thủy, nhiều địa phương khác trong huyện đã tích cực đổi mới hình thức tuyên truyền, nội dung, phương thức sinh hoạt, nên đã tạo ra hiệu quả lớn trong công tác truyền thông dân số. Đặc biệt, nét mới trong công tác DS-KHHGĐ ở huyện Nho Quan là đã "kéo" được sự tham gia tích cực của nam giới. Hiện, chúng tôi đã triển khai thành công CLB "Nam giới với công tác DS-KHHGĐ" ở 6 chi hội và dự kiến sẽ nhân rộng mô hình này trong phạm vi toàn huyện.
Hội Phụ nữ huyện còn chỉ đạo Hội Phụ nữ ở 27 xã, thị trấn thành lập các Câu lạc bộ như: "Xây dựng gia đình hạnh phúc", "Không có người sinh con thứ 3 trở lên", "Chăm sóc SKSS cho phụ nữ", "Tiền hôn nhân"… Các CLB này tổ chức sinh hoạt với chủ đề chăm sóc SKSS/KHHGĐ, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em và thực hành dinh dưỡng. Đồng thời tổ chức các cuộc thi về dân số/SKSS, nuôi con bằng sữa mẹ, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em... các cuộc thi cũng là dịp truyền thông nâng cao kiến thức cho hội viên phụ nữ.
Hội Phụ nữ huyện còn tích cực phối hợp với Chi cục Dân số-KHHGĐ tổ chức tập huấn kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, phát hiện sớm và phòng, chống các bệnh ung thư đường sinh sản, sàng lọc trước và sau sinh và kỹ năng truyền thông trực tiếp, giúp đối tượng thay đổi hành vi cho cán bộ hội chuyên trách các xã, thị trấn, Chủ nhiệm các câu lạc bộ phụ nữ.
Ngoài ra, cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở kiêm cộng tác viên dân số được tham gia tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng do ngành Dân số tổ chức. Hội Phụ nữ huyện còn đưa chỉ tiêu sinh hoạt CLB, chi, tổ phụ nữ không sinh con thứ 3 vào tiêu chuẩn thi đua hàng năm trong các cấp Hội, tổ chức sơ, tổng kết và biểu dương khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể làm tốt công tác DS-KHHGĐ. Từ đó, đưa ra các hoạt động như: Tọa đàm nêu gương người tốt, việc tốt; nói chuyện chuyên đề; lồng ghép công tác DS-KHHGĐ vào những buổi họp thôn, xóm nhằm tập hợp, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt; tích cực phối hợp với Trạm Y tế, Ban văn hóa và Đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn truyên truyền trên hệ thống truyền thanh về nội dung DS-KHHGĐ, chăm sóc SKSS, góp phần từng bước thay đổi nhận thức, hành vi cho người dân về sức khỏe sinh sản.
Công tác truyền thông, giáo dục nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ đã giúp cho hội viên phụ nữ trong huyện thay đổi nhận thức, hành vi chăm sóc bản thân. Từ đó đã giúp giảm tỷ lệ viêm nhiễm phụ khoa ở chị em phụ nữ, ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chủ động hơn trong việc áp dụng các biện pháp tránh thai, KHHGĐ.
Thu Hằng