Dẫn chúng tôi đi tham quan nhà văn hóa thôn đang được xây dựng tường bao và nâng cấp vài hạng mục đã bị xuống cấp, Bí thư Chi bộ thôn 4 Đinh Thị Hoa phấn khởi cho biết, nhà văn hóa thôn được xây dựng từ lâu, đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Tuy chưa thể đóng góp khoản tiền lớn để xây mới nhà văn hóa ở thời điểm này, song với sự chung tay cải tạo, nâng cấp của nhân dân thì "ngôi nhà chung" của thôn sẽ được khai thác có hiệu quả trong thời gian tới.
Đặc biệt, việc nâng cấp, cải tạo nhà văn hóa thôn còn là một công trình có ý nghĩa, thể hiện đời sống kinh tế của nhân dân đã được nâng lên rất nhiều. Bởi chỉ khi kinh tế của bà con được ổn định, thì mọi vận động đóng góp để xây dựng các thiết chế văn hóa, các công trình cơ bản sẽ thuận lợi hơn.
"So với các thôn khác trong xã Phú Long, thôn 4 còn nhiều khó khăn hơn cả. Toàn thôn có 181 hộ với 560 khẩu, đời sống của bà con phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Mía và sắn là cây trồng chủ lực, song manh mún, hiệu quả chưa cao, công tác xóa đói, giảm nghèo vì thế mà cũng không bền vững. Đời sống khó khăn nên thôn không thể huy động được sự đóng góp trong nhân dân để xã hội hóa các công trình cơ bản"- Bí thư Chi bộ thôn Đinh Thị Hoa cho biết.
Những năm qua, nhân dân thôn 4 đã áp dụng các tiến bộ KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi và đặc biệt là đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang các cây cho năng suất, giá trị cao hơn. Điển hình là đã có 33 hộ đưa vào trồng cây na trái vụ cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Bùi Đức Lợi là một trong những hộ đi đầu trong việc trồng cây na trái vụ ở thôn 4, cho biết, trước đây, cũng như các hộ dân trong thôn, gia đình ông chỉ trồng cây mía, cây sắn, giá cả bấp bênh bởi điệp khúc "được mùa mất giá".
Cách đây 3 năm, sau khi đi học hỏi kinh nghiệm ở một số địa phương khác, ông Lợi quyết định chuyển sang trồng na trái vụ. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm cũng thu hoạch được từ 9-10 triệu đồng/sào/năm. Với sự cần cù, năng động của người dân, công tác giảm nghèo của thôn 4 đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Theo kết quả rà soát hiện nay, trong thôn 4 chỉ còn 8 hộ nghèo, trong đó cả 8 hộ nghèo đều thuộc đối tượng bảo trợ, không có hộ nào có lao động mà thuộc diện nghèo.
Đồng chí Bùi Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Long cho biết, để thực hiện được mục tiêu đề ra trong công tác giảm nghèo, xã đã chỉ đạo các đoàn thể tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, qua đó, nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường của người dân Phú Long.
Bên cạnh đó, Đảng bộ còn giao nhiệm vụ cho từng đảng viên, có trách nhiệm giúp đỡ các hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo. Các hội, đoàn thể trong xã cũng đã phát huy vai trò tích cực, chủ động trong tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, nhân dân hăng hái lao động sản xuất phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Ngoài ra, Hội Nông dân còn tranh thủ sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y huyện… tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật; mở các lớp tập huấn về bảo vệ thực vật, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi; chọn những cây, con giống đạt hiệu quả kinh tế cao; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi cho cán bộ, hội viên…
Đến nay, địa phương đã hình thành vùng trồng mía với diện tích được mở rộng lên trên 220 ha, sản lượng trung bình 60 tấn/ha, có giá từ 50-60 triệu đồng/ha. Sản phẩm được thu mua tận ruộng và quan trọng là người dân không bị các thương lái ép giá. Một lợi ích nữa của cây mía, đó là người dân có thể tận dụng phần ngọn mía để phát triển chăn nuôi. Nhiều hộ dân đã hướng đến chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, đưa các con đặc sản vào nuôi như hươu, nhím, dê, ong mật…
Từ các mô hình tổng hợp này nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Xã cũng đã mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật để hướng dẫn bà con có thêm kinh nghiệm trong chăn nuôi gà đồi. Qua đó, nhiều hộ chăn nuôi đã có thêm những kiến thức cần thiết để áp dụng vào mô hình cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn xã Phú Long có gần 100 hộ nuôi gà đồi có quy mô trên 100 con trở lên. Theo kết quả rà soát hộ nghèo năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 3,33%.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng