Diện tích đất tự nhiên của xã Phú Long chủ yếu là đất đồi, núi, còn lại rất ít là đất thấp và bằng phẳng có thể trồng lúa. Toàn xã có gần 90 ha sản xuất lúa 2 vụ, còn lại là đất đồi, rừng chủ yếu trồng sắn phục vụ chăn nuôi. Do đó, kinh tế của xã Phú Long chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao.
Để phát triển kinh tế, Đảng bộ và chính quyền xã Phú Long đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển các cây công nghiệp, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Theo đó, xã Phú Long đã quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh theo hướng ở những vùng thấp, khuyến khích bà con nông dân trồng lúa kết hợp với phát triển chăn nuôi, ở vùng cao chuyển đổi diện tích trồng lúa, sắn kém hiệu quả sang trồng mía, dứa..., kết hợp nuôi các con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao như hươu, nhím.
Đến nay, Phú Long thực sự đã chuyển mình, nhất là việc chuyển đổi và phát huy đúng các cây trồng thế mạnh trên địa bàn xã, trong đó các cây công nghiệp mới như cây mía và dứa đã cho giá trị thu nhập cao, tạo việc làm và giúp nhân dân phát triển kinh tế hộ.
Đối với cây mía, đây là cây trồng có diện tích khá lớn, rất phù hợp với điều kiện tự nhiên ở nơi đây. Chất đất tốt nên cây mía cho năng suất cao, trong khi chi phí đầu tư ít vì chỉ cần đầu tư một lần, người nông dân có thể thu hoạch được 5 vụ. Do trồng mía có hiệu quả nên những năm gần đây người dân Phú Long đã tích cực cải tạo diện tích hoang hóa, chuyển đổi diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang trồng mía, nên diện tích mía tăng lên đáng kể, năm sau cao hơn năm trước. Tính hết năm 2011, xã Phú Long có 250 ha đất trồng mía, năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha.
Cây dứa cũng được nhân dân Phú Long lựa chọn là cây trồng chính giúp xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế. Điều kiện tự nhiên phù hợp nên cây dứa sinh trưởng, phát triển tốt và diện tích cũng dần dần được mở rộng. Hiện nay, toàn xã có trên 80 ha dứa, năng suất bình quân đạt 40 tạ/ha. Nông dân đã yên tâm sản xuất vì xã đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao, vừa cung ứng giống, vừa bao tiêu sản phẩm, giá cả ổn định. Bên cạnh cây dứa, cây mía, các cây trồng truyền thống như sắn, lạc... cũng được nhân dân duy trì và phát triển mạnh. Hiện nay, toàn xã có 250 ha sắn, năng suất đạt 30 tạ/ha; 80 ha lạc cho năng suất 1,5 tấn/ha; ngô 2 vụ và ngô xen canh 335 ha, năng suất 35 tạ/ha.
Đảng bộ và chính quyền xã Phú Long đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân chú trọng đầu tư vào chăn nuôi, các con nuôi phát triển tốt và không có dịch bệnh lớn xảy ra. Đàn gia súc, gia cầm ngày càng tăng về quy mô và số lượng. Hiện nay, toàn xã có 742 con trâu, 1.827 con bò, 2.893 con lợn, 15.924 con gia cầm... Đặc biệt, do điều kiện tự nhiên khá thuận lợi nên xã đã khuyến khích nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi các con đặc sản. Số lượng các con nuôi đặc sản tăng khá qua từng năm, toàn xã hiện có 102 con hươu, 605 con dê, 500 đàn ong...
Trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại nuôi các con đặc sản như hươu, nhím, dê, ong... cho giá trị thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/năm. Nhờ phát triển kinh tế trang trại, đã có hàng trăm hộ dân vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên trở thành hộ khá, hộ giàu.
Hương Giang