Trước đây, Phú Long nghèo lắm, vậy mà làng quê nghèo ấy nổi danh kiên cường, từng đánh bại hàng trăm trận càn của giặc trong những năm kháng chiến chống Pháp. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, hàng nghìn người con ưu tú của Phú Long đã lên đường đi chiến đấu ở khắp các mặt trận. Hàng trăm dân quân, du kích ngày đêm chiến đấu, giữ đất giữ làng, lập những chiến công vang dội. 100 liệt sỹ và hàng trăm người con Phú Long đã để lại một phần xương máu của mình tại chiến trường...
Đất nước độc lập, song kinh tế của Phú Long vẫn trong tình trạng thấp kém, sản xuất nhỏ, tự túc là chính. Đời sống của bà con hết sức khó khăn. Làm thế nào để bà con có đủ cơm ăn, áo mặc? Đó là niềm trăn trở của biết bao thế hệ những cán bộ xã. Song, đây thực sự là bài toán khó.
Trước thực trạng đó, Đảng bộ, chính quyền xã đã nỗ lực tìm ra giải pháp phù hợp với thực tế địa phương nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, đẩy mạnh công cuộc xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân.
Một bước ngoặt lớn đã đến với Phú Long. Vào những năm cuối của thập kỷ 90, một vài người dân năng động đã đưa cây mía đỏ vào trồng thử trên diện tích đất khó cấy lúa. Từ vài hộ trồng thí điểm, toàn xã đã có 50 ha trồng mía đỏ. Nhận thấy tiềm năng trong việc phát triển cây mía ở Phú Long, Công ty mía đường Việt-Đài Loan (Thanh Hóa) đã phối hợp với chính quyền địa phương về tận các hộ dân để phân tích, vận động. Trồng mía đường khá đơn giản, chi phí cho sản xuất chỉ vào khoảng 20 triệu đồng/ha. Nhờ kỹ thuật lưu gốc nên sau 3 năm, bà con mới phải trồng lại. Để khuyến khích bà con, ngoài hỗ trợ về giống, kỹ thuật, Nhà máy còn hỗ trợ 2 triệu đồng/ha.
Nhờ "thuận lòng dân" nên chỉ sau một thời gian ngắn, việc hình thành vùng trồng mía đường đã thành công. Đến nay, diện tích trồng mía đã được mở rộng lên 210 ha với sản lượng 60 tấn/ha, với giá từ 50-60 triệu đồng/ha. Sản phẩm được thu mua tận ruộng và quan trọng là người dân không bị các thương lái ép giá. Cùng với cây mía đường, người dân trong xã còn đưa cây dứa và lạc vào gieo trồng, được xã tìm đầu ra cho sản phẩm nên người nông dân hoàn toàn yên tâm sản xuất.
Một lợi ích nữa của cây mía, đó là người dân có thể tận dụng phần ngọn mía để phát triển chăn nuôi. Nhiều hộ dân đã hướng đến chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại. Bên cạnh đó, nhiều hộ còn mạnh dạn đưa các con đặc sản vào nuôi như hươu, nhím, dê, ong mật… Từ các mô hình tổng hợp này mà nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Kỷ (thôn 10) với trang trại nuôi lợn, hay mô hình nuôi lợn siêu nạc của thanh niên Phạm Văn Thuần (thôn 6)… mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Phú Long còn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục-đào tạo. Các trường học được xây dựng khang trang giúp giáo viên, học sinh yên tâm dạy và học. Cả 10 thôn đều có nhà mẫu giáo, giúp các cháu có chỗ học tập, vui chơi. 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Số học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Tỷ lệ sinh con thứ 3 cũng giảm đáng kể…
Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân xã Phú Long sẽ tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, gắn với đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT- XH, xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh; xây dựng quê hương đổi mới và phát triển, mà mục tiêu cụ thể trước mắt, đó là giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 8,87% xuống còn dưới 7% trong năm 2012.
Nguyễn Hùng