Theo báo cáo của xã, những năm trước đã xảy ra nhiều trận lũ quét, sạt lở gây thiệt hại khá lớn đến hoa màu, tài sản của nhân dân. Điển hình là đợt mưa lớn vào tháng 10/2017 đã xảy ra lũ quét gây ngập úng cục bộ, gây tắc đường ở các điểm trọng yếu như: Đập tràn thôn 1, dốc đá thôn 3, đường đi xã Kỳ Phú, cống thôn 10 đi thành phố Tam Điệp.
Ông Nguyễn Đình Độ, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và hoa màu trong mùa mưa bão. Ngay từ trước mùa mưa bão, xã đã kiện toàn Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt bão, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên với phương châm " 4 tại chỗ"; rà soát, bổ sung hoàn thiện các phương án, kế hoạch chi tiết, cụ thể trong phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả mưa bão.
Bên cạnh đó, xã huy động lực lượng tình nguyện, xung kích… chuẩn bị phương tiện sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra. Theo đó, đội xung kích chuẩn bị 20 cái cuốc xẻng, các thôn 1, 2, 4, 8, 9, 10 mỗi thôn hơn 100 bao tải, 1 máy cưa; thôn 3, 5 mỗi thôn chuẩn bị 150 bao tải, 2 xe tải, 2 máy cưa, 1 máy múc...
Trong mùa mưa bão, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân về việc ứng phó với lụt, bão, nhất là đối với các hộ dân đang sinh sống, sản xuất tại các khu vực xung yếu, ven suối, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập úng cao; rà soát các hộ gia đình có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn, điều động lực lượng đến giúp đỡ khi có thiên tai. Xây dựng phương án phối hợp điều tiết giao thông khi xả lũ khu vực hồ Đồng Chương, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Tại các thôn thành lập các tiểu ban chủ động trong việc chỉ đạo triển khai, khi có thiên tai, bão lũ xảy ra. Chủ động đăng ký về thông tin đường dây nóng là số điện thoại của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, các đồng chí Bí thư chi bộ và trưởng thôn để nhân dân nắm được.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng và sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Chủ tịch UBND huyện và phân ban vùng cao. Chủ động thông báo cho nhân dân không được đi qua điểm sạt lở, lũ ống, lũ quét, cắt cử cán bộ trực sẵn sàng khi có nguy cơ xảy ra lũ, huy động lực lượng di dời dân đến nơi an toàn.
Qua rà soát, kiểm tra cho thấy, hiện nay trên địa bàn xã có một số điểm xung yếu có thể xảy ra lũ như dốc đá, đập tràn, cống thôn 3 đi xã Kỳ Phú, cống thôn 10 đi TP. Tam Điệp, ngập úng cục bộ là thôn 7, sạt lở đất ở thôn 5, thôn 4 và thôn 1.
Xã đã chỉ đạo tu sửa kênh mương, kè cống, nhà văn hóa thôn, hồ đập, kiểm tra các khu vực hay xảy ra sạt lở đất, các cống có kế hoạch sửa chữa ngay trước mùa mưa bão.
Chị Phạm Thị Hiền, thôn 4, xã Phú Long cho biết :"Trước mùa mưa bão, gia đình tôi đã chủ động san, gạt, hạ ta luy sau nhà, thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết cũng như thông báo của thôn, xã để chủ động di dời khi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất đồi."
Khi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN xã khẩn trương lập chốt chặn, có biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, phân công lực lượng đảm bảo thông tin nhanh đến các khu để người dân được biết. Bên cạnh đó, huy động nhân dân, các tổ chức đoàn thể, phối hợp với lực lượng công an, dân quân tự vệ nhanh chóng sử dụng phương tiện để khắc phục hậu quả, bảo đảm an toàn người và tài sản, khai thông tuyến nhanh nhất.
Sau khi thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã; các thôn phải kiểm tra nắm chắc, báo cáo những thiệt hại do thiên tai gây ra và có biện pháp tổ chức khắc phục ngay; tiếp nhận và phân phối kịp thời các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, thuốc men, hỗ trợ kinh phí cho người dân bị thiệt hại.
Với phương châm "4 tại chỗ", gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, công tác phòng, chống lụt bão giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã và đang được Phú Long triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ ở tất cả các thôn, xóm theo tư tưởng chỉ đạo phòng tránh là chính, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả, nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bài, ảnh: Hoàng Hiệp