Thôn Đồi Chè có 49 hộ sản xuất nông nghiệp với diện tích đất nông nghiệp trên 118.000 m2, gồm 1 khu đồng mùa và 2 khu đồng chiêm. Thực hiện các bước trong quy trình dồn điền, đổi thửa, thôn đã họp và tự thỏa thuận: Những hộ gia đình nhận ruộng tốt của đồng chiêm thì nhận ruộng xấu của đồng mùa và ngược lại, sau đó được chia theo hình thức bốc thăm.
Hộ gia đình ông Bùi Minh Phương ở thôn Đồi Chè là một trong những hộ gia đình tiêu biểu, đi đầu trong việc dồn điền, đổi thửa của thôn. Hiện tại, gia đình ông đang canh tác trên diện tích 2.000m2 với 5 thửa ruộng, ông Phương chia sẻ: Vụ mùa vừa rồi, lúa của gia đình chín đều, máy gặt ở ngay trên bờ ruộng mà không đưa xuống gặt được do bờ ruộng nhỏ, thửa manh mún. Nhận được chủ trương, kế hoạch dồn điền, đổi thửa của tỉnh, của huyện và xã Phú Lộc là đơn vị thực hiện đầu tiên, ông rất phấn khởi, ông là một trong 8 hộ của thôn tự nguyện nhận gọn về một thửa và chấp nhận ở khu ruộng trũng xấu hơn, chỉ canh tác được 1 vụ lúa trong năm.
Còn đối với thôn Hàm Rồng, là thôn làm điểm của xã Phú Lộc, công tác dồn điền, đổi thửa được triển khai rất tích cực. Thôn đã thành lập Ban phát triển thôn thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, gồm 16 người, Ban đã tổ chức các hội nghị về việc dồn điền, đổi thửa để nhân dân tự bàn bạc, thỏa thuận và thống nhất cách làm. Theo đó, thôn vận động các hộ có diện tích dưới 2.000 m2 nhận gọn vào 1 thửa, khuyến khích các hộ nhận những khu ruộng xấu, nằm ở xa với tỷ lệ cao hơn. Ví dụ, hộ có 1 mẫu ruộng mà nhận khu ruộng xấu thì được chia từ 1,2 đến 1,5 mẫu, ruộng tốt từ 0,7 đến 1 mẫu. Sau khi họp bàn, thôn Hàm Rồng đã nhận được sự đồng tình thống nhất cao của người dân. Thôn có 74 hộ nông nghiệp, trong đó có 40 hộ tự nguyện nhận gọn vào 1 thửa, 32 hộ nhận 2 thửa, còn lại là 3 thửa.
Qua khảo sát cho thấy, xã Phú Lộc có trên 600 ha đất nông nghiệp với bình quân có từ 8 đến 10 thửa/1 hộ, phấn đấu sau khi dồn đổi giảm xuống còn 3,5 đến 3,7 thửa/ hộ. Trên cơ sở 6 bước của Hướng dẫn quy trình dồn điền, đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp, căn cứ vào thực tế của địa phương, Phú Lộc đã dồn lại và triển khai thực hiện 5 bước; bước 1: Triển khai trong toàn Đảng bộ và nhân dân về chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dồn điền, đổi thửa; bước 2: Khảo sát thực trạng đất đai năm 1993 đến năm 2003; bước 3: Xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa; bước 4: Chia ruộng trên thực địa; bước 5: Hoàn chỉnh các thủ tục địa chính đề nghị cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân.
Xác định dồn điền, đổi thửa ruộng đất là việc khó, Đảng ủy, UBND xã Phú Lộc đã nhiều lần họp bàn, xây dựng Kế hoạch, quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi nội đồng để làm cơ sở thực hiện dồn điền, đổi thửa, phấn đấu giảm tối đa số thửa ruộng/hộ, chỉnh lại ruộng trên cơ sở giữ nguyên số hộ. Ban chỉ đạo dồn điền, đổi thửa xã cùng các đoàn thể đã về họp với chi bộ, họp với nhân dân, nhiều thôn phải về họp nhiều lần để kịp thời tháo gỡ giải quyết những khó khăn phát sinh, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đài truyền thanh xã thường xuyên tuyên truyền về mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, các giải pháp thực hiện dồn điền, đổi thửa theo tiêu chí nông thôn mới và biểu dương các thôn, hộ gia đình đi đầu trong dồn điền, đổi thửa.
Trong quá trình thực hiện, các thôn vận động cán bộ, đảng viên làm trước và các hộ gia đình là anh em, bố con, dòng họ nhận cùng vào một khu, khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân không còn nhu cầu sản xuất nông nghiệp tự nguyện trả lại đất giao cho xóm, đội sản xuất, HTX hoặc UBND xã để tập trung vào một vùng tiện cho việc quản lý, sử dụng. Cùng với dồn điền, đổi thửa, hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng cũng được xã xây dựng kế hoạch cụ thể và có kế hoạch làm điểm từ 1 đến 2 tuyến để lấy phong trào.
Theo đồng chí Lê Văn Dụng, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lộc: Mặc dù trong quá trình triển khai thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa xã cũng gặp không ít khó khăn do đồng đất của xã không đồng đều; một số hộ không muốn thay đổi do ruộng đất đã ổn định, nếu chia lại sẽ nhận vào ruộng xấu, diện tích lại lớn thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế, bên cạnh đó nguồn kinh phí đóng góp làm thủy lợi nội đồng lớn nên nhân dân còn băn khoăn, chưa yên tâm… Song do làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân nhận thức rõ xây dựng nông thôn mới nói chung và dồn điền, đổi thửa nói riêng là vì lợi ích của bà con nông dân, cùng với đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ thôn xóm làm công tác dồn điền, đổi thửa có năng lực, am hiểu, gắn bó với đồng ruộng nên đến thời điểm này Phú Lộc có 6/15 thôn hoàn hoàn thành bước 2; 3 thôn hoàn thành bước 3, riêng thôn Hàm Rồng đã tiến hành giao ruộng tại thực địa vào ngày 20-11; 6 thôn còn lại phấn đấu hoàn thành xong bước 3 vào cuối năm 2013.
Có thể khảng định: Để có được kết quả đó, Phú Lộc đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thực hiện đúng quy trình, bảo đảm công khai, dân chủ và nông dân thực sự làm chủ đồng ruộng nên công tác dồn điền, đổi thửa trên địa bàn xã đã nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Tin rằng với kết quả bước đầu sẽ tạo động lực để Phú Lộc hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa theo đúng kế hoạch đề ra và người dân trong xã sẽ bước vào vụ sản xuất mới trên những thửa ruộng lớn ngay trong vụ đông xuân 2013-2014.
Bảo Yến