Ngày 15/5, phóng viên ảnh người Hà Lan Hugh Van Es - người tiếng với bức ảnh chụp đoàn người chen nhau leo lên một chiếc trực thăng Mỹ tại Sài Gòn năm 1975 lột tả sự sụp đổ của chính quyền Mỹ Ngụy, đã trút hơi thở cuối cùng ở Hong Kong, thọ 67 tuổi.
Bức ảnh biểu tượng Nhắc tới Hugh Van Es, người ta thường nhớ đến bức ảnh mang tính biểu tượng của ông. Đó là vào ngày 29/4/1975, khi quân đội giải phóng tiến gần tới Sài Gòn, khoảng 1.000 người Việt đã cùng những người Mỹ chạy khỏi thành phố bằng những chiếc trực thăng từ trên nóc tòa nhà Đại sứ quán Mỹ. Cách đó không xa, có một số người cũng leo lên nóc một tòa nhà khác, nơi cư ngụ của các quan chức CIA và gia đình họ. Tất cả hy vọng có thể chạy trốn bằng chiếc trực thăng thuộc sở hữu của Air America, một hãng hàng không trá hình do CIA điều hành. Từ trên ban công của tòa nhà hãng thông tấn UPI nằm cách đó không xa, Van Es ghi lại khung cảnh hỗn loạn bằng chiếc máy ảnh gắn ống kính 300mm, chiếc ống kính dài nhất mà ông có. Sau này, Van Es kể lại rằng không phải toàn bộ trong số khoảng 30 người trên nóc nhà có thể lên máy bay và chiếc UH-1 Huey đã cất cánh trong tình trạng quá tải. Bức ảnh này đã khiến Van Es trở nên nổi tiếng, dù ông từng mất rất nhiều thời gian để giải thích rằng đó không phải là ảnh chụp nóc tòa nhà Đại sứ quán Mỹ. Nó được coi là biểu tượng về cuộc rút chạy trong tuyệt vọng của người Mỹ và sự thất bại hoàn toàn về chính sách của họ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Người của những khoảnh khắc lịch sử Sinh ra lại Hilversum (Hà Lan), Hubert Van Es học tiếng Anh bằng cách lân la làm quen với các binh sĩ trở về từ Thế chiến II. Ông chọn nghề phóng viên ảnh sau lần đi xem một triển lãm ở bảo tàng địa phương khi mới 13 tuổi. Những bức ảnh của phóng viên chiến trường huyền thoại Robert Capa đã khiến Van Es sửng sốt và để lại ấn tượng sâu đậm trong ông. Tốt nghiệp trung học, Van Es bắt đầu làm phóng viên ảnh cho hãng Nederlands Foto Persbureau tại Amsterdam. Năm 1967, ông tới Hong Kong trong vai trò một phóng viên tự do. Van Es đã gia nhập tờ South China Morning Post với tư cách phóng viên ảnh chính và có cơ hội đến Việt Nam trong vai trò người ghi âm cho kênh truyền hình NBC News. Ở Việt Nam, ông tham gia nhóm phóng viên ảnh của hãng AP và hoạt động tại Sài Gòn từ năm 1969 - 1972 trước khi chụp ảnh 3 năm cuối của cuộc chiến cho hãng thông tấn UPI. Ngoài bức ảnh chụp cuộc tháo chạy khỏi Sài Gòn nổi tiếng, ông còn có hàng loạt tác phẩm để đời khác. Trong đó có bức ảnh chụp trong một trận đánh ghi cảnh một người lính bị thương với chiếc thập tự le lói hắt sáng trong cái bóng to lớn của anh ta. Một nhân chứng vĩ đại Dù sinh ra tại Hà Lan, Van Es luôn coi châu Á là nhà của ông. Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, ông trở lại Hong Kong và làm phóng viên tự do cho nhiều tờ báo, tạp chí Âu Mỹ lớn. Ông cũng chụp ảnh cho rất nhiều bộ phim Hollywood quay tại châu Á. Hôm qua, Van Es đã qua đời tại bệnh viện Queen Mary ở Hong Kong do bị xuất huyết não và hôn mê sâu vào cuối tuần trước. Rất nhiều đồng nghiệp đã đánh giá cao sự dũng cảm, tài năng và tính cách của Van Es. "Hiển nhiên ông sẽ được nhớ tới như một nhân chứng vĩ đại của một trong những tấn kịch vĩ đại nhất nửa sau thế kỷ 20" - Ernst Herb, chủ tịch câu lạc bộ báo chí nước ngoài ở Hong Kong nhận xét.
Theo T&VH/Vietnam +