Để đảm bảo năng suất lúa thì việc phát hiện sớm và phòng trừ sâu bệnh là nhiệm vụ quan trọng của các địa phương trong thời gian tới. Từ đầu tháng 3 đến nay, thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ thay đổi liên tục giữa các ngày, chênh lệch nhiệt giữa ngày và đêm cao, nhiều ngày trời âm u có mưa nhỏ, mưa phùn, độ ẩm cao kèm theo mưa dông nên nhiều nơi trong tỉnh lúa bị sâu bệnh gây hại, đặc biệt là các huyện phía Nam như: Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh.
Qua điều tra của Chi cục BVTV tỉnh: Bệnh đạo ôn gây hại trên hầu hết các trà lúa ở tất cả các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Đặc biệt, bệnh hại nặng trên các ruộng xanh tốt, giống nhiễm trà xuân muộn (Nếp, Bắc thơm số 7, LT2, Phú ưu 978, D.ưu 600…), tỷ lệ bệnh trung bình từ 0,5% nơi cao 5-10%, cá biệt có nơi lên tới 40-70%. Đã xuất hiện những ổ lùn lụi ở HTX Đồng Phong (Thượng Hòa, Nho Quan), HTX Côi Trì (Yên Mô), Tân Thành (Kim Sơn). Đến nay diện tích nhiễm đạo ôn trên toàn tỉnh là 4.823 ha, nhiều nhất là ở Kim Sơn 3000 ha, Yên Mô 1.200 ha.
Dự báo trong thời gian tới: Bệnh đạo ôn vẫn tiếp tục lây lan và gây hại, nếu không phát hiện sớm để phòng trừ có khả năng nhiều diện tích sẽ bị lùn lụi; rầy cám lứa 2 nở rộ từ trung tuần tháng 4 đến cuối tháng 4; ngoài ra sâu đục thân lúa 2 chấm trưởng thành lứa 2 sẽ ra rộ từ hạ tuần tháng 4 đến trung tuần tháng 5, sâu non nở rộ từ thượng tuần tháng 5 đến hạ tuần tháng 5 gây hại cục bộ trên trà lúa trỗ sau ngày 5-5 ở các huyện phía Bắc tỉnh.
Thời điểm hiện nay là cao điểm của các đối tượng dịch hại. Trước thực trạng này, Chi cục BVTV đã trực tiếp cử cán bộ kỹ thuật đến các HTX trong toàn tỉnh hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân phát hiện và phòng trừ sâu bệnh trên truyền hình, trên Báo Ninh Bình, hệ thống đài truyền thanh các cấp. Nhiều HTX đã chỉ đạo và hướng dẫn nông dân tích cực phòng trừ sâu bệnh và một số diện tích đã được phun thuốc từ 2-3 lần.
Ông Phạm Văn Hào, xóm Tây, thôn Quảng Từ (xã Yên Từ, Yên Mô) cho biết, gia đình ông cấy 8 sào ruộng thì có 3 sào cấy giống Thiên Hương bị nhiễm bệnh đạo ôn, theo khuyến cáo của HTX, ông đã tiến hành phun thuốc, nhưng thời tiết bất thuận nên hiệu lực phòng trừ không cao, khả năng ông phải phun lại lần 2.
Để ngăn chặn nguy cơ sâu bệnh gây hại trên diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất lúa, yêu cầu đặt ra lúc này là phải tập trung cao độ, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, phát động các đợt phòng trừ từ nay đến đầu tháng 5. Theo đồng chí Đỗ Thị Thao, Chi cục phó Chi cục BVTV tỉnh: Toàn tỉnh đã phun trừ bệnh đạo ôn được 2 đợt cho 4.993 ha lúa; phun trừ sâu cuốn lá nhỏ cho 7.800 ha và dự kiến sẽ tiến hành phun phòng trừ rầy lứa 2 cho 11 nghìn ha từ ngày 18-4 trở đi.
Chi cục cũng đề nghị các đơn vị cần đảm bảo đủ nước, chăm sóc kịp thời, bón phân cân đối và đúng kỹ thuật để tạo điều kiện cho lúa làm đòng, trỗ bông, đồng thời tăng khả năng chống chịu đối với các đối tượng dịch hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn. Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện các đối tượng dịch hại và tiến hành phòng trừ khi đến ngưỡng. Đối với ruộng bị bệnh đạo ôn lá, không được bón các loại phân đặc biệt là phân đạm hoặc phun thuốc kích thích sinh trưởng. Đồng thời tiến hành phòng trừ trên những ruộng có tỷ lệ bệnh trên 2% bằng một trong những loại thuốc đặc hiệu như: Beam 75WP, Beam Super 75WP, Fujione 40WP. Đối với sâu cuốn lá nhỏ, sử dụng các thuốc như: Regent 800WG, Tango 800WG, Rambo 800WG, Dogent 800WG. Đối với rầy lưng nâu, rầy lưng trắng, phun trừ trên những ruộng có mật độ trên 2 nghìn con/m2 bằng PenaltyGold 50 EC, Sutin 5SC, Conphai 10WP…
Sâu bệnh phát sinh trên đồng ruộng sẽ trở nên đáng lo ngại nếu các huyện, thị không tập trung chỉ đạo phòng trừ kịp thời, do vậy cần phải tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, dự tính, dự báo chính xác sâu bệnh cuối vụ và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân nắm rõ tình hình, mức độ nguy hại của sâu bệnh từ đó nâng cao ý thức tự giác, chủ động phòng trừ trên chính thửa ruộng của gia đình mình.
Nguyễn Lựu - Ngọc Tân