Đến nay, 100% Trung tâm y tế huyện, thành, thị đã được xây dựng kiên cố, khang trang. Đội ngũ cán bộ cũng được đào tạo và đào tạo lại, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt ở các xã, phường, thị trấn đã dấy lên phong trào xây dựng chuẩn quốc gia về y tế. Theo đó, chất lượng công tác khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân cũng được nâng lên rõ rệt.
Có dịp đến thăm Trạm y tế các xã Quang Sơn (thị xã Tam Điệp), Yên Phong (Yên Mô), Đồng Hướng (Kim Sơn), Thạch Bình (Nho Quan)..., chúng tôi mới thấy hết nỗ lực của các địa phương trong phong trào xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế. Nhiều nơi kinh tế chưa phải là mạnh, song đã ưu tiên đầu tư cho các công trình trường và trạm theo tiêu chí chuẩn quốc gia, trị giá mỗi công trình lên tới hàng tỷ đồng. Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo xã Gia Tân (Gia Viễn) chúng tôi được biết: Năm 2007 Gia Tân đã được công nhận chuẩn quốc gia y tế xã. Trước khi bắt tay xây dựng chuẩn, Gia Tân đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức rà soát theo các tiêu chí chuẩn và xác định rõ những nội dung công việc phải làm. Đó là đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất, trạm y tế, xúc tiến nhanh việc xây dựng công trình nước sạch, vận động nhân dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải... Giữa năm 2006, công trình trạm y tế được khởi công xây dựng với 1 khu nhà 2 tầng, 12 phòng chức năng, ngoài ra còn có nhà để xe, nhà bếp, nhà kho, vườn thuốc nam. Trị giá công trình lên tới 1,5 tỷ đồng. Trạm cũng đã có bác sĩ và đủ chủng loại cán bộ theo yêu cầu của chuẩn. Trong các chương trình y tế, chương trình tiêm chủng mở rộng, DS-KHHGĐ và phòng, chống dịch bệnh được coi là nổi bật hơn cả. Công tác vệ sinh môi trường so với trước đã có nhiều chuyển biến, đến nay 90% số hộ trong xã đã được sử dụng nước máy. Những hộ còn lại chủ yếu dùng nước mưa, hạn chế được những bệnh lây truyền qua đường nước như bệnh ngoài da, bệnh đường ruột, đau mắt hột...
Trạm y tế đạt chuẩn xã Kim Đông (Kim Sơn). Ảnh: Kim Duyên.
Đến với Gia Hưng - một xã miền núi của huyện Gia Viễn có địa hình phức tạp, đời sống nhân dân còn có nhiều khó khăn, song xã cũng đã huy động các nguồn lực để xây dựng chuẩn quốc gia về y tế. Hiện trạm đã được xây dựng kiên cố, khang trang, đủ các phòng chức năng như phòng đón tiếp bệnh nhân, phòng điều trị, phòng đẻ, phòng lưu bệnh nhân... Trang thiết bị cũng được bổ sung, gồm bộ khám ngũ quan, máy khí dung, bộ khám phụ khoa, bộ tiệt khuẩn, ghế khám răng... Đội ngũ cán bộ y tế được kiện toàn, gồm có 6 cán bộ làm việc tại trạm và 13 cán bộ y tế thôn bản. Mỗi tháng trạm tổ chức giao ban với y tế thôn 1 lần vào ngày 24, nắm bắt diễn biến sức khỏe, dịch bệnh trong nhân dân và triển khai nhiệm vụ tháng tiếp theo.
Nhiều chương trình y tế được Gia Hưng triển khai hiệu quả như: Chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản với 100% phụ nữ được khám thai 3 lần trước khi sinh, 100% phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván ...Từ khi xây dựng chuẩn y tế xã, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe được coi trọng hơn, hiện Gia Hưng đã có 70% gia đình xây dựng được công trình phụ hợp vệ sinh, hơn 50% gia đình biết cách xử lý phân gia súc đúng quy định, gần 80% hộ gia đình sử dụng nước sạch. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ luôn đạt 100%, các chiến dịch uống Vitamin A thu hút đông đủ các đối tượng trong độ tuổi.
Làm việc với đồng chí Trưởng phòng Kế hoạch (Sở Y tế), chúng tôi được biết: Phong trào xây dựng chuẩn quốc gia y tế xã trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh từ năm 2004. Đến nay, toàn tỉnh đã có 103 xã được công nhận chuẩn, đạt tỷ lệ 70,1%. Nếu tính 21 xã hiện đang tiến hành xây dựng chuẩn thì cuối năm 2008 số xã đạt chuẩn sẽ được nâng lên 84,3%. Một số địa phương có tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế cao là: Kim Sơn 88,9%, thành phố Ninh Bình 85,7%. Riêng thị xã Tam Điệp tiến độ triển khai chậm, mới đạt 33,3%. Như vậy, có thể thấy việc triển khai xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã đã đem đến nhiều lợi ích thiết thực. Màng lưới y tế cơ sở đã được cải thiện đáng kể. Cơ sở vật chất trạm y tế, trang thiết bị khám, điều trị được đầu tư, nâng cấp; đội ngũ cán bộ được kiện toàn, bổ sung theo hướng đủ về số lượng, chủng loại, đáp ứng tốt yêu cầu. Đa số những xã chuẩn đã có bác sĩ, có cán bộ lương y nhằm gây dựng phong trào trồng và chữa bệnh bằng thuốc nam ở cộng đồng. Đặc biệt, nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác chăm sóc sức khỏe được nâng lên một bước. Ngoài việc đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng trạm y tế, nhiều địa phương còn có chính sách hỗ trợ cho cán bộ y tế thôn bản, trả lương cho cán bộ lương y, hỗ trợ cho các chiến dịch tiêm chủng mở rộng, uống Vitamin A, chiến dịch truyền thông DS-KHHGĐ...
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế vào năm 2010, thời gian tới rất cần có sự quan tâm, nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận trong nhân dân, bởi theo kinh nghiệm, những xã còn lại thường là những xã có nhiều khó khăn về kinh tế, do đó việc huy động nguồn lực còn có những bất cập. Nhưng thực tiễn cũng đã chứng minh, dù khó khăn đến mấy nếu có quyết tâm chắc chắn ta sẽ đi tới đích.
Hà Trang