Là một xã miền núi nằm ở phía Nam huyện Hoa Lư, Ninh Thắng với diện tích tự nhiên trên 400 ha, dân số trên 1.200 hộ với hơn 4 nghìn người. Xã có 4 thôn, chia làm 9 khu dân cư với trên 300 đảng viên sinh hoạt ở 15 chi bộ.
Để thực hiện hiệu quả phong trào, Ủy ban MTTQ xã đã xây dựng kế hoạch và thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và tổ chức các hội nghị triển khai đến cán bộ, nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc vận động để mọi người dân thực hiện. Ban chỉ đạo xã đã tổ chức 14 hội nghị cán bộ với hơn 200 lượt người dự họp và tổ chức họp nhân dân ở 9 khu dân cư để quán triệt, thu hút hơn 1 nghìn lượt người tham gia. Đồng thời, qua các phương tiện thông tin như băng rôn, khẩu hiệu, đài truyền thanh xã... tích cực tuyên truyền, in ấn tài liệu về cuộc vận động, bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, rộng rãi ở mọi lúc, mọi nơi, từ hội nghị cấp xã đến hội nghị các khu dân cư để mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân chung tay, tích cực vào cuộc.
Trong thực hiện đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, Ban chỉ đạo xã chỉ đạo các Ban vận động khu dân cư tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các Nghị quyết của BCH Đảng bộ, kế hoạch sản xuất của UBND xã, HTX nông nghiệp về sản xuất nông nghiệp, tập trung tuyên truyền chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống lúa, thâm canh, cải tạo đất làm tăng hệ số quay vòng đất; xây dựng mô hình điểm phát triển kinh tế trang trại, đa dạng con nuôi, cây trồng, thí điểm trồng những giống lúa mới cho hiệu quả kinh tế cao. Tổ chức các lớp học nghề, khuyến khích mở rộng phát triển dịch vụ, buôn bán. Đồng thời tập trung tuyên truyền phát triển các nghề sẵn có của địa phương như nghề mộc, nề, thêu ren, cơ khí… Kết quả, những năm 1998-2000, tốc độ phát triển kinh tế của xã là 5-5,8%, thu nhập bình quân đầu người từ 3,5-4,2 triệu đồng/người/năm. Đến nay, tốc độ phát triển kinh tế là 15%, thu nhập bình quân đầu người đạt 17 triệu đồng/người/năm, giá trị trên ha canh tác đạt 85 triệu đồng; số hộ nghèo hàng năm giảm từ 2-3% (năm 1998, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 25%, đến nay còn 6,9% theo tiêu chí mới)…
Truyền thống tương thân, tương ái, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa được cán bộ, nhân dân Ninh Thắng tự nguyện thực hiện. 15 năm (1998-2013), toàn xã đã quyên góp được tổng số tiền trên 100 triệu đồng cho các quỹ đền ơn, đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, quỹ bảo trợ trẻ em và các quỹ từ thiện nhân đạo khác.
Xã cũng thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm việc thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hội viên các tổ chức hội, đoàn thể gặp khó khăn đột xuất, người già, trẻ em cô đơn, tàn tật với trên 300 hộ nhân các dịp kỷ niệm, ngày Lễ, Tết. Đồng thời, tổ chức vận động, quyên góp tiền, ngày công kết hợp với sự ủng hộ của Nhà nước và đóng góp của nhân dân xây dựng, sửa chữa 34 ngôi nhà đại đoàn kết, nhà tranh vách đất, nhà dột nát cho hộ nghèo, người khó khăn về nhà ở, với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng.
Hàng năm, xã cũng tổ chức tốt ngày hội đại đoàn kết ở các khu dân cư nhằm biểu dương người tốt, việc tốt, biểu dương các hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, các hộ thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… tất cả các hoạt động trên đều được nhân dân phấn khởi thực hiện.
Để xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn thuần phong mỹ tục, các cấp ủy Đảng, chính quyền xã Ninh Thắng đã quan tâm xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động văn hóa, TDTT, vui chơi giải trí của nhân dân, bằng việc xây dựng các nhà văn hóa, sân vận động trung tâm, tu sửa các khu di tích lịch sử…
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được nhân dân đồng tình, ủng hộ, qua đó các lễ hội trên địa bàn xã được tổ chức trang trọng, phù hợp với thuần phong mỹ tục; các quy ước, hương ước thôn từng bước được bổ sung, hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội; các hủ tục lạc hậu đều được xóa bỏ, lệ làm cỗ ba ngày linh đình ở đám tang, hút thuốc lá ở đám cưới giảm đáng kể. Nhân dân được đảm bảo các quyền tự do tín ngưỡng, được chăm lo đời sống tinh thần, nhiều CLB văn nghệ được thành lập, như CLB văn nghệ của Hội CCB, Phụ nữ, Người cao tuổi...
Hàng năm, nhân ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam 18-11, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, xã tổ chức cho các khu dân cư đăng ký, bình xét khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa. Năm 1998-2002, toàn xã mới có 65-70% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, có 1 làng văn hóa; đến nay, toàn xã có 86% số hộ đạt gia đình văn hóa, 4 làng, 9 khu dân cư, 3 trường học đạt văn hóa, 2 khu di tích lịch sử được công nhận khu di tích lịch sử cấp tỉnh (khu di tích Đình Sen và khu di tích đền, chùa Khả Lương). Xã có 1 nhà văn hóa, 2 thôn đang xây mới nhà văn hóa, 1 trường học đang xây dựng thành trường trọng điểm chất lượng cao.
Hiện, 100% số hộ được dùng nước sạch, trong đó trên 93% số hộ dùng nước máy; trên 95% số hộ có đủ 3 công trình hợp vệ sinh, tăng 45% so với năm 1998; trên 90% số hộ có nhà mái bằng kiên cố; trên 90% đường làng, ngõ xóm được đổ bê tông. Xã cũng thực hiện hiệu quả đề án thu gom rác thải vận chuyển vào bãi rác của tỉnh để xử lý, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn…
Hàng năm, 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, Trung tâm giáo dục cộng đồng được duy trì và phát huy, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt…
Mỹ Hạnh