P.V: Xin ông đánh giá những nét khái quát về phong trào sinh vật cảnh tỉnh hiện nay?
Ông Nguyễn Trung Lạc: Thành lập từ năm 1992 đến nay, trải qua 23 năm hoạt động, Hội Sinh vật cảnh tỉnh đã xây dựng được cơ sở Hội ở 8 huyện, thành phố, thị xã, 142/145 xã, phường, thị trấn, 1 trung tâm Bảo tồn phát triển sinh vật cảnh, 4 câu lạc bộ trực thuộc với tổng số 6.871 hội viên.
Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên và nhân dân về vai trò, vị trí của sinh vật cảnh trong đời sống xã hội; gắn phong trào sinh vật cảnh với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", để đưa phong trào sinh vật cảnh phát triển bền vững, hiệu quả giúp hội viên vươn lên làm giàu chính đáng. Toàn tỉnh hiện có 653.803 cây và chậu cây, có 382 ha đất dành cho sinh vật cảnh, tổng giá trị cây cảnh toàn tỉnh ước đạt 1.237 tỷ đồng. Trong đó, có 1.410 hộ trồng hoa phong lan, đạt trị giá khoảng 9 tỷ đồng, 2.105 hộ làm đá cảnh, gỗ lũa, non bộ giá trị 31 tỷ đồng, 2.010 hộ chơi chim, thú, cá cảnh, 360 hộ làm dịch vụ kinh doanh sinh vật cảnh…
Doanh thu từ hoạt động sinh vật cảnh hàng năm ước đạt trên 50 tỷ đồng. Nhiều gia đình tiếp tục đầu tư từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng nâng cao chất lượng, số lượng cây cảnh, vườn cảnh, đa dạng hóa dịch vụ ngành nghề phục vụ sinh vật cảnh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế sinh vật cảnh, đưa sinh vật cảnh thực sự trở thành hàng hóa, góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Từ phong trào sinh vật cảnh, hoạt động kinh doanh sinh vật cảnh còn góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm và thu nhập cho hàng vạn lao động. Bên cạnh đó, các cấp Hội Sinh vật cảnh trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, địa phương đưa cây bóng mát, cây ăn quả, cây cảnh vào trồng ở các cơ quan, trường học, bệnh viện, góp phần tôn tạo cảnh quan môi trường. Nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tận dụng hàng trăm ha sân công sở, trường học, nghĩa trang liệt sỹ, đền, chùa để trồng cây cảnh, cây xanh. Nhiều gia đình hội viên đã tận dụng bờ ao, sân nhà, ban công… để mở rộng diện tích cây cảnh.
P.V: Để phong trào sinh vật cảnh phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh, Hội Sinh vật cảnh tỉnh đã có những hoạt động gì để hỗ trợ hội viên?
Ông Nguyễn Trung Lạc: Bám sát yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, ngành sinh vật cảnh tỉnh cũng có bước phát triển mạnh theo tinh thần của Thông tri 16 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về "Phát triển sinh vật cảnh thành ngành kinh tế sinh thái". Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực sinh vật cảnh. Các địa phương đã chỉ đạo Hội Nông dân tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân cải tạo vườn tạp thành vườn trồng hoa, cây cảnh, đầu tư kinh phí đào tạo nghề sinh vật cảnh, dành diện tích để xây dựng trung tâm bảo tồn phát triển sinh vật cảnh ở một số xã, phường, huyện… Do đó, phong trào sinh vật cảnh trên địa bàn tỉnh có điều kiện thuận lợi để phát triển và mở rộng.
Đặc thù của sinh vật cảnh mang đậm tính thẩm mỹ cao, các tác phẩm sinh vật cảnh có giá trị, được đánh giá cao phải đạt đến 3 yếu tố "cổ- kỳ- mĩ". Do đó, để có tác phẩm sinh vật cảnh có giá trị, người chơi sinh vật cảnh phải dành nhiều thời gian để tìm tòi, sưu tầm, sáng tạo nên các tác phẩm. Bản thân những hội viên, nhất là các nghệ nhân sinh vật cảnh phải gắn bó, miệt mài với các tác phẩm của mình, đảm nhiệm tất cả các công đoạn từ sưu tầm, tỉa dáng, gọt đẽo, chăm sóc…
Cùng với nỗ lực và sự sáng tạo không ngừng của các hội viên, nghệ nhân sinh vật cảnh, Hội Sinh vật cảnh tỉnh còn đặc biệt quan tâm tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh. Chỉ đạo các cơ sở Hội phối hợp với các trung tâm dạy nghề, các ngành liên quan đưa hoạt động chuyển giao kỹ thuật về cây cảnh vào chương trình đào tạo nghề nhằm góp phần nâng cao kiến thức, kinh nghiệm cho những người yêu thích sinh vật cảnh. Trong nhiệm kỳ qua Hội đã tổ chức được 92 lớp bồi dưỡng kỹ thuật cây cảnh cho hàng trăm lượt hội viên. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu cho UBND tỉnh đưa chương trình đào tạo nghề sinh vật cảnh vào chương trình đào tạo nghề của tỉnh.
Bên cạnh đó, từ năm 2012, Hội Sinh vật cảnh tỉnh đã triển khai thực hiện đề tài "Điều tra đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp xây dựng ngành sinh vật cảnh thành ngành kinh tế sinh thái", được UBND tỉnh và Sở Khoa học Công nghệ đánh giá, nghiệm thu là đề tài xuất sắc, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn của tỉnh. Từ sự hỗ trợ của tổ chức Hội, nhiều hội viên sinh vật cảnh đã có thêm kiến thức, kinh nghiệm để triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động sinh vật cảnh, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và nâng cao đời sống.
P.V: Hoạt động sinh vật cảnh Ninh Bình hiện nay có vị trí như thế nào trong phong trào sinh vật cảnh toàn quốc?
Ông Nguyễn Trung Lạc: Những năm qua, hoạt động sinh vật cảnh của tỉnh đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương để tổ chức thành công các triển lãm, trưng bày, quy tụ các tác phẩm sinh vật cảnh đẹp, có giá trị đưa ra giới thiệu với người dân và du khách. Với nguồn sinh vật cảnh đa dạng, phong phú, các cấp Hội Sinh vật cảnh đã lựa chọn được hàng nghìn tác phẩm tiêu biểu để tham gia trưng bày tại các lễ kỷ niệm, các sự kiện chính trị của địa phương, tham gia trưng bày triển lãm trong và ngoài tỉnh, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Có thể nhắc đến các triển lãm tiêu biểu: Năm 2010 Hội Sinh vật cảnh tỉnh đã phối hợp với UBND thành phố Ninh Bình tổ chức Festival sinh vật cảnh tỉnh lần thứ nhất chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội; Năm 2012 tổ chức Festival sinh vật cảnh tỉnh lần thứ 2 chào mừng 20 năm tái lập tỉnh; Năm 2014 triển lãm sinh vật cảnh chào mừng 60 năm giải phóng thành phố Ninh Bình. Trong 3 lượt triển lãm, đã thu hút 52 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia, mang về trên 10.000 sản phẩm sinh vật cảnh tiêu biểu như cây cảnh nghệ thuật, gỗ lũa, đá cảnh, đá bán quý…
Cùng với các hoạt động tham gia trưng bày triển lãm, các cấp Hội còn tổ chức cho hơn 7.000 lượt hội viên đi tham quan, triển lãm tại nhiều sự kiện văn hóa- xã hội tại các tỉnh, thành trên toàn quốc. Đã có nhiều tác phẩm sinh vật cảnh đạt huy chương tại các cuộc trưng bày, triển lãm. Nhiều nghệ nhân sinh vật cảnh Ninh Bình được đánh giá cao ở sự say mê, sáng tạo và tâm huyết với phong trào sinh vật cảnh, gìn giữ được những tác phẩm sinh vật cảnh có giá trị cả về thẩm mỹ và kinh tế. Đến nay, Hội Sinh vật cảnh tỉnh đã có 157 nghệ nhân sinh vật cảnh cấp tỉnh, 4 nghệ nhân cấp quốc gia.
Nhiều năm qua, Ninh Bình được Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam và các tỉnh, thành phố bạn đánh giá là tỉnh có phong trào sinh vật cảnh phát triển mạnh. Trong đó, sản phẩm sinh vật cảnh nổi bật, được nhiều người biết đến là loại hình cây bám đá. Ngày 5-5-2015, Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã ký quyết định tặng cờ thi đua xuất sắc cho Hội Sinh vật cảnh Ninh Bình vì đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển sinh vật cảnh Việt Nam giai đoạn 2010- 2015.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Phan Hiếu (Thực hiện)