Phóng viên (P.V): Xin ông cho biết vai trò của Hội Khuyến học đối với chủ trương xây dựng xã hội học tập của Đảng, Nhà nước?
Ông Hoàng Xuân Khuyên: Hội Khuyến học Việt Nam được thành lập ngày 2-10-1996 với mục đích ban đầu là khuyến khích và hỗ trợ phát triển giáo dục. Chỉ trong thời gian 5 năm, tổ chức Hội đã phát triển ở hầu hết tỉnh, thành trong cả nước. Tiếp đó, Hội đã đi sâu, mở rộng hoạt động đến những vấn đề trọng tâm về giáo dục trong tình hình mới như: Chuyển từ một nền giáo dục "truyền thống" (lứa tuổi học đường) sang "nền giáo dục mở" (học tập cho mọi người). Đề xuất của Hội đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, X đưa vào thành nội dung đổi mới về giáo dục - đào tạo "Xây dựng cả nước thành một xã hội học tập".
Với những đóng góp của mình, Hội đã được Đảng, Nhà nước tin cậy và tại Đại hội lần thứ III, Hội Khuyến học Việt Nam (năm 2005), Trung ương Đảng đã tặng cho Hội Khuyến học bức trướng với nội dung: "Hội Khuyến học Việt Nam khuyến học - khuyến tài, xây dựng cả nước thành xã hội học tập". Đồng thời giao cho Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì nghiên cứu đề tài khoa học xây dựng mô hình "Xã hội học tập ở Việt Nam".
P.V: Ở Ninh Bình, Hội Khuyến học và công tác khuyến học, khuyến tài đã đạt được như thế nào?
Ông Hoàng Xuân Khuyên: Ở Ninh Bình, Hội Khuyến học được thành lập đồng thời cả 3 cấp: tỉnh, huyện, thị, xã, phường từ năm 1999. Qua 10 năm hoạt động, Hội đã có bước phát triển mạnh mẽ, đều khắp và sâu rộng. Đến nay toàn tỉnh đã có 161.940 hội viên khuyến học, bằng 17% dân số, với 1.407 chi hội và 1.331 ban khuyến học dòng họ. Quỹ khuyến học đạt 34,5 tỷ đồng, bằng 7,66% quỹ khuyến học của cả nước (34,5 tỷ đồng/450 tỷ đồng). Đã khen thưởng cho 506.335 lượt học sinh, cấp học bổng cho 17.526 lượt học sinh, sinh viên và hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất trường học 5 tỷ 512 triệu đồng.
Phong trào xây dựng gia đình hiếu học (GĐHH) trở thành hoạt động có ý nghĩa lớn, cốt lõi của phong trào xã hội học tập. Đến nay, toàn tỉnh có 225.000 hộ đăng ký xây dựng GĐHH, trong đó có 50% gia đình đạt danh hiệu GĐHH theo chuẩn của Hội Khuyến học Việt Nam. 100% xã, phường có Trung tâm học tập cộng đồng và đi vào hoạt động có hiệu quả. Hàng năm Hội đã có nhiều phong trào thiết thực gắn với "Mùa xuân khuyến học", "Tháng 8 khuyến học". Vừa qua, Hội Khuyến học Việt Nam phát động phong trào "Tháng 9 khuyến học" rất phù hợp với phong trào "Tháng 8 khuyến học" của Ninh Bình.
Tại Đại hội Hội Khuyến học các xã, phường và các huyện, thành, thị trong tỉnh tổ chức thời gian qua đều khẳng định: Do có phong trào khuyến học mạnh mẽ nên số học sinh khá, giỏi, học sinh vào lớp 10, đặc biệt là học sinh ở nông thôn thi đỗ vào các trường đại học năm sau cao hơn năm trước. Xứ đạo Đồng Chưa (Gia Viễn) trước năm 2000 không có học sinh đỗ đại học, từ sau năm 2000 đến nay có 40 em thi đỗ. Nhiều điển hình làm tốt công tác khuyến học các huyện: Hội Khuyến học Kim Sơn, Hoa Lư, Nho Quan, Yên Mô, thị xã Tam Điệp...
P.V: "Tháng 9 khuyến học" đang diễn ra sôi nổi trên cả nước, Ở Ninh Bình, Hội đã có những hoạt động gì, thưa ông?
Ông Hoàng Xuân Khuyên: Hưởng ứng phong trào "Tháng 9 khuyến học" do Hội Khuyến học Việt Nam phát động, Hội Khuyến học tỉnh đã rà soát, bổ sung những nội dung cho phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương, đồng thời chỉ đạo Hội Khuyến học các cấp phát động phong trào gắn với nội dung Đại hội lần thứ III Hội Khuyến học cấp huyện, thành, thị.
Phối hợp với các ngành, đoàn thể, trong đó có ngành Giáo dục - Đào tạo tổ chức tuyên truyền trong các trường học về những nội dung hoạt động của Hội sát với công tác khuyến học - khuyến tài. Vừa qua, phong trào lợn nhựa tiết kiệm xây dựng quỹ khuyến học của Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh huyện Yên Khánh đã đem lại hiệu quả thiết thực. Chỉ trong thời gian ngắn (3 tháng), toàn huyện đã thu được 3 tỷ 800 nghìn đồng.
P.V: Vậy những nhiệm vụ Hội Khuyến học tỉnh đang tập trung chỉ đạo là gì?
Ông Hoàng Xuân Khuyên: Hội Khuyến học tỉnh vừa tập trung chỉ đạo, hướng dẫn hoàn thành Đại hội lần thứ III Hội Khuyến học các huyện, thành, thị và chuẩn bị cho việc mở Đại hội Hội Khuyến học tỉnh vào quý IV/2009. Hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học xây dựng mô hình "Xã hội học tập ở Ninh Bình".
Thời gian tới Hội sẽ làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy đưa phong trào khuyến học tiến lên một bước mới, liên kết các ngành, đoàn thể… góp phần tích cực xây dựng xã hội học tập. Cụ thể hóa nội dung đề tài xây dựng mô hình xã hội học tập ở Ninh Bình, đưa vào nội dung chính của phong trào trong những năm tới.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Trần Huệ (Thực hiện)