Chúng tôi ghé vào thăm nhà văn hóa xóm 1 gặp đúng dịp các cụ trong Chi hội người cao tuổi xóm đang tiến hành sinh hoạt và tổ chức đọc báo. Trên mặt bàn bày khá nhiều loại báo khác nhau: Báo Nhân dân, Báo Ninh Bình, Báo Người cao tuổi, Sức khỏe và đời sống, Nông thôn ngày nay, Pháp luật… Buổi đọc báo của Chi hội xóm 1 diễn ra trong không khí vui vẻ. Nhiều thông tin trong các tờ báo được các cụ sau khi đọc xong, đưa ra thảo luận, bàn bạc rất sôi nổi. Buổi đọc báo không chỉ có các cụ ông, mà nhiều cụ bà cũng tham gia. Các cụ coi đây là dịp để cập nhật thông tin, đồng thời giao lưu, nghỉ ngơi, thư giãn và trò chuyện với bè bạn.
Được Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã giới thiệu, chúng tôi đến làm quen với bác Lê Đắc Liễu, hội viên chi hội. Thật bất ngờ, bác Liễu chính là một cộng tác viên quen thuộc của Báo Ninh Bình. Tâm sự với chúng tôi, bác Liễu cho biết: Chính từ thói quen đọc báo hàng ngày mà tôi đã nghiên cứu, tìm tòi và chắt lọc cho mình những cách viết, cách thể hiện một bài báo. Có bài viết tâm đắc, tôi gửi về tòa soạn và chờ hồi âm. Vui nhất là khi có bài được đăng báo, tôi đem bài báo đó đến nhà văn hóa đọc và giới thiệu cho các hội viên trong Chi hội nghe và bình luận. Đọc báo hàng ngày còn giúp tôi nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nên sẵn sàng tuyên truyền cho những ai chưa được biết…
Chi hội người cao tuổi xóm 1, số lượng hội viên tham gia sinh hoạt khá đông với 106 hội viên, trong đó có những hội viên rất cao tuổi (102, 105 tuổi)… nhưng vẫn nhiệt tình tham gia sinh hoạt và tham dự đầy đủ các buổi đọc báo. Nguồn báo được "tận dụng" tối đa từ các "kênh": sưu tầm từ con, cháu, của một số hội viên có điều kiện… Nhưng chủ yếu các loại báo được các chi hội góp tiền mua cộng với sự tài trợ của xã. Có chi hội lưu giữ báo tại tủ đặt ở nhà văn hóa. Có chi hội thì do đồng chí chi hội trưởng giữ. Chính vì vậy khi cùng các cụ xem báo, chúng tôi nhận thấy, nhiều tờ báo dù thời gian ra báo đã lâu, nhưng được các cụ lưu giữ cẩn thận, trông vẫn rất mới.
Từ những thông tin trên các báo đã giúp cho nhiều hội viên trong chi hội nghiên cứu, lựa chọn những nội dung phù hợp để làm theo như: phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, dạy bảo con cháu và "sống vui, sống khỏe, sống có ích". Tiêu biểu như cụ Lê Văn Bình, từ những thông tin và kinh nghiệm phát triển kinh tế đăng trên các báo, cụ Bình đã cùng gia đình mở rộng diện tích trang trại, đấu thầu thêm diện tích mặt nước để thả cá, chăn nuôi gà, vịt, bò. Từ trang trại rộng 2 ha, gia đình cụ Bình có thu nhập từ 50-60 triệu đồng/năm. Những năm qua, cụ Bình là một hội viên cao tuổi tiêu biểu của xã Gia Sinh trong lĩnh vực phát triển kinh tế.
Trao đổi với bác Lương Văn Năm, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, chúng tôi được biết: Phong trào đọc và làm theo báo của Hội Người cao tuổi xã bắt đầu từ năm 1996, với thành viên tham gia ban đầu chỉ khoảng vài chục người. Sức hút từ việc đọc báo lan tỏa ngày càng rộng ra 11/11 chi hội khi nhiều người nhận ra hiệu quả, tác dụng của việc duy trì thói quen đọc báo hàng ngày. Việc đọc báo đối với người cao tuổi không chỉ giúp đem lại niềm vui, sự thư giãn, mà thông qua việc đọc báo còn giúp các cụ sống vui, khỏe, có ích. Bên cạnh đó, thuận lợi cho phong trào đọc báo của Hội Người cao tuổi Gia Sinh là cả 11/11 chi hội đều có địa điểm để sinh hoạt và tổ chức đọc báo là nhà văn hóa xóm. Các nhà văn hóa xóm được xây dựng khang trang, sạch đẹp từ mấy năm nay đã trở thành "điểm đến" tin cậy của nhiều người dân trong xã. Họ đến để vui chơi, luyện tập TDTT, tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ… Từ phong trào đọc báo của người cao tuổi mà đến nay đã có 6/11 câu lạc bộ ở các xóm được thành lập như CLB "Giáo dục cộng đồng"…
Đồng chí Nguyễn Hữu Khu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Gia Sinh phấn khởi chia sẻ: Hiệu quả từ phong trào đọc báo của Hội Người cao tuổi Gia Sinh không chỉ được người dân địa phương yêu thích và làm theo, mà đối với cấp ủy, chính quyền xã, phong trào đọc báo và những "hạt nhân" của phong trào như bác Nguyễn Quang Tuần, Lương Văn Năm, Lê Đắc Liễu… chính là những tuyên truyền viên tích cực góp phần không nhỏ vào việc truyền đạt, phổ biến các chủ trương, chính sách của địa phương đến người dân. Đồng thời, thông qua phong trào đọc báo, nhiều hội viên cao tuổi đã tích cực làm theo báo, làm theo "tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với những việc làm thiết thực: xây dựng quỹ khuyến học, dạy bảo con cháu chăm ngoan, học giỏi, lao động tốt, phát triển kinh tế gia đình… Hội viên Hội người cao tuổi thực sự là tấm gương để lớp con cháu noi theo. Đây cũng là tổ chức Hội hàng năm đều được xếp loại xuất sắc.
Bài, ảnh: Bùi Diệu