Tai nạn thương tích rình rập trẻ em Hàng chục ngày nay, nhìn con trai mới gần 2 tuổi đau đớn vì bỏng nước chè đỗ đen, chị Trần Thị Huyền, xã Gia Lạc (Gia Viễn) như bị xát muối vào lòng. Nước mắt lưng tròng nhìn con trai đau đớn do bỏng cả một bên người, nửa gương mặt thơ ngây đen tím vì lớp bỏng mới bóc da non, đang ngủ thiêm thiếp nhưng thỉnh thoảng lại hét lên sợ hãi, chị Huyền chỉ biết ôm thật chặt con vào lòng và tự trách mình thật nhiều… Chị Huyền ngậm ngùi cho biết, đúng là chỉ một phút lơ là của mẹ mà con gặp tai nạn. Bát chè nóng được múc ra để trên mặt bàn cho nguội, chị chỉ vừa quay đi lấy dụng cụ đậy lại đã nghe tiếng thét đau đớn của con. Giây phút nhìn con giẫy giụa trong lớp áo dính chặt cùng những mảng da bị bong tróc khiến chị luôn bị ám ảnh và không thể tha thứ cho bản thân mình. Và điều khiến chị Huyền lo lắng hơn cả là sau điều trị, gương mặt cháu sẽ mang theo sẹo, lớp da bụng bị co kéo, nhăn nhúm vừa đau đớn, vừa mất thẩm mỹ.
Cùng phòng điều trị tại khoa Ngoại, bệnh viện Sản Nhi với chị Huyền có 5 trường hợp bị bỏng khác đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh, với độ tuổi từ 2-5 tuổi, trong đó chủ yếu bỏng do nước sôi, điện giật… Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng khoa Ngoại nhi - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh cho biết: Trong dịp hè, trẻ em thường mắc tai nạn thương tích nhiều hơn, nguyên nhân là do các em được nghỉ học ở trường (tất cả các cấp học đều được nghỉ, chỉ một số ít trẻ em đi học hè bán trú), do đó rất dễ xảy ra các loại tai nạn thương tích. Khoa ngoại được giao công suất sử dụng giường bệnh là 45 giường, nhưng luôn phải kê thêm từ 2-2,5 lần do nhu cầu bệnh nhân tăng cao. Mỗi ngày, trung bình khoa tiếp nhận 20 ca nhập viện điều trị. Hiện khoa đang điều trị cho gần 90 bệnh nhân; trong đó chủ yếu trẻ mắc các tai nạn do nước sôi, tai nạn giao thông, mụn nhọt, chấn thương do chơi các trò chơi… Theo khuyến cáo của bác sĩ Hà, trẻ em thường hiếu động, nhất là trẻ nhỏ, do vậy người lớn cần thật sự quan tâm, để ý đến các em mọi lúc, mọi nơi, hạn chế thấp nhất tình trạng xảy ra tai nạn thương tích, nếu không sẽ để lại di chứng rất nặng nề cho tương lai các em.
Chỉ cần một sơ xuất nhỏ, sự bất cẩn của người lớn cũng có thể để lại hậu quả vô cùng đau đớn, những cái chết oan uổng cho các em. Còn nhớ cách đây 2 năm, vụ người bố ở phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) lùi xe tải cán chết con trai hơn 2 tuổi do không để ý khi cháu bé lẩn thẩn chơi sau xe ô tô dừng đỗ; vụ cháu gái 3 tuổi ngã vào bể nuôi cá không nhiều nước nhưng do ngã chúi đầu nên bị ngạt mà không được người lớn phát hiện sớm; nhiều trường hợp trẻ em tham gia giao thông cùng người lớn nhưng không được bảo vệ cẩn thận, không đội mũ, khi gặp va quệt hoặc trẻ hiếu động đã ngã xuống đường gặp nạn. Đặc biệt, tình trạng trẻ em đuối nước ở các địa phương đều tăng vào mỗi dịp hè về trở thành nỗi đau day dứt của nhiều gia đình và xã hội. Tất cả các vụ tai nạn thương tích khi đã xảy ra, còn lại chỉ là niềm tiếc thương, ân hận và câu nói cửa miệng của người lớn "giá mà, giá như, ước gì…", song tất cả đều đã quá muộn.
Theo thống kê của phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 245 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi. Mỗi năm trên địa bàn có hàng trăm trẻ em bị tai nạn thương tích, phổ biến như tai nạn đuối nước, điện giật, bỏng nước sôi, tai nạn giao thông… Riêng 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có hơn 400 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có trên 30 trường hợp tử vong. Trong số trẻ em tử vong có 17 trẻ do đuối nước, 7 trẻ do TNGT, còn lại là các tai nạn khác như bỏng, chó cắn, vật nổ, điện giật… Có thể thấy trẻ bị tử vong do đuối nước chiếm tỷ lệ nhiều hơn cả, nhất là vào mỗi dịp mùa hè khi học sinh nghỉ học, việc các em rủ nhau đi chơi rồi tắm sông, hồ rất dễ xảy ra những tai nạn đuối nước đau lòng, nạn nhân hầu hết là các em trai, trong độ tuổi dưới 15 tuổi. Các loại tai nạn thương tích hàng năm không giảm và thường có diễn biến bất thường, bởi trẻ em hay tụ tập chơi những trò chơi trước sân nhà, có khi là ven đường, ven ao, hồ, đập mà ít có sự trông coi, giám sát của người lớn. Đồng thời khi chơi, các em cũng vô tư đùa nghịch mà không lường được nhiều nguy cơ đang rình rập như: tai nạn xe cộ, đuối nước, các vật dụng có thể gây nên thương tích trên cơ thể…
Chung tay nhằm giảm tai nạn thương tích
Nhận thức được tầm quan trọng của việc quan tâm phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, trong những năm qua, tỉnh ta đã chỉ đạo các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể liên quan bằng nhiều hình thức tổ chức, mô hình, cách làm nhằm nâng cao trách nhiệm và đảm bảo sự an toàn cho trẻ. Theo đó, công tác giáo dục ATGT cho học sinh được ngành giáo dục và đào tạo quan tâm, sớm triển khai tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành Luật ATGT trong và ngoài giờ lên lớp cho học sinh. Việc triển khai lồng ghép các kiến thức ATGT vào trong các tiết ngoại khóa của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đều được lựa chọn phù hợp với từng độ tuổi, cấp học, từng vùng, từng địa phương. Cùng với đó, nhiều mô hình phòng chống TNTT cho trẻ em đã được triển khai rộng rãi trên địa bàn. Trong dịp hè, ngoài các lớp dạy bơi có thu phí được nhiều địa phương áp dụng, tạo môi trường tham gia sinh hoạt hè và bổ trợ kỹ năng bơi cho trẻ; tại các khu vực bãi tắm tự phát, sông, ao, hồ... cũng được quan tâm lắp biển cảnh báo đề phòng đuối nước. Đồng thời, công tác xã hội hóa phòng, chống đuối nước cho trẻ em cũng nhận được sự tham gia tích cực của các đơn vị, tổ chức, qua đó hàng nghìn áo phao cứu sinh đã được trao tặng cho học sinh tại các trường học trên toàn tỉnh... Thêm vào đó, các địa phương cũng đã và đang đẩy mạnh việc đào tạo kỹ năng sống, xây dựng các mô hình "Ngôi nhà an toàn"; "Cộng đồng an toàn"; "Trường học an toàn" cho trẻ em...
Huyện ven biển Kim Sơn là nơi có hệ thống sông ngòi, kênh mương đa dạng, dễ xảy ra nguy cơ đuối nước đối với trẻ em. Năm 2015, trên địa bàn huyện xảy ra 7 vụ tai nạn đuối nước; 6 tháng đầu năm 2016 cũng đã xảy ra 4 vụ tai nạn đuối nước thương tâm, đòi hỏi cả cộng đồng xã hội phải có trách nhiệm với việc phòng tránh tai nạn này. Trước thực tế đó, UBND huyện có công văn yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn tăng cường phòng chống đuối nước cho trẻ em. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong các nhà trường, gia đình và cộng đồng, góp phần nâng cao kiến thức, nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em. Đặc biệt dịp hè năm 2016, Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Kim Sơn đã lần đầu tiên đưa môn bơi vào dạy cho trẻ em. Theo đó đã có hàng trăm trẻ em được học các lớp bơi cơ bản, qua đó nắm bắt được một số kỹ thuật bơi, phương pháp bơi và cách xử lý tình huống nguy hiểm khi bơi, nhằm giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị tử vong và tàn tật do đuối nước gây ra.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020. Trong giai đoạn này, tỉnh Ninh Bình đặt ra các mục tiêu: Giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống còn 500/100.000 trẻ em; giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích xuống còn 15/100.000 trẻ em. Phấn đấu 70 nghìn ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn; 160 trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn; 5 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn; 90% trẻ em trong độ tuổi ở cấp học phổ thông biết các quy định về an toàn giao thông, phòng, chống đuối nước; 100% cán bộ cấp huyện và 80% cán bộ cấp xã, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em được tập huấn về kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; 100% nhân viên y tế thôn, bản, nhân viên y tế trường học biết các kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn, thương tích…
Để đạt được các mục tiêu kể trên, nhiều chương trình, hoạt động sẽ được tỉnh Ninh Bình triển khai đồng bộ như: Nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em bằng việc đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động với nhiều hình thức: Tổ chức các chiến dịch truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước, tai nạn giao thông; tổ chức hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở theo các chủ đề phù hợp với từng nhóm đối tượng; tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp tại gia đình, trường học và cộng đồng; sản xuất các sản phẩm truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Đồng thời xây dựng các ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn nhằm phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em; đặc biệt xây dựng thí điểm, đánh giá và nhân rộng các mô hình an toàn giao thông, mô hình phòng chống đuối nước trẻ em. Cùng với đó quan tâm quy hoạch xây dựng điểm vui chơi cho trẻ em để thu hút các em tham gia các hoạt động lành mạnh, an toàn... Tất cả nhằm mục tiêu từng bước hạn chế tình trạng trẻ em mắc và tử vong do tai nạn thương tích, đem lại hạnh phúc cho trẻ em, gia đình và xã hội.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh