Anh Phạm Văn Chính, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) cho biết, Tết năm nay anh phải nghiêm khắc và thận trọng trong việc uống rượu. Nhớ lại những ngày Tết năm ngoái, anh Chính vẫn thấy sợ hãi. Vì là người đi công tác xa, hàng năm dịp Tết mới được nghỉ dài ngày về gặp mặt anh em, họ hàng. Những ngày Tết, anh được mời ăn cơm ở hết nhà này đến nhà nọ và khoản rượu thì không thể thiếu. Đến ngày thứ 3 - ngày mùng 4 Tết, sau khi ăn và uống rượu tại nhà người anh em họ, anh Chính thấy chóng mặt, buồn nôn và xỉu đi không biết gì hết. Vào viện cấp cứu, anh được truyền nước thải độc, điều trị theo phác đồ của người ngộ độc rượu, cho đến cả tuần sau anh cũng không thể khỏe lại. Bác sỹ cho biết, do anh uống rượu liên tục mấy ngày sức khỏe đã giảm sút, cho đến hôm cuối cùng, do không ăn bụng đói, lại uống rượu chứa nhiều ethanol và methanol được ngâm với các loại thảo mộc nên xảy ra ngộ độc.
Theo nhiều người, những ngày cuối năm và dịp Tết, tại các quán ăn, nhà hàng..., rượu thường được sử dụng "vô tội vạ". Lúc này, khách hàng chỉ biết tin vào lời nói của chủ quán là rượu chuẩn, rượu ngon..., còn thực hư như thế nào thì không được kiểm chứng. Đặc biệt khi đã vào cuộc, mọi người thường uống nhiều và có khi uống lẫn lộn các loại rượu với đủ thứ được ngâm với quảng cáo tốt cho sức khỏe (từ ngâm các loại hoa, quả, cây cỏ, cho đến ngâm các loại động vật, có khi cả tiết động vật...). Đấy là chưa kể có nhiều người dù biết mình đang bị mắc bệnh mãn tính, dạ dày, đường ruột... phải thực hiện kiêng rượu, bia, nhưng rồi do nể nang, bị kích động khi được mời đã "tặc lưỡi" uống vào, từ đó rất dễ xảy ra ngộ độc rượu.
Theo số liệu thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), riêng năm 2018, cả nước ghi nhận số lượng người bị ngộ độc rượu tăng đột biến, đặc biệt là rượu có pha methanol, với trên 100 vụ ngộ độc liên quan đến rượu, khiến hơn 2.700 người phải nhập viện, trong đó có 15 ca tử vong. Tại Ninh Bình, vào dịp Tết hàng năm đều xảy ra rải rác các vụ ngộ độc rượu phải cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Tuy chưa có trường hợp nào tử vong, đột tử do rượu, nhưng nguyên nhân do uống nhiều rượu ảnh hưởng đến sức khỏe phải nghỉ ngơi, điều trị; say rượu gây tai nạn giao thông, bị loạn thần do rượu... thì có rất nhiều, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe bản thân, các mối quan hệ trong gia đình và hệ lụy cho xã hội.
Bác sĩ Nguyễn Đức Toàn, Phó khoa Hồi sức tích cực và Phòng chống độc - Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho rằng, thực tế, khi uống một chút rượu, bia sẽ khiến tinh thần phấn chấn, đầu óc tỉnh táo hơn. Tuy nhiên, nếu uống rượu, bia quá nhiều và không đúng cách sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe như không làm chủ được bản thân, gây nguy hiểm khi tham gia giao thông và đặc biệt gây hại cho những người bị xơ gan, gout, tim mạch... Tại Khoa Hồi sức tích cực và Phòng chống độc, thời điểm những ngày trước và sau Tết, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu, bia thường tăng cao gấp hơn 2 lần so với bình thường, với chủ yếu là các bệnh xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy…
Cũng theo bác sỹ Toàn, nếu lạm dụng rượu, bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Mặt khác, nhiều người cho rằng, uống rượu "xịn", bia "chuẩn" thì không hại gan, nhưng thực chất đây là quan niệm sai lầm. Dù bia, rượu loại gì thì vẫn trở thành gánh nặng cho gan, là chất gây hơn 200 loại bệnh khác nhau cho cơ thể. Việc lạm dụng rượu, bia vượt quá mức chấp nhận của cơ thể không chỉ để lại hậu quả nặng nề là ngộ độc hay tử vong, mà rượu còn là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông, đánh nhau, giết người, hiếp dâm… Ngoài ra, việc lạm dụng rượu bia lâu ngày còn gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể.
Để phòng ngừa ngộ độc rượu, bia trong dịp Tết, các bác sỹ khuyến cáo người dân nên chọn loại rượu có thương hiệu, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo về ATTP. Trong khi uống, nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống... Khi thấy nạn nhân có biểu hiện ngộ độc rượu, người nhà cần kê gối thấp, cho bệnh nhân nằm nghiêng để có thể nôn hết rượu ra mà không bị sặc vào đường thở. Đồng thời cho ăn cháo loãng, uống các loại nước hoa quả, nằm nghỉ, tránh trường hợp để đói sẽ bị hạ đường huyết nguy hiểm. Nếu bệnh nhân ngủ lâu không tỉnh hoặc không ăn uống được gì, nôn nhiều thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Bài, ảnh: Hạnh Chi