Nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa, lại có chiều dài gần 2.000 km bờ biển..nên Nước ta hàng năm thường xuyên chịu tác động của thiên tai; trong đó: Bão và áp thấp nhiệt đới là hiện tượng thiên tai nguy hiểm kèm theo đó là gió mạnh, lốc xoáy, mưa lớn, sóng cao, nước biển dâng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất...gây ra những thiệt hại to lớn về người, tài sản trên phạm vi rộng, ảnh hưởng đến mọi hoạt động kinh tế xã hội và cuộc sống của cư dân.
Theo thống kê, trong thời gian 10 năm (1977-2006), thiên tai đã làm chết và mất tích gần 7.500 người, thiệt hại ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP của toàn Quốc.
Năm 2014, tình hình thời tiết khí hậu và thiên tai có những diễn biến bất thường: áp thấp nhiệt đới, mưa lũ ở mức thấp hơn TBNN (5 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển đông và có 3 cơn bão ảnh hưởng đến nước ta); không xảy ra lũ lớn trên các sông chính, nhưng đã xảy ra: 30 trận lũ quét và sạt lở đất; 170 trận giông lốc sét, mưa đá; 17 đợt nắng nóng; 25 đợt không khí lạnh và nhiều đợt triều cường lớn, dâng cao ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân vùng Nam Trung bộ và Tây nguyên.
Bước sang năm 2015, hiện tượng thiên tai cực đoan vẫn đang diễn biến phức tạp: Hạn hán vẫn xảy ra nghiêm trọng ở các tỉnh Nam Trung bộ và Tây nguyên; giông, lốc xoáy, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi và những đợt nóng, nắng gay gắt trong mùa hè...
Mới đây tại hội nghị triển khai công tác phòng chống thiên tai &TKCN năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và địa phương cần khẩn trương kiện toàn, củng cố cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai; tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống hạn, nhất là đối với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ, ngập mặn ven biển; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng tiết kiệm nước trong sản xuất và sinh hoạt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm chủ động ứng phó với tình hình khô hạn.
Phối hợp nhịp nhàng và hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng tìm kiếm cứu nạn để chủ động ứng phó khi có tình huống cấp bách xảy ra. Bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều ở các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra; nâng cao mức chống lũ của hệ thống đê các vùng duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; hoàn thành củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển trong cả nước để bảo vệ dân cư, phát triển kinh tế biển, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng ven biển.
Bảo đảm an toàn cho các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa nước lớn, các hồ chứa có khu dân cư đông đúc hoặc cơ sở chính trị, kinh tế, văn hóa, công trình quốc phòng, an ninh quan trọng ở hạ du. Hoàn thành việc xây dựng các khu neo đậu tầu, thuyền tránh trú bão theo quy hoạch đã được phê duyệt. Hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc nghề cá; 100% tầu, thuyền đánh bắt xa bờ có đủ thiết bị thông tin liên lạc; ký hiệp ước cứu hộ, cứu nạn trên biển với các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực.
Ở Tỉnh ta, trong nhiều năm gần đây, tuy không bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, lũ; nhựng là một tỉnh ven biển, nhiều sông ngòi, địa hình phức tạp... nên mỗi khi bước vào thời kỳ mưa bão thì công tác phòng chống được các cấp, các ngành đặt lên vị trí hàng đầu và là nhiệm vụ trọng tâm. Kết quả nghiên cứu, điều tra của Bộ TN&MT về phân vùng bão cho biết: Ninh Bình thuộc vùng I (từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa) là vùng có số cơn bão đổ bộ vào và ảnh hưởng nhiều nhất trong số 5 vùng của toàn Quốc với tần số trung bình từ 1-1,5 cơn /năm.
Đây cũng là vùng chịu ảnh hưởng sớm của bão so với các vùng khác và bão thường tập trung vào các tháng 7- 8- 9 giữa mùa hè. Lượng mưa đo được lớn nhất trong 24 giờ là 470 mm; sức gió đã ghi nhận tới cấp 15; nước dâng do bão đã xảy ra tới 3,5 m, trong tương lai có thể lên đến 4m, nếu gặp triều cường mực nước dâng có thể lên tới 5,7- 6 m. Để chủ động đối phó với thiên tai năm 2015, tỉnh đã xây dựng các phương án, trong đó phương án phòng chống siêu bão, động đất, sóng thần và chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống, ứng phó.
Ngay từ những tháng đầu năm Ban chỉ huy phòng chống thiên tai & TKCN từ tỉnh đến các huyện, thị xã, các ngành và các xã đã được củng cố, kiện toàn và có sự phân công cụ thể cho các thành viên, đồng thời chuẩn bị tốt công tác 4 tại chỗ.
Đến ngày 30-4-2015 hoàn thành việc tu bổ đê, kè, cống, các điểm xung yếu trên địa bàn tỉnh. Các huyện, thị xã đã tiến hành tập huấn kỹ thuật hộ đê phòng chống lụt bão cho cán bộ cơ sở, cán bộ kỹ thuật, lực lượng quản lý đê nhân dân và tổ chức các đoàn kiểm tra đê, kè, cống, các công trình PCLB trên địa bàn, xác định vị trí xung yếu, trọng điểm; hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng quân đội sẵn sàng ứng cứu và thực hiện công tác TKCN khi cần.
Đinh Chúc