Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Khánh cho biết: Vụ mùa 2020, huyện gieo cấy 7.720 ha lúa, trong đó có trên 3.100 ha lúa được cấy theo phương pháp truyền thống. Qua công tác điều tra, dự tính, dự báo của cơ quan chuyên môn cho thấy: Bướm sâu cuốn lá lứa 6 đã bắt đầu nở rộ và sâu non sẽ xuất hiện gây hại ở thời gian vào cuối tháng 8 với mật độ từ 20-30 con/m2, cá biệt có nơi 200 con/m2.
Mật độ sâu không cao và không đồng đều, nhưng nếu không phun trừ kịp thời dễ dẫn đến bị sơ trắng lá đòng, ảnh hưởng lớn đến năng suất. Cùng với sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, trên đồng ruộng đã xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng với mật độ trứng lứa 6 nơi cao 300-500 quả/m2, cá biệt có chỗ tới 1.000 quả/m2, gây hại rộng trên các trà lúa và có thể làm đỏ lúa hoặc cháy ổ với trà lúa ở giai đoạn chắc xanh đến chín; rầy lại còn là đối tượng truyền nhiễm bệnh lùn sọc đen.
Sâu đục thân lúa hai chấm lứa 5 đang nở rộ và sâu non sẽ xuất hiện gây hại cục bộ từ ngày 25/8 đến 15/9 trên các ruộng lúa đang ở thời kỳ ôm đòng đến trỗ bông và nếu không phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa. Hầu hết các trà lúa, giống lúa của các địa phương trong huyện đều bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ; rầy nâu, rầy lưng trắng với nhiều diện tích có mật độ sâu vượt "ngưỡng".
Ngoài ra, tại thời điểm này còn có chuột hại, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn gia tăng gây hại; bệnh lùn sọc đen, lúa cỏ gây hại cục bộ.
Để triển khai công tác phòng, chống sâu bệnh cho lúa mùa, huyện Yên Khánh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương và yêu cầu các xã, HTX, người dân trên địa bàn tăng cường kiểm tra đồng ruộng; phân rõ các trà lúa; điều tiết nước hợp lý; bón đón đòng cho lúa bằng phân kali, không bón đạm; nắm chắc tình hình phát sinh, phát triển của các đối tượng gây hại, tổ chức phun thuốc phòng trừ kịp thời khi tới "ngưỡng" theo sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Theo ông Vũ Khắc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh thì: Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng phát hiện và phun trừ kịp thời trên những ruộng có mật độ rầy lớn hơn 2.000 con/m2; thời gian phun trừ từ ngày 26/8 đến 2/9 bằng một trong các loại thuốc trừ rầy nội hấp như: Penaltyl 40WP, Sutin 5EC và 50SC, Chess 50 WG, Palano 600 WP, Midan 10 WP, Chersieu 50 WG...
Những ruộng có mật độ cao phải tiến hành phun trừ 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 4-5 ngày. Đối với sâu cuốn lá nhỏ, phun trừ trên những diện tích có mật độ sâu từ 20 con/m2 trở lên đối với trà lúa đang giai đoạn đẻ nhánh đến cuối đẻ nhánh và từ 20 con/m2 trở lên và khi sâu non tuổi 2.
Thời gian phun trừ từ ngày 27/8 đến 3/9 bằng các loại thuốc như: Clever 150 SC, 300 WG; Director 70EC; Silsau 4.0 EC; Voliam Targo 063 SC; Dylan 5 WP. Những ruộng có mật độ sâu cao hơn 200 con/m2 trở lên phải tiến hành phun trừ 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 4-5 ngày.
Với sâu đục thân lúa 2 chấm phòng trừ ở những ruộng có mật độ ổ trứng từ 0,3 ổ/m2, khi sâu non ở tuổi 1 trên các khu ruộng lúa trỗ sau 25/8 (các huyện phía Bắc) và trỗ sau 15/9 (các huyện phía Nam) bằng các loại thuốc Voliam Targo 063 SC, Virtako 40 WG.
Những ruộng có mật độ ổ trứng trên 1 ổ/m2 phải tiến hành phun kép. Thời gian phát sinh, gây hại của sâu cuốn lá nhỏ và rầy nâu, rầy lưng trắng tương đối trùng nhau nên có thể hỗn hợp các loại thuốc phòng trừ cùng một lúc, nhưng cần đảm bảo đủ nồng độ và lượng nước thuốc đã pha từ 25-30 lít/sào.
Với bệnh lùn sọc đen, khi ruộng đã xuất hiện bệnh ở giai đoạn từ đẻ nhánh đến đứng cái thì tiến hành nhổ vùi những cây lúa bị bệnh, cấy dặm cây lúa khỏe nếu còn thời vụ; phun thuốc trừ rầy trên ruộng bị bệnh và những ruộng xung quanh bằng các loại thuốc nội hấp, chăm sóc để cây lúa mau chóng phục hồi (bón phân cân đối N-P-K, lưu ý không bón thừa đạm).
Khi lúa bị bệnh ở giai đoạn từ phân hóa đòng trở đi, nhổ vùi những cây lúa bị bệnh, tiến hành phun thuốc trừ rầy ngay ở ruộng đó và những ruộng xung quanh. Khi lúa bị bệnh ở giai đoạn phân hóa đòng- trỗ bông, dùng thuốc trừ rầy loại nội hấp hoặc tiếp xúc.
Với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Tiến hành bón phân cân đối, không nên bón thừa đạm, bón muộn, bón tăng lượng phân kali, nếu ruộng đã xuất hiện bệnh tuyệt đối không bón phân hay phun kích thích sinh trưởng và luôn giữ đủ nước trong ruộng; tiến hành phun phòng trên những ruộng xanh tốt, thừa đạm, giống nhiễm và trên những ruộng chớm xuất hiện bệnh, thời gian trước hoặc ngay sau các đợt mưa giông bằng một trong các loại thuốc như: Visen 20 SC, Physan 20 SL, Sasa 20WP, Xanthomix 20WP.
Riêng với chuột hại phải tiến hành đánh bắt bằng các biện pháp thủ công, sinh học thường xuyên, liên tục và đồng loạt.
Đinh Chúc