Thường xuyên thăm khám, tuyên truyền cho gia đình có trẻ em về chăm sóc trẻ, nâng cao ý thức sử dụng thuốc kháng sinh đúng cách khi đến khám tại Khoa khám bệnh, Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc cho biết: Vào thời điểm giao mùa hiện nay, trẻ đến khám thường trong tình trạng trẻ ho kéo dài, sốt, có một số trẻ cha mẹ đã tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị tại nhà, có một số trẻ đã đến khám và điều trị tại các phòng khám tư. Dẫn đến tình trạng trẻ ho, đờm dai dẳng, không giảm, sốt tăng lên bệnh nhân mới đến viện.
Nguyên nhân của tình trạng trên chính là trẻ không đáp ứng được việc điều trị ở nhà; do gia đình không có chuyên môn, không theo dõi được trẻ nên tình trạng bệnh của trẻ tiến triển nhanh, khi gặp thời tiết không thuận lợi dẫn đến tình trạng bệnh lý không được cải thiện, do đó trẻ vào viện trong tình trạng bệnh nặng, một số trẻ suy hô hấp.
Do đó, có tình trạng trẻ đến Bệnh viện khi suy hô hấp, khó thở phải hỗ trợ oxy, hỗ trợ hô hấp để chuyển thẳng vào Khoa cấp cứu để điều trị thở máy, đặt nội khí quản hỗ trợ, thở áp lực dương liên tục (CPAT)... Trung bình cứ 10 trẻ đến khám tại Khoa khám bệnh thì có tới 3/10 trẻ viêm phổi, viêm phế quản.
Anh Hoàng Minh Tuyên, ở Gia Hòa (Gia Viễn) cho con 3 tuổi đến Khoa khám bệnh khi con bị ho, đờm nhiều. Anh Tuyên cho biết: Ở nhà tôi cho cháu uống siro, có xịt mũi. Tôi mua thuốc theo đơn của bác sĩ ở phòng khám tư nhân. Tuy nhiên sau 2 ngày tự điều trị tại nhà, tình trạng sức khỏe của cháu ho nặng hơn về đêm, đờm không ra được nên tôi đã cho cháu đến Bệnh viện Sản - Nhi khám. Bác sĩ chẩn đoán con tôi bị tai mũi họng, tư vấn phương pháp điều trị bằng thuốc kháng sinh tại Bệnh viện đã giúp tôi yên tâm điều trị cho con.
Hiện nay, nhiều trẻ em đang sử dụng kháng sinh trong các trường hợp không cần thiết hoặc dùng kháng sinh không cần đơn của bác sĩ… Chính điều này đã làm gia tăng khả năng kháng thuốc kháng sinh, dẫn đến việc điều trị bệnh khó khăn, kéo dài, tốn kém.
Bác sĩ CK I Đinh Ngọc Thành, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Sản nhi tỉnh cho biết: Thuốc kháng sinh có tác dụng diệt vi khuẩn và kìm chế sự phát triển của vi khuẩn. Hiện nay thuốc kháng sinh được sử dụng rộng rãi trong điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn tiêu hóa, nhiễm khuẩn thần kinh.
Việc sử dụng kháng sinh ở Việt Nam đang khá tràn lan và không được sự kiểm soát; việc mua kháng sinh tại các nhà thuốc, cơ sở y tế khá dễ dàng. Đặc biệt, đối với trẻ em, việc sử dụng kháng sinh trong điều trị những bệnh lý viêm đường hô hấp được sử dụng rất nhiều, mẹ trẻ hoặc người nhà trẻ có thể tự ý mua kháng sinh không theo đơn của các bác sĩ tại các nhà thuốc. Từ đó, trong quá trình điều trị trẻ không đỡ hoặc diễn biến nặng hơn mới cho trẻ vào viện.
Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi gây rất nhiều hậu quả, nhất là với trẻ em. Bởi bản chất của kháng sinh đều là hóa chất, được đào thải qua gan, thận, vì thế việc sử dụng kháng sinh với trẻ cần được chú trọng do chức năng gan, thận của trẻ chưa hoàn thiện rất ảnh hưởng khi dùng kháng sinh.
Khi sử dụng kháng sinh không đúng chỉ định, không đúng liều lượng, không đúng thời gian điều trị sẽ làm cho các vi khuẩn không được tiêu diệt hoàn toàn, sinh ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc và đa kháng thuốc, ảnh hưởng tới việc điều trị các bệnh viện.
Để giải quyết tình trạng trẻ kháng thuốc khi điều trị kháng sinh dài ngày, Bệnh viện đã gặp rất nhiều khó khăn, phải lựa chọn những loại kháng sinh có phổ tác dụng mạnh hơn để điều trị cho bệnh nhân.
Đối với điều trị viêm đường hô hấp cho trẻ em, theo thống kê có tới 60-70% nguyên nhân do vi rút, nên vào thời điểm giao mùa hiện nay, trẻ có tình trạng hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi trong, không kèm theo dấu hiệu nặng khác thì gia đình trẻ khi sử dụng thuốc cần tham khảo các loại thuốc có nguồn gốc từ thảo dược hoặc không chứa các thành phần kháng sinh.
Khi trẻ có triệu trứng không giảm hoặc dấu hiệu nặng lên thì nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa nhi để quyết định sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân và sử dụng thuốc cho bệnh nhân với liều lượng phù hợp, tránh nguy cơ kháng thuốc kháng sinh cho trẻ cũng như tránh việc sử dụng thuốc quá nhiều dẫn đến việc ảnh hưởng tới chức năng gan thận của trẻ.
Bài, ảnh: Phương Anh