Phóng viên (P.V): Đồng chí cho biết một số kết quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại phường Thanh Bình những năm vừa qua?
Đồng chí Vũ Quang Ngọc: Năm 1998, phường Thanh Bình phát hiện ra bệnh nhân đầu tiên nhiễm HIV/AIDS. Sau đó, số người bị nhiễm HIV/AIDS đã lên tới 42 người, sống rải rác ở 12/18 tổ dân phố. Đến nay, có 10 người đã chết, số người nhiễm HIV/AIDS tại phường còn 32 trường hợp. Từ vị trí "tốp" đầu toàn thành phố về số lượng người bị nhiễm H, chúng tôi đã… xuống được hạng 5. Đặc biệt nhất là 3 năm qua (2009-2011), phường không có bệnh nhân mắc "H" mới.
Các trường hợp nhiễm "H" đều được cán bộ y tế phường theo dõi thường xuyên về sức khỏe, việc làm, các hành vi nguy cơ lây nhiễm. Phường đã giúp đỡ người nhiễm H được tiếp cận với các dịch vụ y tế xã hội và hỗ trợ một phần kinh phí cho các đối tượng nghèo có tiền mua thuốc điều trị. Những trường hợp chuyển từ giai đoạn HIV sang AIDS được quan tâm đặc biệt. Ban chỉ đạo và chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội từ phường đến phố đều dành sự giúp đỡ cả về vật chất cũng như tinh thần đối với các bệnh nhân này.
P.V: Thanh Bình là một trong 2 địa bàn được chọn để triển khai thí điểm mô hình "Toàn dân phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư" giai đoạn 2010-2011, đồng chí có thể nói rõ hơn về mô hình này?
Đồng chí Vũ Quang Ngọc: Mô hình "Toàn dân phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư" nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS, khuyến khích mỗi người dân tự giác tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa bàn dân cư. Khuyến khích và tạo cơ hội cho gia đình có người nhiễm HIV, người nghiện chích ma túy, người bán dâm, tham gia tích cực vào các hoạt động tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Với ý nghĩa thiết thực đó, chúng tôi xác định phải làm tốt khi triển khai mô hình. Theo đó, phường đã kiện toàn tổ công tác liên ngành gồm 3 đồng chí, thành lập 2 nhóm nòng cốt và 2 CLB tại tổ dân phố Ngọc Mỹ và Tây Sơn 2. Nhóm nòng cốt là hạt nhân của phong trào, có nhiệm vụ khởi động và triển khai các hoạt động truyền thông tại cộng đồng về phòng, chống HIV/AIDS.
Tuyên truyền về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: Phương Thảo
Phong trào "Toàn dân phòng, chống AIDS tại cộng đồng dân cư" ở Thanh Bình còn có sự tham gia của các thành viên các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương. Đây là các thành viên xuất sắc, có kinh nghiệm triển khai phong trào quần chúng nên rất thuận lợi trong triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS. Bước đầu, phong trào đã phổ biến kiến thức về HIV/AIDS đến các tầng lớp nhân dân tại địa phương, đưa người dân đến với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS nhiều hơn. Bên cạnh đó, phong trào Toàn dân phòng, chống AIDS còn là cầu nối giữa người dân với hệ thống phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh, nâng cao "sức đề kháng" cho cộng đồng trước đại dịch HIV/AIDS.
P.V: Từ thực tiễn của phường Thanh Bình, đồng chí có thể chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống HIV/AIDS?
Đồng chí Vũ Quang Ngọc: Phường đã rút ra kinh nghiệm là phải thay đổi ngay cách tuyên truyền về HIV để người dân không chỉ sợ mà còn phải hiểu rõ về căn bệnh HIV/AIDS, từ đó có sự đồng cảm, sẻ chia với những người không may nhiễm HIV. Theo đó, phường đã thành lập tổ công tác liên ngành gồm các thành viên của các ban, ngành, đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, Công an, Văn hóa, Y tế, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… Tổ được Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tập huấn, trang bị kiến thức và kỹ năng tuyên truyền. Trên cơ sở đó, các thành viên xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động và tư vấn đến từng đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao tại địa phương. Trong các chiến dịch truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, các đơn vị tăng cường đến từng tổ dân phố, từng gia đình những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao để tuyên truyền, vận động. Các đơn vị thành viên còn tổ chức truyền thông lưu động, trong đó đặc biệt hướng tới các nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao như người nghiện ma túy, mại dâm...
Bên cạnh đó, nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, sáng tạo được áp dụng rộng rãi, đem lại hiệu quả cao, điển hình như các cuộc liên hoan văn nghệ về nội dung phòng, chống HIV/AIDS do các trường học trên địa bàn tổ chức, hay các cuộc thảo luận kiến thức cơ bản về HIV/AIDS như: Khái niệm, sự giống và khác nhau giữa HIV và AIDS; tình hình lây nhiễm HIV ở Việt Nam và Ninh Bình; điều trị các bệnh do vi-rút làm suy giảm hệ miễn dịch gây ra; nguyên nhân và các đường lây truyền HIV…
Nhờ các biện pháp tổng hợp này đã tạo nên sự chuyển biến lớn trong nhận thức của người dân về tác hại của ma túy, nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. Từ đó, huy động được sức mạnh của cả cộng đồng trong cuộc chiến chống HIV/AIDS. Đặc biệt, hoạt động truyền thông được tổ chức chặt chẽ và sâu sát đến từng tổ dân phố cũng đã góp phần làm thay đổi hành vi cộng đồng người có HIV, giúp họ ý thức hơn về bản thân, để họ chủ động dự phòng giảm lây nhiễm cho cộng đồng.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Thu Hằng (Thực hiện)