Xã Văn Phương, huyện Nho Quan được chọn triển khai Dự án "Mô hình điểm về phòng, chống bạo lực gia đình" trong 3 năm 2008-2010. Từ một xã là điểm nóng về các vụ việc bạo lực gia đình ở nông thôn, sau khi triển khai mô hình điểm đã có sự chuyển biến đáng kể trong nhận thức cũng như hành động của người dân. Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình của xã đã vận động lựa chọn các hộ gia đình tham gia vào Câu lạc bộ (CLB) gia đình phát triển bền vững. Thông qua các hoạt động của CLB các đối tượng là nam giới tham gia thảo luận về các khái niệm: Thế nào là bạo lực? Nguyên nhân và phương pháp phòng, chống bạo lực? Phụ nữ có những quyền lợi gì? Làm thế nào để chăm sóc phụ nữ… phụ nữ cũng được tham gia vào CLB làm vợ, làm mẹ, được hướng dẫn về phương pháp tổ chức cuộc sống gia đình, kiến thức nuôi dạy con cái, phương pháp đối nhân xử thế…
Đặc biệt, để nâng cao vị thế kinh tế của người phụ nữ, Hội Phụ nữ tỉnh đã phối hợp với các tổ chức xã hội mở lớp dạy nghề, tạo việc làm cho chị em lúc nông nhàn. Mặt khác, qua tổ chức Hội, chị em có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn của Ngân hàng CSXH, được cán bộ Ngân hàng và Hội Phụ nữ tư vấn giúp chị em sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay.
Từ hiệu quả mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở Văn Phương, đến năm 2011, toàn tỉnh đã triển khai nhân rộng mô hình tại 145/145 xã, phường, thị trấn. Đồng thời, nội dung này cũng được lồng ghép ở 1.670 tổ hòa giải ở cộng đồng dân cư. Các địa phương trong tỉnh cũng thành lập được 884 nhóm phòng chống bạo lực gia đình, hình thành 1.066 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; 170 cơ sở y tế khám, chữa bệnh và nơi tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình. Tại đây đã có 185 nạn nhân bạo lực gia đình được tiếp nhận, chăm sóc tại cơ sở y tế; 1.279 nạn nhân và 1.083 người gây bạo lực gia đình được các tổ chức ở địa phương tư vấn.
Có thể thấy hiện nay, công tác phòng ngừa, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Việc bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ tư vấn và khám chữa bệnh cho nạn nhân bạo lực gia đình được bố trí tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn đã giúp cho công tác hỗ trợ được kịp thời.
Cùng với công tác hỗ trợ, tư vấn, các cấp chính quyền địa phương và đoàn thể đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc can thiệp, xử lý bạo lực gia đình. Việc thực hiện các biện pháp xử lý đã kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt từ khi thành lập các Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình ở địa bàn dân cư thì việc can thiệp, xử lý các vụ bạo lực gia đình đã tránh được những mâu thuẫn, ảnh hưởng trực tiếp đến thân thể và tinh thần của nạn nhân. Nếu như năm 2009 số vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn tỉnh là 303 vụ thì đến năm 2017 số vụ giảm xuống còn 100 vụ.
Xác định phụ nữ, trẻ em là những đối tượng "yếu thế" khi xảy ra bạo lực trong gia đình, do đó trong những năm qua Hội LHPN tỉnh luôn là đơn vị đi đầu trong công tác tuyên truyền thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Các cấp Hội trong tỉnh đã thành lập được 42 góc tư vấn pháp luật và tư vấn giáo dục đời sống gia đình, tư vấn tiền hôn nhân tại cơ sở; tổ chức gần 10.000 hội nghị tuyên truyền về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, các quyền của phụ nữ, qua đó đã tư vấn, trợ giúp pháp lý cho gần 1.000 người.
Song song với công tác tuyên truyền, năm 2017, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 2 diễn đàn "Hãy lên tiếng và hành động để xóa bỏ bạo lực gia đình" tại phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) và phường Nam Sơn (thành phố Tam Điệp) với sự tham gia của hơn 300 người, trong đó có 100 nam giới. Thông qua sinh hoạt của các CLB như: Phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, phòng chống xâm hại tình dục, Cha và con trai thân thiện... Góc tư vấn giáo dục đời sống gia đình, giáo dục tiền hôn nhân tại các huyện Nho Quan, Kim Sơn, thành phố Tam Điệp... đã có tác động tích cực tới đời sống xã hội cũng như công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Cùng với các cấp Hội Phụ nữ, sau 10 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân đã thu được những kết quả khích lệ. Người dân cơ bản đã hiểu thế nào là bạo lực gia đình và tác hại của nó nên đã tích cực tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, số nạn nhân bạo lực gia đình khai báo tăng lên. Đặc biệt một số hình thức bạo lực như: Bạo lực kinh tế, bạo lực tinh thần được khai báo, phát hiện, can thiệp, xử lý kịp thời, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Xuân Trường