P.V: Đồng chí cho biết những nét chính về thiên tai và nhận định về dạng thiên tai bão lũ năm 2017 ở Ninh Bình?
Đ/c Lâm Tuấn: Thiên tai là những biểu hiện của thiên nhiên có ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Các dạng của thiên tai là: Động đất, sóng thần, núi lửa phun trào, băng tuyết, rét đậm, rét hại kéo dài; nắng nóng gay gắt, hạn hán diễn ra trong diện rộng; bão gió, mưa to, lũ lớn, lũ ống, lũ quét, lốc xoáy, nước biển dâng... Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa, thường xuyên phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai, trong đó: Bão, lũ, hạn hán, nắng nóng, rét đậm, rét hại là những dạng thiên tai xuất hiện thường xuyên.
Trong những năm gần đây, miền Trung là nơi có bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào nhiều nhất so với các vùng ven biển khác ở nước ta. Trong những thập kỷ gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã làm cho diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp và càng bất thường hơn: Xuất hiện những vùng mưa rất lớn; mưa tập trung trong thời gian ngắn; tần suất xuất hiện nhiều hơn, phức tạp hơn, cường độ mạnh hơn; nhưng lại có những vùng mưa ít, hạn hán nghiêm trọng, xảy ra trên diện rộng.
Ở Ninh Bình, các dạng thiên tai đã từng xuất hiện là: Bão, lũ; gió, lốc; rét đậm, rét hại; nắng nóng; hạn hán cục bộ... Dạng thiên tai cần quan tâm, chú ý đề phòng trong thời gian tới chính là bão, lũ, gió lốc, hạn hán. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương thì số cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng đến Việt Nam và khu vực đồng bằng Bắc bộ ở mức tương đương năm 2016; nhiệt độ có xu hướng cao hơn so với TBNN; lượng mưa ở mức thấp hơn TBNN. Đề phòng khả năng xuất hiện lũ tiểu mãn trên sông Hoàng Long vào cuối tháng 5; lũ chính vụ khả năng xuất hiện từ 1-3 đợt
P.V: Vậy trên địa bàn Ninh Bình, đâu là vùng trọng điểm của các loại hình thiên tai?
Đ/c Lâm Tuấn: Thiên tai có thể xuất hiện ở mọi lúc, mọi nơi, nhưng qua công tác nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm nhiều năm thì mỗi dạng thiên tai cũng có chu kỳ, quy luật của nó và mỗi vùng có sự ảnh hưởng khác nhau của các loại hình thiên tai. ở nước ta, rét đậm, rét hại chỉ xảy ra vào những tháng cuối năm hoặc đầu năm sau; nắng nóng ở mùa hè; bão gió, lũ lụt, mưa to, nước lớn trong khoảng thời gian từ tháng 5-10.
Đối với chống bão mạnh, sóng thần, tỉnh ta xác định trọng điểm là huyện Kim Sơn. Đối với chống lũ trọng điểm là các huyện Nho Quan, Gia Viễn. Đối với xâm nhập mặn trọng điểm là các huyện Kim sơn, Yên Khánh, Yên Mô. Đối với hạn hán, rét đậm, rét hại, giông lốc trọng điểm là huyện Nho Quan, Yên Mô, TP Tam Điệp.
P.V: Đồng chí cho biết hiện trạng các công trình phòng, chống lụt bão và công tác chuẩn bi cho phòng, chống thiên tai, bão lũ ở tỉnh ta?
Đ/c Lâm Tuấn: Vài năm gần đây, bão lũ lớn ít ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh ta; nhưng đây là loại hình thiên tai nguy hiểm, thường xuyên xảy ra nên luôn phải nâng cao ý thức chủ động phòng ngừa và đó là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong thời gian tới.
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 28 tuyến đê sông, đê hồ và đê biển với tổng chiều dài khoảng 425 km, trong đó: Đê cấp II có 71,2 km; đê cấp III có 104,3 km; đê cấp IV có 79,6 km; đê cấp V có 169,2 km. Về hồ chứa nước, toàn tỉnh có 45 hồ với dung tích khoảng 38,76 triệu m3; trong đó có các hồ lớn với dung tích từ 1-5 triệu m3 như: Thác La, Yên Quang, Đồng Chương, Thường Xung, Đập Trời, Đá Lải (Nho Quan), Yên Thắng, Yên Đồng (Yên Mô), Núi Vá (TP tam Điệp).
Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh thì hệ thống đê sông, đê hồ, đê biển; các tuyến kênh mương tưới tiêu; kè, cống; hồ chứa nước được quan tâm đầu tư nâng cấp, tu bổ, sửa chữa, nạo vét đã cơ bản đủ khả năng chống lũ, chống tràn, tích nước theo thiết kế đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn của các địa phương.
Tuy nhiên cần quan tâm kiểm tra, theo dõi một số tuyến đê mới xây dựng xong, chưa qua thử thách, như: Đê sông Hoàng Long, đê Đức Long-Gia Tường-Lạc Vân, đê biển BMIII; một số hồ chứa mà đập dâng bị hư hỏng, lòng hồ bị bồi lắng như Yên Quang, Vườn Cả.
Vật tư phòng, chống lụt bão do tỉnh quản lý gồm: 28.904 m3 đá hộc, 64.900 m2 bạt chống sóng, 408.775 bao nilon, 5.050 m2 vải lọc, 2.859 bộ rọ thép, 13.967 kg dây thép; 2.598 mai, cuốc, xẻng; 274 xà beng, kìm...để tại các kho ở huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Kim Sơn, Yên Khánh và TP Ninh Bình. Phương tiện khi cần huy động: 280 xe tải, 99 xe khách, 285 xe 5 chỗ ngồi, 29 xe cứu thương, 53 máy xúc và cẩu, 10 máy ủi, 18 tàu và ca nô, 8 xà lan, 125 thuyền máy, 58 xuồng, 281 nhà bạt, 3.398 áo phao, 2.652 phao tròn, 11 phào bè.
Lực lượng tham gia ngoài lực lượng xung kích thường trực của các địa phương còn huy động thêm lực lượng cơ động của quân đội với số lượng hơn 2.000 người tăng cường cho các địa phương ứng trực, bảo vệ các điểm xung yếu, trọng điểm.
P.V: Đồng chí có thể nêu phương án phòng, chống một số dạng thiên tai thường gặp ở địa phương?
Đ/c Lâm Tuấn: Đối với bão và ATNĐ, vùng trọng điểm là huyện Kim Sơn. Ngăn không cho tàu thuyền ra khơi; thông tin hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc về tránh trú an toàn; thu hoạch nhanh lúa chín, hoa màu và con nuôi thủy sản; triển khai phương án chống úng; khi bão cấp 10-12 tổ chức di dân từ ngoài đê BMII vào trong đê BMII; khi bão cấp 12-13 di dân triệt để ngoài đê BMII và phía ngoài đê BM I vào trong đê BM I, tổ chức cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ các công trình trọng điểm, công trình công cộng, nhà dân; thường xuyên thông báo về tình hình bão trên các phương tiện thông tin đại chúng; khi bão cấp 14-15 trên cấp 15, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, triển khai phương án phòng, chống siêu bão.
Với chống lũ, vùng trọng điểm là huyện Nho Quan, Gia Viễn: Khi mực nước trên sông Hoàng Long vượt báo động III (+4m tại bến Đế) có khả năng sạt trượt mái đê; tăng cường lực lượng canh gác đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu, triển khai phương án chống úng, thu hoạch lúa chín và hoa màu.
Khi lũ sông Hoàng Long vượt cao trình cho phép (+5,3 m tại bến Đế), các tuyến đê Đức Long-Gia Tường, đê hữu Hoàng Long có nguy cơ mất an toàn thì huy động toàn bộ lực lượng tuần tra canh gác đê, thực hiện phương án hộ đê, xử lý sự cố đê ngay từ giờ đầu; thông báo về tình hình lũ, tổ chưc sơ tán người và tài sản cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng; khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản trong vùng xả tràn; triển khai vận hành tràn Lạc Khoái theo phương án đã được duyệt.
Khi xả tràn Lạc Khoái qua 24 cửa cống mà lũ vẫn lên nhanh, các tuyến đê vẫn bị uy hiếp thì chủ động xả tràn sự cố Lạc Khoái (dài 612,3m) nhằm tiếp tục phân lũ, cắt đỉnh lũ. Khi đã xả tràn sự cố mà nước trên sông Hoàng Long vẫn tiếp tục lên nhanh, mực nước tại bến Đế vượt mức 5,3m thì phải chủ động xả lũ tại các vị trí tràn Đức Long-Gia Tường cũ; nếu lũ tiếp tục lên và mực nước trên sông Đáy thấp hơn mực nước trên sông Hoàng Long thì phải xả lũ qua cống Mai Phương-Địch Lộng.
Đối với chống úng: Khi mưa liên tục trong 3 ngày với lượng 150mm ở đầu vụ, 250mm ở giữa vụ thì đảm bảo ăn chắc 100% diện tích gieo trồng. Nếu mưa liên tục 3 ngày từ 300mm trở lên, tổ chức kiểm tra, rà soát, khoanh vùng chống úng, đảm bảo ăn chắc 80% diện tích; khu vực úng nặng cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất diện tích mất trắng.
Với hạn hán, xâm nhập mặn, thực hiện theo phương án số 1584/PA-SNN ngày 2/12/2016 của Sở Nông nghiệp &PTNT. Các loại hình thiên tai: Nắng nóng; rét đậm rét hại; sương muối; lũ ống; lũ quét; lún sụt đất, nước dâng... Ngành Nông nghiệp & PTNT phối hợp các ngành và đơn vị có liên quan xây dựng phương án phòng, chống cho từng loại hình thiên tai, đảm bảo an toàn cho người, vật nuôi, cây trồng và các công trình của nhà nước và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Đinh Chúc (thực hiện)