Hội nghị đã được nghe đại diện lãnh đạo Viện nghiên cứu Hải sản giới thiệu sơ lược về quá trình hình thành, phát triển, lĩnh vực hoạt động của Viện trong những năm vừa qua. Trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, Viện nghiên cứu Hải Sản đã triển khai thành công nhiều công trình, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế biển ở nước ta nói chung và các tỉnh ven biển nói riêng.
Một số công nghệ điển hình mà Viện đã triển khai: Công nghệ khai thác bằng lưới vây kết hợp máy dò ngang, câu cá ngừ đại dương, khai thác giống cá ngừ đại dương; Công nghệ sản xuất giống phục vụ tái tạo nguồn lợi; công nghệ sinh học chế biến thực phẩm chức năng, thuốc.
Trong những năm gần đây, Viện nghiên cứu Hải sản đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác khoa học công nghệ với các địa phương trong cả nước, tuy nhiên với Ninh Bình số lượng chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hài sản còn ít (mới xây dựng được 2 mô hình tại huyện Kim Sơn).
Dó đó để phát triển hơn nữa trong lĩnh vực hải sản, giúp nhân dân tiếp cận và ứng dụng rộng rãi các công nghệ khoa học mới, Viện nghiên cứu hải sản đã đề xuất hợp tác một số nội dung khoa học có thể chuyển giao tại Ninh Bình.
Tại hội nghị, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng hải sản của tỉnh đã phát biểu ý kiến, đưa ra một số đề xuất trong việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ tại vùng biển Kim Sơn mà hiện nay đang thiếu và rất cần như: Công nghệ nuôi một số đối tượng con nuôi mới như tôm he Nhật Bản, sò huyết, hàu lồng ghép với vùng nuôi tôm thẻ chân trắng; Công nghệ sản xuất giống và nuôi một số loài cá quý hiếm đang có nguy cơ mất dần ở vùng biển Kim Sơn (cá lác, cá roòng, cá mòi…); Công nghệ sản xuất thức ăn cho Ba ba…
Sau khi thảo luận, trao đổi về các nhiệm vụ khoa học công nghệ cần tư vấn chuyển giao tại vùng biển huyện Kim Sơn, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Viện nghiên cứu Hải sản đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong thời gian tới.
Theo đó, trên cơ sở những đề nghị, đề xuất hôm nay của tỉnh, Viện nghiên cứu Hải sản sẽ cử cán bộ tới Kim Sơn khảo sát, nghiên cứu, xác định vùng nuôi, lựa chọn con nuôi phù hợp để xây dựng mô hình, sau đó nhân ra diện rộng. Việc lựa chọn các con nuôi để chuyển giao công nghệ phải đảm bảo tính đặc trưng riêng của địa phương, nhưng có hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển ngành thủy, hải sản của tỉnh
Hồng Giang