Nội dung như sau:
PV: Xin Phó Thủ tướng cho biết ý nghĩa của Phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an (HÐBA) LHQ về "Trẻ em và xung đột vũ trang" mà Phó Thủ tướng vừa chủ trì với cương vị là Chủ tịch HÐBA tại LHQ?
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Vấn đề trẻ em và xung đột vũ trang rất có ý nghĩa đối với công việc của HÐBA vì được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm. Chỉ tính riêng trong thập kỷ qua, khoảng hai triệu trẻ em đã mất đi cuộc sống của mình và khoảng sáu triệu trẻ em bị thương nặng hoặc tàn tật vĩnh viễn trong các cuộc xung đột vũ trang.
Ngoài ra, trẻ em còn là nạn nhân của những hành động xâm phạm nghiêm trọng khác như bị bắt làm lính, bị bắt cóc, bị hãm hiếp, làm nô lệ tình dục và chịu các hình thức hành hạ tàn bạo khác trong xung đột vũ trang ở nhiều nơi. Hoạt động hiệu quả của HÐBA sẽ giúp ngăn ngừa và chấm dứt xung đột, qua đó giải quyết tận gốc rễ những tình trạng này.
HÐBA đã đàm thảo vấn đề trẻ em và xung đột vũ trang trong nhiều năm qua. Tại Phiên thảo luận mở được tổ chức vào ngày 17-7-2008, theo sáng kiến của Việt Nam là nước Chủ tịch HÐBA trong tháng 7, các quốc gia, các tổ chức LHQ và tổ chức phi chính phủ đã có dịp đánh giá lại hiện trạng, kết quả của các biện pháp đã triển khai và hướng hợp tác trong thời gian tới để bảo vệ hiệu quả hơn trẻ em trong xung đột vũ trang.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun, đại diện của hơn 40 quốc gia và lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế đã phát biểu đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận. Ðặc biệt là khi kết thúc Phiên thảo luận mở, HÐBA đã thông qua Tuyên bố của Chủ tịch HÐBA do Việt Nam soạn thảo và chủ trì thương lượng nội dung, không chỉ khẳng định lại cam kết của cộng đồng quốc tế trên vấn đề này mà còn đưa ra những định hướng hành động mới như cải thiện các điều kiện y tế, giáo dục, huy động thêm các nguồn lực và hỗ trợ kỹ thuật cho các chương trình xã hội để giải quyết những hậu quả lâu dài của xung đột vũ trang đối với trẻ em và thúc đẩy việc thực hiện các văn kiện pháp lý quốc tế có liên quan. Tuyên bố của Chủ tịch HÐBA cũng đề cập một vấn đề rất thiết thực là cải tiến phương pháp làm việc của các cơ chế của HÐBA hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em trong xung đột vũ trang.
Quang cảnh Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc
PV: Xin Phó Thủ tướng đánh giá kết quả những hoạt động của Phó Thủ tướng và Ðoàn trong dịp tham dự Phiên thảo luận mở lần này của HÐBA?
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Tôi được Chính phủ cử chủ trì Phiên thảo luận để thể hiện sự coi trọng và ý thức trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc của HÐBA là Cơ quan được các quốc gia trao trách nhiệm hàng đầu trong việc gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế. Tôi thay mặt HÐBA họp báo thông báo kết quả của Phiên thảo luận và trao đổi với giới báo chí các vấn đề dư luận quan tâm. Cũng trong dịp này, tôi có các cuộc gặp riêng với Tổng Thư ký LHQ, Chủ tịch Ðại hội đồng, ông Gam-ba-ri là Cố vấn về vấn đề Myanmar của Tổng Thư ký LHQ, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Xoa-di-lân sắp tới sẽ làm Chủ tịch Cộng đồng phát triển Nam phần châu Phi và Ðại sứ Mỹ tại LHQ.
Sáng kiến của Việt Nam lấy chủ đề "Trẻ em và xung đột vũ trang" cho Phiên thảo luận mở với sự tham gia rộng rãi cùng những nỗ lực của chúng ta phối hợp với Tổng Thư ký LHQ, các nước thành viên HÐBA và các cơ chế liên quan của HÐBA chuẩn bị về nội dung, tổ chức để Phiên thảo luận đạt kết quả tốt đã được ông Tổng Thư ký LHQ và các nước đánh giá cao, coi đó là một đóng góp tích cực của Việt Nam vào công việc của HÐBA.
Qua việc làm này và qua các phát biểu ý kiến của Ðoàn ta tại HÐBA cũng như với báo giới, chúng ta đã thể hiện rõ truyền thống yêu chuộng hòa bình, vì con người, sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Hoạt động này có thêm ý nghĩa khi nước ta đang chuẩn bị cho việc trình bày trước Ủy ban Công ước quyền trẻ em về việc thực hiện Công ước này ở Việt Nam theo đúng nghĩa vụ của một quốc gia thành viên. Tại các cuộc tiếp xúc nói trên, chúng ta đã bàn về các biện pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác với LHQ và hợp tác song phương.
PV: Xin Phó Thủ tướng cho biết ý kiến về công việc của HÐBA trong sáu tháng cuối năm 2008 và hướng tham gia của Việt Nam?
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Theo cách làm việc từ nhiều năm nay của HÐBA, cứ mỗi tháng thì các nước thành viên HÐBA sẽ cùng Tổng Thư ký và Ban Thư ký LHQ trao đổi để xây dựng chương trình làm việc cho tháng tiếp sau. Chỉ tính trong nửa đầu năm 2008, mỗi tháng HÐBA có tới trên dưới 40 cuộc họp chính thức và không chính thức, đó là chưa kể tới các cuộc họp của các ủy ban của HÐBA, để xem xét khoảng 15 đề mục trong chương trình nghị sự chính thức được HÐBA thông qua hằng năm hoặc những vấn đề bất thường, thí dụ như về tình hình Zimbabwe, một số diễn biến ở Trung Ðông trong tháng này.
Công việc của HÐBA trong sáu tháng cuối năm 2008 chắc vẫn nặng nề. Hội đồng sẽ tiếp tục xem xét các vấn đề trong chương trình nghị sự, chủ yếu là các vấn đề liên quan hòa bình, an ninh ở các khu vực. Ðồng thời, Hội đồng cũng sẽ thảo luận về các vấn đề đột xuất, hoặc là để hỗ trợ cho những diễn biến tích cực mới, hoặc là để góp phần xử lý những tình huống phức tạp bất thường, phản ánh bức tranh sáng, tối đan xen của tình hình thế giới hiện nay. Tình hình ở Trung Ðông, ở Darfur (Sudan), Kosovo, các vấn đề hạt nhân của Iran, CHDCND Triều Tiên và các diễn biến ở Myanmar được quan tâm nhiều, trong thảo luận có không ít phức tạp trong thời gian qua. Bên cạnh những vấn đề này, ngay bây giờ chúng ta đã thấy những phức tạp chung quanh tình hình ở Zimbabwe, Gru-di-a.
Trong sáu tháng đầu tiên tham gia HÐBA, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước và vận dụng những kinh nghiệm quý báu được tích lũy qua nhiều năm tháng, chúng ta đã bắt nhịp nhanh cường độ, tham gia đầy đủ, có chất lượng vào các hoạt động của HÐBA, qua đó thể hiện phương châm tham gia tích cực, chủ động, xây dựng và trách nhiệm, được các nước đánh giá cao.
Công việc tại HÐBA nhiều, khẩn trương và đòi hỏi nỗ lực trong các hoạt động tham gia, phát biểu ý kiến, thương lượng tại HÐBA cũng như trong việc nghiên cứu, phối hợp, tham mưu ở trong nước.
Trong thời gian tới, chúng ta quán triệt phương châm trên, nỗ lực hợp tác cùng các nước tìm những giải pháp thực tế cho những vấn đề nảy sinh trong công việc tại HÐBA trên cơ sở Hiến chương LHQ, tôn trọng lợi ích chính đáng của các quốc gia, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng.
Theo Nhandan