Cần điểm nhấn cho đô thị trung tâm Nếu nói về các khu, điểm vui chơi, giải trí của người dân thành phố Ninh Bình, hầu như người nào khi được hỏi đến cũng đều bày tỏ sự thất vọng bởi đã nhiều năm thành phố chưa có một điểm nào xứng đáng được gọi tên là khu, điểm giải trí. Nếu có nhu cầu giải trí, vui chơi, nhiều gia đình chỉ còn biết dẫn con vào siêu thị, các quán cà phê…
Gần đây, khi Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế được xây dựng và đi vào hoạt động, người dân, nhất là giới trẻ mới có thêm một địa điểm nữa để mỗi chiều thả bộ hoặc tối đến đi dạo, ngồi quán vỉa hè. Một địa điểm đúng nghĩa là khu vực văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu thư giãn, giải trí, mua sắm tiêu dùng vào buổi tối cũng như quảng bá, thu hút và lưu giữ khách du lịch luôn được người dân thành phố mong mỏi tiếp cận.
Ông Nguyễn Văn Tiến, người dân ở phố 9, phường Đông Thành chia sẻ: Gia đình tôi ở đây đã lâu, từ hồi đường sá chưa được khang trang như hiện nay. Sau bao năm thành phố đã có sự thay đổi về diện mạo nên nơi tôi sinh sống cũng đẹp và hiện đại lên nhiều. Nhưng để nói về điểm vui chơi giải trí đúng nghĩa như các thành phố lớn đang có thì thành phố Ninh Bình chưa làm được. Do đó, khi có chủ trương hình thành tuyến phố đi bộ ở đường Đào Duy Từ, người dân chúng tôi đồng tình cao.
Còn đối với chủ nhà hàng Hương Việt, nhà hàng kinh doanh ăn uống ở ngay mặt đường Đào Duy Từ, đối diện với Sân thể thao công cộng phường Đông Thành, khi đón nhận chủ trương mới này đã cho biết: Tôi kinh doanh ở khu vực này mấy năm nay nhưng đúng là mỗi khi nhìn ra sân thể thao công cộng vào buổi tối mới thấy nó buồn và tẻ nhạt, vắng vẻ.
Do đó, tôi nhất trí cao với chủ trương hình thành phố đi bộ để xây dựng hình ảnh đẹp cho thành phố về đêm. Đương nhiên, khi hình thành mô hình mới này, các hộ kinh doanh như gia đình tôi bị ảnh hưởng bởi buổi tối mới là thời điểm nhà hàng hoạt động đón khách, xe cộ đậu, đỗ xe trước cửa. Dù biết là sẽ khó khăn để chuyển đổi ngành nghề khi phố đi bộ hình thành nhưng chúng tôi luôn chấp hành chủ trương của tỉnh, của thành phố. Mong muốn phố đi bộ sớm đi vào hoạt động để các hộ kinh doanh như chúng tôi tính toán và chuẩn bị cho việc chuyển đổi ngành nghề phù hợp.
Thuận lợi khi triển khai mô hình này là tuyến đường Đào Duy Từ là tuyến phố trung tâm của phường Đông Thành, có vỉa hè, lòng đường đủ rộng để thiết kế phố đi bộ đẹp và hợp lý. Sân thể thao công cộng đủ diện tích để cải tạo thành địa điểm vui chơi, giải trí lành mạnh, nơi giao lưu của cộng đồng dân cư, nơi tham quan giải trí, tìm hiểu văn hóa của khách du lịch.
Bên cạnh đó, khu vực này có sự kết nối với địa điểm văn hóa, du lịch trong thành phố như: núi Kỳ Lân, nhà thi đấu, đường Tràng An… là vị trí thuận lợi dễ thu hút cộng đồng dân cư và khách du lịch. Trên khu vực thí điểm, có 5 cơ quan, 6 công ty, khoảng 17 hộ sản xuất, kinh doanh đang hoạt động. Khi sử dụng tuyến phố này làm phố đi bộ sau 17h30 chiều sẽ không ảnh hưởng nhiều đến trục giao thông chính, ít ảnh hưởng nhất đến sinh hoạt của dân cư khu vực xung quanh.
Chủ trương đúng
Nhiều năm qua, Ninh Bình luôn được nhắc đến là địa phương có lợi thế rất lớn về phát triển du lịch với vị trí địa lý, kinh tế, lịch sử, văn hóa, điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi. Với sự phát triển của ngành kinh tế du lịch như hiện nay, Ninh Bình đang ngày một phát triển thành trung tâm văn hóa, du lịch của miền Bắc. Khách du lịch đến Ninh Bình ngày càng đông, theo số liệu 9 tháng đầu năm 2018 của ngành du lịch tỉnh nhà đã đón 6,4 triệu lượt khách, doanh thu toàn ngành du lịch đạt 2.479 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ.
Hệ thống điện chiếu sáng được lắp đặt tại phố đi bộ.
Tuy thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế nhưng cơ sở hiện tại để phục vụ các dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh lại chưa đáp ứng được nhu cầu du khách như: điểm ăn đêm, mua sắm, đồ lưu niệm, điểm giải trí…
Trong các giải pháp để phát triển du lịch tỉnh nhà những năm tới, Ninh Bình cần hình thành được những khu, điểm giải trí hấp dẫn để kích thích tiêu dùng và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Trong đó, sự hình thành các tuyến phố đi bộ được xem như là một trong các giải pháp để kích thích tiêu dùng, mua sắm trong hoạt động du lịch.
Bên cạnh đó, theo quy hoạch chung xây dựng đô thị Ninh Bình đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố Ninh Bình (hiện nay) được quy hoạch là đô thị trung tâm với chức năng là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử và du lịch của tỉnh và đô thị Ninh Bình.
Việc hình thành tuyến phố đi bộ ở đường Đào Duy Từ, phường Đông Thành là một trong những việc nhằm phát triển các trọng điểm trong khu vực đô thị để tập trung thành tuyến phố du lịch.
Chủ trương này đã được UBND tỉnh chấp thuận tại Văn bản số 689/UBND-VP4 ngày 10/10/2017, Văn bản số 106/UBND-VP4 ngày 9/2/2018 về việc tổ chức thí điểm mô hình phố đi bộ kết hợp mua sắm, ẩm thực tại thành phố Ninh Bình.
Tại Quyết định số 1151/QĐ-UBND ngày 30/3/2018 của UBND thành phố đã phê duyệt phương án tổ chức thí điểm mô hình "phố đi bộ kết hợp mua sắm, ẩm thực" tại tuyến đường Đào Duy Từ, phường Đông Thành. Theo quyết định, đơn vị quản lý phương án là UBND thành phố, đơn vị tổ chức thực hiện là Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng Thiên Kim.
Điều đáng chú ý là nguồn kinh phí thực hiện thí điểm mô hình này theo hình thức xã hội hóa. Nghĩa là Công ty CP Thiên Kim là đơn vị tổ chức thực hiện sẽ tiến hành đầu tư mới kết hợp cải tạo, chỉnh trang cảnh quan, không làm thay đổi công năng Sân thể thao công cộng của phường Đông Thành.
Theo phương án thí điểm mà Công ty xây dựng sẽ hình thành không gian cảnh quan hiện đại, giàu bản sắc văn hóa của địa phương, hài hòa với cảnh quan khu vực xung quanh trên tuyến đường Đào Duy Từ và khu vực vỉa hè bao quanh Sân thể thao cộng đồng. Chủ đầu tư sẽ trực tiếp quản lý tuyến phố đi bộ.
Số lượng gian hàng thực hiện thí điểm khoảng 50 gian hàng thương mại, 50 gian hàng ẩm thực, 20 gian hàng kinh doanh ngoài trời. Các gian hàng được bố trí theo kiểu nhà dù di động để đảm bảo trả lại nguyên trạng khu vực vào ban ngày.
Các phương án tổ chức giao thông, bố trí điểm gửi xe, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, khu vui chơi cho trẻ em… được chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phối hợp triển khai chặt chẽ. Đặc biệt, vào ngày cuối tuần và các ngày lễ lớn, tại phố đi bộ còn tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật như: ca nhạc đường phố, lễ hội âm nhạc, chèo, xẩm…
Khi đi vào hoạt động, phố đi bộ sẽ giúp người dân thành phố có điều kiện tiếp cận với khu vực văn hóa, cộng đồng, đáp ứng nhu cầu thư giãn, giải trí, mua sắm tiêu dùng vào buổi tối cũng như quảng bá, thu hút, lưu giữ khách du lịch và quan trọng là góp phần xây dựng hình ảnh đẹp cho thành phố về đêm.
Mô hình thí điểm này được đánh giá là không chỉ tạo điểm nhấn cho đô thị Ninh Bình mà còn kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu trao đổi, mua bán, phát triển, quảng bá các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đặc sản trên địa bàn, tạo thêm nhiều việc làm, cơ hội kinh doanh cho lao động địa phương, thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Với nhiều kỳ vọng, khi đi vào hoạt động hiệu quả, tuyến phố đi bộ Đào Duy Từ còn là cơ sở để quản lý, xây dựng tuyến phố này thành một mô hình kiểu mẫu.
Bài, ảnh: Phan Hiếu