Tại hội nghị, các thành viên được ông Đỗ Huy Long - Phó trưởng Phòng Thanh tra pháp chế, Cục Thú y giới thiệu về những nội dung căn bản của Luật thú y cũng như những điểm mới của Luật so với Pháp lệnh Thú y cũ.
Theo đó, Luật Thú y được Quốc hội Khóa XIII kỳ họp thứ 9 đã thông qua ngày 19/6/2015; Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 17/7/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Luật có 7 chương và 116 điều, trong đó tiếp tục đề cao và tầm quan trọng của việc phòng, chống dịch bệnh động vật. Đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức cá nhân có liên quan trong việc phòng, chống dịch bệnh động vật như khai báo, chẩn đoán bệnh, điều tra dịch bệnh.
Luật cũng phân cấp thẩm quyền công bố dịch cho Chủ tịch UBND cấp huyện, tạo điều kiện để địa phương chủ động phòng, chống dịch bệnh được hiệu quả.
Luật quy định chỉ thực hiện kiểm dịch đối với động vật, sản phẩm động vật xuất tỉnh; đồng thời bỏ quy định kiểm dịch "theo số lượng, khối lượng"; việc giết mổ động vật phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ tập trung và phải có sự kiểm soát của cơ quan thú y.
Luật cũng có nhiều quy định mạnh mẽ nhằm cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký kiểm dịch, thuốc thú y, hành nghề thú y như rút ngắn thời gian giải quyết, đơn giản hóa hồ sơ, cắt giảm thủ tục giấy tờ và nâng thời hạn của các loại giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán, xuất nhập khẩu thuốc thú y đều có thời hạn 5 năm…
Luật Thú y có hiệu lực góp phần đảm bảo sự thống nhất, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Qua đó, giúp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe động vật, phát triển bền vững ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Hà Phương-Đức Lam