Tham dự tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh, các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của hội nghị nhằm đánh giá tình hình KTXH sau ½ chặng đường năm 2018, nhất là việc nhìn nhận những yếu kém, tồn tại, nguy cơ đặt ra đối với sự điều hành, quản lý KTXH của đất nước. Từ đó Chính phủ có biện pháp cụ thể, hiệu quả hơn để xử lý, khắc phục kịp thời trong 6 tháng cuối năm. Thủ tướng đề nghị các ngành, các địa phương tập trung thảo luận 18 vấn đề chủ yếu như: kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển đô thị, kinh tế tư nhân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và các vấn đề xã hội bức xúc khác… Các địa phương cần nêu rõ những khó khăn, trở ngại, lãnh đạo các bộ nêu rõ các chủ trương, biện pháp, định hướng giải quyết.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tình hình KTXH 6 tháng đầu năm tiếp tục diễn biến tích cực, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước đạt 7,08%, là mức cao nhất của 6 tháng từ năm 2011 trở lại đây. Tăng trưởng toàn diện trên cả 3 khu vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ. Động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,02%.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát nhờ có sự điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng ước đạt 3,29%. Thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 652 nghìn tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tăng 16%, xuất siêu trên 2,71 tỷ USD. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, trong 6 tháng đầu năm đã thành lập mới trên 64,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,3% so với cùng kỳ…
Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân tiếp tục được đảm bảo, số hộ thiếu đói nửa năm giảm gần 40%, tỷ lệ thất nghiệp thấp, khoảng 2,2%, cả nước đã cấp miễn phí được gần 52 triệu thẻ BHYT; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thông tin và truyền thông; bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu được tăng cường. Các hoạt động chính trị, đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước được tổ chức chu đáo, đạt kết quả thiết thực.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đồng thời tiến hành thảo luận, trong đó nhất trí cao với những đánh giá về tình hình KTXH 6 tháng đầu năm, làm rõ thêm các kết quả đạt được, đề xuất, kiến nghị các giải pháp triển khai hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định những kết quả nổi bật trong phát triển KTXH 6 tháng đầu năm. Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao, tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Thủ tướng cũng nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, đó là: cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư theo hướng an toàn, minh bạch, giảm chi phí, trong đó cần rà soát, hủy bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết với tốc độ nhanh hơn, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, việc cải cách hành chính phải thực chất, tương xứng với mục tiêu đề ra… Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải coi vấn đề tạo môi trường kinh doanh thuận lợi là nhiệm vụ chính trị.
Quan tâm có các giải pháp hiệu quả để thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, coi đây là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, chú ý về chất lượng nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.
Cùng với đó phải đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền để nhân dân hiểu về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước, từ đó có hành động, việc làm đúng pháp luật. Đấu tranh phản bác các thông tin sai sự thật.
Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội nhằm củng cố niềm tin của xã hội, ổn định và bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội; tăng cường công tác nắm tình hình thực tế, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị chính đáng của nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương đánh giá lại ngành mình, địa phương mình đã làm được gì, còn hạn chế gì để từ đó có sự đổi mới, sáng tạo để phát triển. Thực hiện tốt chương trình phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, điều tra những sai trái, xử lý đúng theo pháp luật.
Bên cạnh phát triển kinh tế vĩ mô và đảm bảo an ninh trật tự xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương cần quan tâm đến các vấn đề cụ thể để chăm lo đời sống của người dân nhất là ở vùng nông thôn, vùng còn nhiều khó khăn, bị ảnh hưởng thiên tai…
Duy Hiền-Thế Minh