"Toàn bộ phiên họp được diễn ra dân chủ, công khai, có sự theo dõi, giám sát của đồng bào, cử tri của cả nước. Câu hỏi của đại biểu Quốc hội đặt ra thẳng thắn, xây dựng, đi vào trọng tâm những vấn đề lớn, câu hỏi phong phú, sắc sảo; Trả lời của các vị Bộ trưởng, thành viên Chính phủ cũng đi vào trọng tâm các câu hỏi, giải đáp hầu hết các vấn đề đặt ra, đưa ra được những kiến nghị cần thiết" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý một số nội dung để ban hành Nghị quyết lần này.
Đối với 1.600 kiến nghị của cử tri cả nước gửi tới Kỳ họp thứ Tư và khoảng 1.700 kiến nghị gửi tới trong Kỳ họp thứ Ba, yêu cầu Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan phải khẩn trương nghiên cứu, trả lời thấu đáo các kiến nghị của cử tri và các kiến nghị của đồng chí Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trình bày tại Kỳ họp này.
Quốc hội ghi nhận những kết quả bước đầu của 9 thành viên Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội về việc tổ chức thực hiện những kết luận, Nghị quyết của Quốc hội tại 2 kỳ họp trước. Đề nghị các vị Bộ trưởng, thành viên chính phủ tiếp tục tổ chức kế hoạch thực hiện các chất vấn một cách có kết quả.
Về nhiệm vụ cụ thể đối với từng Bộ, ngành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ:
Đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương: Phải khẩn trương triển khai các kết luận tại Kỳ họp trước, có một số việc đã có kế hoạch triển khai rồi. Tiếp tục triển khai những kết luận tại Kỳ họp này mà trong phần chất vấn của mình, Chủ tịch Quốc hội đã đặt ra trên cơ sở ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, cho doanh nghiệp, mở rộng thị trường trong nước và quản lý thị trường nhập khẩu; phát triển thị trường hàng hóa, khuyến khích tiêu dùng hàng trong nước; quản lý chặt chẽ tỷ lệ nhập siêu để có thể giải quyết hàng tồn kho; phát triển sản xuất, khôi phục lại tăng trưởng và mở rộng được thị trường, từ đó giải quyết công ăn, việc làm và đời sống của người dân.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cần khẩn trương tiếp tục rà soát quy hoạch tổng thể về điện để cuối năm sau báo cáo Quốc hội về kết quả rà soát; phải đưa ra được cụ thể những dự án dừng, những dự án tiếp tục và những dự án phải có điều chỉnh.
Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng giải quyết, tạo bước chuyển động làm ấm lên thị trường bất động sản, theo đó xử lý vấn đề "đóng băng" thị trường; giải quyết tình trạng đất bỏ hoang; điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cơ cấu thị trường và xử lý nợ xấu trong lĩnh vực này.
Trong ngành Xây dựng, yêu cầu Bộ trưởng phối hợp với các ngành, các cấp kiên quyết đấu tranh, tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống tình trạng tham nhũng, lãng phí trong xây dựng.
Quốc hội yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải tạo chuyển biến tích cực trong tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng gắn với thị trường chứng khoán, tài chính. Theo đó, giải quyết tích cực hoạt động thị trường tiền tệ, bảo đảm cung ứng vốn cho sản xuất những mặt hàng quan trọng, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời kiềm chế lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao.
Từ nay đến cuối năm và những năm tới, tích cực cơ cấu lại hệ thống ngân hàng gắn liền với giải quyết chất lượng kinh doanh của hệ thống ngân hàng, công ty tài chính… Năm 2013, tạo chuyển biến tích cực; năm 2014, năm 2015 trở về chuẩn cần thiết về tín dụng ngân hàng. Yêu cầu Thống đốc tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát giải quyết tiêu cực trong hoạt động ngân hàng, tiền tệ
Đối với thị trường vàng, quản lý phải đảm bảo quyền lợi của người dân là tích trữ, tiêu dùng hàng hóa theo đúng nghĩa của nó. Quản lý theo hướng không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán trong nền kinh tế để chống vàng hóa đi liền với đô la hóa.
Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến triển khai tích cực các biện pháp đã cam kết, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; khắc phục yếu kém trong quản lý các nhà đầu tư, phòng khám. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh từ cấp xã đến Trung ương; có nhiều biện pháp tích cực để quản lý, đảm bảo văn hóa, danh dự, y đức ngành Y tế.
Tăng cường quản lý thuốc, giá thuốc, viện phí để đảm bảo chi phí hợp lý, có lộ trình, phù hợp thu nhập, điều kiện của người dân.
Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ, ngành liên quan đảm bảo quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo chuyển biến tích cực từ nay đến Tết âm lịch và hết năm 2013; ngăn chặn những mặt hàng lậu kém chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; có biện pháp tích cực và quyết liệt hơn nữa trong việc giải quyết tình trạng mất cân bằng về giới tính đã xuất hiện trong những năm gần đây.
Quốc hội cũng ghi nhận và đánh giá cao những cam kết của Thủ tướng Chính phủ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân của chính bản thân Thủ tướng và tập thể Chính phủ trong việc khắc phục tồn tại, yếu kém trong quản lý, điều hành và tích cực phấn đấu để thực hiện thành công kế hoạch công tác của Chính phủ; trước mắt, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2012 và kế hoạch hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu năm 2013 mà Quốc hội đã đưa ra.
Theo ĐCSVN