"Quê tôi ở thôn Lạc Thiện - một thôn còn nhiều khó khăn của xã Gia Lạc (huyện Gia Viễn). Nhà tôi nghèo lắm. Bố mẹ tôi sinh được 6 anh chị em. Anh Sáng là con trai trưởng và tôi là con trai út. Anh Sáng hơn tôi cả 1 giáp, vì vậy khi bố tôi mất thì anh còn làm thay bổn phận của một người cha đối với tôi. Thời của các anh chị tôi, gia đình ăn còn chưa đủ no nói gì tới cho con đi học. Thế là lần lượt, cứ hết lớp 9 là các anh chị tôi lại nghỉ học, ở nhà đi làm phụ giúp cha mẹ. Nhưng còn tôi, các anh chị luôn động viên và tạo mọi điều kiện để tôi được đến trường. Còn nhớ, những ngày bước vào lớp 1, anh Sáng dắt tôi đến trường. Anh bảo, tôi phải ráng mà học cho thật giỏi. Học hộ cả các anh, các chị nữa. Học để cuộc sống hết khổ, hết nghèo. Tuy chưa hiểu được nhiều những lời anh nói, song nghe lời anh, tôi chăm chỉ học hành. Kết thúc mỗi năm học, tôi đều mang về khoe anh tờ giấy khen của nhà trường. Những lúc ấy, anh Sáng vui lắm. Anh công kênh tôi trên vai và chạy đi khoe khắp xóm.
Càng học lên cao, các khoản chi phí cho việc học của tôi càng nhiều. Tuy vậy, anh vẫn động viên mẹ tôi phấn đấu cho tôi đi học cho bằng bạn bằng bè. Mẹ tôi ngày càng già yếu, anh lại đứng ra làm trụ cột để chăm lo cho tôi ăn học. Các chị gái lần lượt lấy chồng và anh tôi cũng lấy vợ. Tôi và mẹ già ở với vợ chồng anh Sáng. Vợ chồng trẻ, chẳng có nghề nghiệp gì nên cuộc sống của vợ chồng anh cũng rất khó khăn. Thầu thêm 3 sào ruộng, anh chị tôi chăm chỉ cấy cầy và chăn nuôi thêm con lợn, con gà. Các cháu tôi lần lượt ra đời, gánh nặng trên vai anh chị ngày càng nặng. Lúc nông nhàn, anh trai tôi đi làm thuê, làm mướn. Còn chị dâu thì bắt cua, mò ốc suốt ngày để lo cái ăn cho gia đình. Cực khổ là vậy, mà chưa bao giờ tôi thấy anh chị than vãn nửa lời. Buổi tối, khi mọi người sum vầy quanh mâm cơm đạm bạc thì anh chị lại hỏi thăm xem hôm nay tôi học hành ra sao. Rồi lại động viên mọi người trong gia đình cùng cố gắng vượt qua khó khăn. Những giây phút ấy đối với tôi là niềm hạnh phúc không thể nào quên." Trung úy Phạm Tất Đạt, Tàu 4043, VCSB3 tâm sự với chúng tôi qua điện thoại .
Nén niềm xúc động, trung úy Đạt kể tiếp: Tròn 18 tuổi, tốt nghiệp THPT tôi tình nguyện nhập ngũ. Còn nhớ, bữa cơm trước ngày tôi nhập ngũ đã được anh chị tôi chuẩn bị thật chu đáo. Nhìn dáng anh gầy gò, tất tưởi chuẩn bị cho tôi mọi thứ, tôi thấy thương anh quá và tự nhủ lòng mình không được phép quên ân tình của anh. Trong thời gian đi nghĩa vụ quân sự, tôi tích cực ôn luyện văn hóa để tham gia vào kỳ thi đại học. Mùa thi đại học năm sau, tôi đăng ký dự thi vào trường Học Viện Hải quân, khoa cảnh sát biển. Sau bao cố gắng thì thành công đã đến với tôi. Tôi đã trúng tuyển vào Học viện Hải quân. Khi có kết quả, người tôi báo tin đầu tiên chính là anh Sáng. Ngày tiễn tôi nhập trường, anh chị dúi vào tay tôi một chút tiền. Anh bảo, xa nhà có nhiều cái phải tiêu, em cứ giữ để lo cho mình. Tôi không thể ngăn nổi dòng nước mắt, bởi tôi biết có được số tiền này, anh chị tôi đã phải bán "non" một đàn lợn con…
Theo lời của Trung úy Phạm Tất Đạt, chúng tôi tìm đến gia đình anh Phạm Văn Sáng ở thôn Lạc Thiện. Ngôi nhà nho nhỏ, nhưng treo nhiều giấy khen của Đạt. Anh Sáng kể, trước đây, cứ lúc nông nhàn thì anh đi làm phụ hồ. Nhưng hai năm trở lại đây, sức khỏe yếu nên vợ anh không cho anh đi làm xa. Mình chị chạy chợ nuôi 2 con gái chăm ngoan, học giỏi. Anh Sáng cho biết, so với bạn bè cùng trang lứa thì Đạt khá thiệt thòi. Đạt không đi học thêm, em năng thức khuya, dậy sớm để học bài. Ban ngày, ngoài thời gian đến trường, em giúp anh chị việc nhà nông và chăm sóc 2 cháu còn nhỏ.
"Bây giờ, Đạt đã ra trường và đã là một trung úy hải quân. Thỉnh thoảng em lại gửi lương về để phụ với anh chị lo cho các cháu học hành. Mỗi lần về phép, Đạt tranh thủ sửa sang lại cho anh chị khi thì cái chuồng gà, khi thì làm lại cái sân để dễ phơi thóc ngày mùa… Năm nay, Đạt cũng đã ngoài 30 tuổi, chúng tôi chỉ mong mỏi em sớm ổn định chuyện gia đình, để an lòng mẹ và anh chị ở quê nhà. Tôi vẫn nói với em rằng, cuộc sống ở quê còn nhiều khó khăn lắm, song chưa thể so với những vất vả mà Đạt và bao đồng đội đang phải trải qua nơi đầu sóng, ngọn gió. ở quê nhà, chúng tôi chỉ biết cố gắng chăm sóc mẹ già, gìn giữ gia đình hạnh phúc để Đạt yên tâm làm nhiệm vụ nơi đảo xa." - anh Sáng chia sẻ.
Bài, ảnh: Đào Hằng