Tỉnh hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc khảo sát, lựa chọn và xây dựng thí điểm 9 tổ hội nghề nghiệp trong toàn tỉnh; sau đó tập trung khai thác các nguồn vốn và ưu tiên cho các tổ hội nghề nghiệp được vay từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, các chương trình dự án khác… ở hơn 700 tổ tiết kiệm vay vốn do các cấp Hội nông dân quản lý đã có nhiều thành viên tổ hội nghề nghiệp được vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, họ cũng thường xuyên được tham gia vào các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Được biết, các tổ hội nghề nghiệp này được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi và đảm bảo đạt được tiêu chí "5 cùng": cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi. Bên cạnh đó, việc xây dựng tổ hội nghề nghiệp cũng được dựa trên cơ sở tập hợp, gắn bó hội viên vì có chung trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo ra cơ chế tự liên kết trong sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và được coi là giải pháp cụ thể, chủ động, tự thân bảo vệ hội viên nông dân trong môi trường cạnh tranh hiện nay.
Trên thực tế, các tổ hội này đã xây dựng được nội dung sinh hoạt phong phú, thiết thực, trong đó bao gồm việc đi sâu vào trao đổi thông tin liên quan đến ngành nghề sản xuất kinh doanh; cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phòng trừ dịch bệnh, cách thức lập dự án sản xuất kinh doanh, thủ tục vay vốn, quản lý và sử dụng vốn vay hiệu quả… Các buổi sinh hoạt của các tổ hội được tổ chức đều đặn hàng tháng, hàng quý với sự tham gia đông đủ, tích cực của mỗi thành viên với những ý kiến phát biểu sôi nổi.
Đến nay, các tổ đều hoạt động có hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên. Trong đó phải kể đến Tổ hội nghề nghiệp chế tác đá mỹ nghệ xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư) hiện đã có gần 40 thành viên với tổng thu nhập sau khi trừ chi phí đạt từ 400 - 500 triệu đồng/năm; Tổ hội cơ khí phường Bích Đào (thành phố Ninh Bình) thường xuyên tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, các thành viên đều là hộ khá, giàu; Tổ hội nuôi trồng, thủy sản an toàn xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh) với 100% thành viên được ưu tiên vay các nguồn vốn, được tiếp cận trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm, thống nhất về giá sản phẩm làm ra và chuyển giao khoa học kỹ thuật; sản xuất, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa... Đặc biệt, một số tổ hội đã tạo ra và duy trì nguồn hàng hóa đảm bảo số lượng, chất lượng cung cấp cho các cửa hàng nông sản an toàn mà hiện nay Hội Nông dân tỉnh đang triển khai.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, kết quả hoạt động của các tổ hội nghề nghiệp cho thấy việc thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp, sản xuất tập trung đã mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao được nhận thức cho hội viên, phát huy được nội lực của hội viên nông dân, giúp họ có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thống nhất phương án sản xuất - kinh doanh, giảm thiểu chi phí dịch vụ đầu vào con giống, thức ăn chăn nuôi, nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm, ổn định đầu ra trên thị trường. Cũng bởi vậy hội viên yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập. Ngoài ra, đây cũng là một trong những tiền đề cho việc thành lập các Hợp tác xã, góp phần đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, thúc đẩy xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn, tăng cường mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm...
Đào Duy