Nho Quan là huyện miền núi với khoảng 17% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước đã thổi một luồng gió mới, tiếp sức cho phát triển nông nghiệp, nông thôn Nho Quan. Đảng bộ, chính quyền đã kịp thời có những quyết sách thực sự đột phá trong phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Đồng chí Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Để biến những khó khăn thành lợi thế, huyện Nho Quan đã tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp, mạnh dạn chuyển đổi, áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến gắn sản xuất với tiêu thụ và từng bước xây dựng nhãn hiệu nông sản.
Huyện cũng đã triển khai thí điểm các mô hình ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ mới, nhằm giúp người nông dân tiếp cận với những cách thức canh tác tiên tiến, giảm giá thành sản xuất, song song với đó huyện triển khai tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác, tập trung nâng cao năng lực cho các đối tác tham gia trong chuỗi liên kết như doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), trang trại và nông dân.
Đồng thời tiếp tục củng cố 30 HTX, THT nông nghiệp (hoạt động theo Luật HTX 2012) và 73 trang trại, 813 gia trại. Qua đó, góp phần gia tăng giá trị nông sản hàng hóa làm ra, hình thành và phát triển nhãn hiệu hàng hóa đặc trưng cho mỗi địa phương.
Đặc biệt, chủ trương tích tụ ruộng đất cho doanh nghiệp thuê để sản xuất được quan tâm chỉ đạo đạt kết quả tốt. Huyện đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh và Công ty TNHH Sữa dê Ninh Bình khảo sát quỹ đất lập dự án sản xuất sữa dê chất lượng cao trên địa bàn huyện.
Một số dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp đã hoàn thành thủ tục đầu tư đi vào hoạt động như: Dự án Nhà máy may xuất khẩu BT tại thị trấn Nho Quan; Nhà máy giầy Regis Việt Nam tại Cụm công nghiệp Văn Phong ... tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương.
Có thể khẳng định, việc phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm qua đã được các cấp chính quyền trong tỉnh quan tâm đặc biệt. Theo thống kê, toàn tỉnh có 62/145 đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các xã đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Trung ương tới địa phương để tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất, từng bước đưa miền núi "tiến kịp" miền xuôi.
Để làm tiền đề cho việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, các xã trong tỉnh nói chung và các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc nói riêng đã thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa. Hiện toàn tỉnh có 51/ 54 xã miền núi tham gia dồn điền đổi thửa.
Đến nay, đã có 50 xã phê duyệt phương án dồn điền đổi thửa. Các xã đã gắn dồn điền đổi thửa với chỉnh trang đồng ruộng, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Thực hiện mô hình hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa.
Dựa trên thành công của dồn điền đổi thửa, các địa phương trong tỉnh đã triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình có giá trị kinh tế cao, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân góp phần nâng cao giá trị, giảm rủi ro, tổn thất trong sản xuất nông nghiệp.
Đi đôi với sản xuất nông nghiệp, các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh cũng đã chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại.
Tiếp tục khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, đất đai để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ lãi suất tiền vay, đào tạo nghề, liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, khích lệ các hộ dân mở thêm các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn. Tiếp tục chú trọng phát triển một số ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thông như: Thêu ren, đá mỹ nghệ, du lịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền hàng năm đều phân bổ nguồn vốn của chương trình xây dựng nông thôn mới ưu tiên hỗ trợ cho 10 xã khó khăn giúp các xã phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, giảm chênh lệch với các xã còn lại trong tỉnh.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tích cực huy động nguồn vốn của Trung ương và địa phương triển khai tốt các chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp hàng nghìn hộ miền núi vượt qua ngưỡng nghèo.
Cùng với đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã có nhiều chính sách về trợ giúp xã hội góp phần nâng cao nhận thức và giúp cho người nghèo tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Với những chính sách đúng và trúng của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của các địa phương, đến nay toàn tỉnh đã có 46/54 xã miền núi đạt chuẩn tiêu chí số 10 về thu nhập, 54/54 xã miền núi đạt chuẩn tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất; 45/54 xã miền núi đạt chuẩn tiêu chí số 11 về hộ nghèo...
Nguyễn Thơm