Nhiều ngành nghề truyền thống được khôi phục, các ngành nghề phụ mới được tìm tòi, du nhập đã tạo ra nhiều sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường, giải quyết việc làm cho nhiều lao động dư thừa trong lúc nông nhàn, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhân dân, góp phần tích cực trong việc xóa đói, giảm nghèo và cũng nhờ đó mà tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngày một tăng trong cơ cấu kinh tế hiện nay.
Ngành nghề phụ phát triển mạnh mẽ đã hình thành nên các làng nghề có thương hiệu như làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân, thêu ren Văn Lâm, bún bánh Yên Ninh, Khánh Dương, chế biến cói xuất khẩu Kim Sơn...
Phát triển làng nghề là một hướng đi tích cực, đúng đắn, mở ra nhiều cơ hội vươn lên cho các địa phương, nhất là những vùng khó khăn, điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Gia Thủy là một trong những xã khó khăn trong việc phát triển kinh tế ở Nho Quan. Xã có 617,75 ha đất tự nhiên thì diện tích canh tác, phục vụ cho sản xuất chiếm 420 ha. Tuy diện tích canh tác rộng song địa hình không bằng phẳng, cốt đất không đồng đều và kém màu mỡ nên việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp của xã không thuận lợi. Diện tích gieo trồng 1 lúa + màu của toàn xã chiếm 25%, diện tích chuyên màu chiếm 15%, số còn lại chủ yếu là diện tích cấy 1 vụ, còn vụ chiêm không ăn chắc vì diện tích chủ yếu ở ngoài đê, chịu ảnh hưởng của lũ tiểu mãn.
Do vậy, dù người dân trong xã đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, tập trung đưa những giống cây, con mới, phù hợp có năng suất, giá trị, sản lượng cao vào gieo cấy, tận dụng diện tích đất để trồng các loại rau màu dễ tiêu thụ trên thị trường nhưng giá trị thu nhập trung bình trên 1 ha đất canh tác chỉ đạt gần 20 triệu đồng.
Trăn trở để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, mức sống của nhân dân, hướng đi mà Gia Thủy lựa chọn chỉ có thể là tạo mọi điều kiện và vận động nhân dân tham gia làm các ngành nghề phụ. Thuận lợi của Gia Thủy là trên địa bàn đã có HTX gốm Long Thịnh. Kế thừa và phát huy truyền thống chế tác, cơ sở gốm Long Thịnh đã không ngừng đầu tư cơ sở, trang thiết bị, máy móc, phương tiện hiện đại để sản xuất và nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm gốm, tạo ra uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, thu hút một lực lượng lao động không nhỏ trên địa bàn tham gia với mức thu nhập khá.
Từ năm 1995 đến nay, cơ sở được chuyển đổi thành HTX tiểu thủ công nghiệp Long Thịnh. Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất những sản phẩm chum, vò, vại... bằng phương pháp thủ công như trước, hiện nay cơ sở đã sản xuất đa dạng các sản phẩm theo đơn đặt hàng của các đối tác như bình đựng rượu, ấm chén... với các máy móc hiện đại, giảm bớt sức lao động của con người như máy nghiền đất, lọc đất, mô tơ chạy bàn xoay... Sản phẩm của cơ sở không chỉ giới hạn tiêu thụ ở trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh ngoài như Hà Tây, Hà Nội, Nghệ An và nước ngoài như Nhật Bản.
Nghề gốm hiện đang thu hút trên 50 lao động trực tiếp là người dân địa phương tham gia sản xuất, với mức thu nhập trên 1 triệu đồng/người/tháng và nhiều lao động gián tiếp khác.
Bên cạnh nghề gốm truyền thống, Gia Thủy cũng tích cực vận động nhân dân làm thêm nghề thêu ren. Mặc dù thu nhập không cao, trung bình khoảng 300.000 đồng/người/tháng, nhưng với phương châm người dân trong xã đã tích cực tham gia làm nghề thêu. Hiện nghề thêu đã thu hút gần 100 tay kim trong xã. Năm 2007 là năm quan trọng, đánh dấu sự phát triển trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp của xã, UBND tỉnh đã công nhận 2 làng nghề: làng nghề gốm và thêu ren Gia Thủy.
Ngoài những lao động tham gia làm nghề gốm, thêu ren, sản xuất nông nghiệp, nhiều lao động dư thừa, lao động nông nhàn khác trong xã còn tham gia làm các nghề khác như mộc, nề, sản xuất vật liệu xây dựng, tham gia vào các xí nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy mà tỷ lệ hộ nghèo trong xã có chiều hướng giảm hẳn qua các năm, năm 2006 tỷ lệ hộ nghèo trong xã là 14%, đến năm 2007 giảm xuống còn 7,24% (= 100 hộ).
Phát triển làng nghề là một việc cần thiết, song để mở rộng, duy trì và phát triển bền vững làng nghề cần có những cơ chế, liệu pháp phù hợp trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường... Trở lại vấn đề của Gia Thủy, nhận thấy: Trong thời gian qua, để tạo điều kiện phát triển làng nghề, Gia Thủy đã ưu tiên dành riêng những diện tích đất nhất định để cơ sở gốm khai thác nguồn đất sét trắng phục vụ cho sản xuất. Cho đến nay, diện tích đã được khai thác chiếm khoảng 20 ha, chủ yếu ở các thôn Mỹ Lộc, Mỹ Thượng, Cây Sa, Hoang Bằng. Trong đó có khoảng 5 ha đã khai thác sâu, người dân bắt đầu chuyển diện tích này sang nuôi trồng thủy sản. Để duy trì và mở rộng nghề gốm trong tương lai, Gia Thủy đang đối mặt với sự cạn kiệt về nguyên liệu đất cát trắng, sẽ phải tổ chức mua ở những vùng phụ cận khác.
Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất chưa được đầu tư thỏa đáng làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Việc vận chuyển nguyên vật liệu, nung thành phẩm gây khói bụi, ô nhiễm môi trường vì nằm xen kẽ trong khu dân cư. Việc tiêu thụ sản phẩm gốm của xã mang tính tự túc, không có môi trường ổn định. Tiếp tục đưa nghề gốm truyền thống phát triển, Gia Thủy đang có dự án điều chỉnh cơ sở sản xuất gốm ra khu đất Trại Đông Nam, tách biệt khỏi khu dân cư, thuận tiện về mặt giao thông, với 3 ha đất để xây dựng khu lán trại và khoảng 20 ha để khai thác nguyên liệu.
Thực hiện dự án, huyện đang hỗ trợ cho xã 200 triệu đồng để làm đường vào khu sản xuất. Mong muốn của những người làm gốm nơi đây là có sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ hơn nữa của tỉnh để cơ sở sản xuất, khu lán trại được nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện, để nghề gốm mãi gắn bó với Gia Thủy.
Cũng giống như làng nghề ở Gia Thủy, nhiều làng nghề khác trên địa bàn tỉnh ta tuy chưa gặp phải việc quá khó khăn vì khan hiếm nguồn nguyên liệu, song đều đứng trước vấn đề khó khăn là ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe nhân dân. Điều đó đặt ra cho các ngành, các cấp liên quan cần phải tính toán đến những giải pháp dài hơi để phát triển làng nghề, phải có quy hoạch vùng riêng, cụ thể đối với từng làng nghề và phải có những cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phù hợp.
Hoàng Tâm