Từng bị coi là “vùng trũng” về môi trường và công nghệ trong ngành hóa chất, Nhà máy Đạm Ninh Bình đã có bước chuyển mình ngoạn mục để trở thành lá cờ đầu trong chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới tư duy quản trị và đầu tư bài bản vào các dự án tái chế, năng lượng tái tạo, cộng sinh công nghiệp, Nhà máy Đạm Ninh Bình không chỉ vượt qua khó khăn mà còn kiến tạo mô hình sản xuất bền vững.
Vượt qua “vùng trũng” môi trường
Cách đây hơn một thập kỷ, khi Nhà máy Đạm Ninh Bình chính thức đi vào vận hành, ít ai nghĩ rằng đây sẽ là một trong những đơn vị tiên phong của ngành hóa chất trong công cuộc chuyển đổi xanh.
Nằm trong Khu công nghiệp Khánh Phú, Nhà máy Đạm Ninh Bình trực thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), được đầu tư lớn về quy mô và công suất nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu vận hành. Những bất cập trong công nghệ, chi phí sản xuất cao cùng lượng phát thải lớn khiến dư luận nhiều lần bày tỏ lo ngại về tác động môi trường từ nhà máy. Đặc biệt, lượng khí CO2, sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất urê, từng bị phóng không hoàn toàn ra môi trường. Kèm theo đó là mức tiêu hao than cao và hiệu quả khai thác năng lượng chưa tối ưu. Không chỉ bị đánh giá là “vùng trũng” về hiệu quả kinh tế, Nhà máy Đạm Ninh Bình từng bị xem là một trong những “điểm nóng” về môi trường trong ngành hóa chất.
Tuy nhiên, bước ngoặt lớn đã đến khi Chính phủ Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26, đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đồng thời, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã ban hành các chương trình hành động cụ thể, thúc đẩy các đơn vị thành viên áp dụng mô hình tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn. Với quyết tâm đổi mới, Đạm Ninh Bình bắt đầu hành trình “xanh hóa” toàn diện, không chỉ nhằm khắc phục hình ảnh quá khứ mà còn hướng tới chiến lược phát triển bền vững lâu dài.
Theo ông Nguyễn Viết Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình, quá trình chuyển đổi này không đơn thuần là đầu tư thiết bị mới mà là sự thay đổi sâu rộng từ tư duy quản trị đến mô hình vận hành. Đó là lý do vì sao chỉ trong vài năm gần đây, Đạm Ninh Bình đã cho ra đời hàng loạt dự án xanh có giá trị cả về kinh tế lẫn môi trường, trở thành đơn vị tiêu biểu trong ngành hóa chất về thực hiện chuyển đổi xanh.
Đổi mới sáng tạo từ tư duy đến hành động
Một trong những điểm sáng lớn nhất là dự án thu hồi và tinh chế khí CO2. Trước đây, mỗi năm Nhà máy phát thải một lượng lớn khí CO2 thô và tinh ra môi trường. Sau khi nghiên cứu và hợp tác với các đối tác chuyên ngành, Nhà máy đã đầu tư hệ thống thu hồi CO2 công nghệ cao. Hiện nay, hơn 50% lượng CO2 thô có độ tinh khiết trên 72% đã được thu hồi, tinh chế thành CO2 >99,9% để cung cấp cho các ngành giải khát, thực phẩm, cơ khí. Quá trình này không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính, mà còn mở ra chuỗi giá trị kinh tế đáng kể.
Theo tính toán, giá trị làm lợi từ việc thu hồi và tái sử dụng khí CO2 lên đến khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm, nhờ vào hợp đồng cung cấp khí cho các thương hiệu lớn như Coca-Cola, PepsiCo và nhiều nhà máy chế tạo trong nước. Mục tiêu của Công ty là đến năm 2027 sẽ thu hồi toàn bộ lượng CO2 có thể tái sử dụng, hoàn thiện chu trình tuần hoàn khép kín trong sản xuất urê.
Song song với thu hồi khí, Nhà máy Đạm Ninh Bình cũng đi đầu trong việc ứng dụng năng lượng tái tạo. Từ tháng 2/2024, hệ thống điện mặt trời áp mái với công suất 3,8 MWp được đưa vào vận hành. Với nguồn điện này, Nhà máy giảm được hàng triệu kWh điện từ lưới quốc gia mỗi năm, tương đương làm lợi khoảng 10 tỷ đồng, đồng thời giảm tiêu hao than-yếu tố then chốt trong giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Không dừng lại ở việc lắp đặt thiết bị, Nhà máy Đạm Ninh Bình còn thực hiện hàng loạt cải tạo trong dây chuyền sản xuất. Dự án nâng cấp hệ thống thu hồi lưu huỳnh giúp tận thu khí axit, giảm chi phí hóa chất nhập khẩu và cải thiện đáng kể điều kiện môi trường làm việc. Nhờ hiện đại hóa dây chuyền và ứng dụng quản lý năng lượng thông minh, mức tiêu hao than được cắt giảm đáng kể. Đây là giải pháp kép, vừa tiết kiệm tài nguyên, vừa giảm phát thải khí độc.
Một điểm nổi bật nữa là việc Công ty tận dụng CO2 tinh trong sản xuất urê. Bằng cách kết hợp thu hồi CO2 tinh với hệ thống nhập NH3, Đạm Ninh Bình tăng sản lượng urê từ 5-10% so với hiện tại , tương đương giá trị gia tăng khoảng 230- 470 tỷ đồng. Các dự án này đang mang lại hiệu quả “kép” vừa nâng cao năng lực sản xuất, vừa giảm áp lực môi trường.
Bằng việc kết nối với các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Khánh Phú, đặc biệt là Công ty Cổ phần Khí công nghiệp Ninh Bình, Nhà máy đã hình thành một mô hình cộng sinh công nghiệp tiêu biểu, nơi khí thải của đơn vị này trở thành nguyên liệu đầu vào cho đơn vị khác. Đây là nguyên lý nền tảng của kinh tế tuần hoàn hiện đại.
Từ chỗ từng bị coi là “vùng trũng” công nghệ, Nhà máy Đạm Ninh Bình đang dần trở thành “hạt nhân xanh” trong mạng lưới sản xuất hóa chất quốc gia. Đặc biệt, những thành công bước đầu không chỉ mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp mà còn tạo tác động lan tỏa tích cực đến chiến lược phát triển bền vững của tỉnh Ninh Bình.
Với quyết tâm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, Nhà máy Đạm Ninh Bình đang chứng minh rằng: phát triển công nghiệp xanh không chỉ là khẩu hiệu, mà hoàn toàn khả thi nếu có định hướng đúng và hành động cụ thể. Đây chính là tiền đề để doanh nghiệp tiếp tục mở rộng hệ sinh thái xanh, khẳng định vai trò tiên phong trong tiến trình xây dựng nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.
⇒ Kỳ 2: Bức tranh kinh tế tuần hoàn ở Ninh Bình